Giáo dục ĐH tập trung nâng dần điều kiện đảm bảo chất lượng

GD&TĐ - Trong năm học 2016 - 2017, giáo dục đại học đã tập trung nâng dần các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo đó, kịp thời điều chỉnh phương án tuyển sinh đảm bảo chất lượng, hiệu quả; phát triển đa dạng các hình thức đào tạo chất lượng cao; ổn định quy mô, phát triển đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; triển khai khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp; đã xây dựng, trình ban hành cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia đảm bảo tính khoa học và tương thích với hệ thống giáo dục các nước trong khu vực.

Các cơ sở giáo dục đại học phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, tổ chức cho sinh viên thực hành, gắn việc học lý thuyết với thực hành để sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; thực hiện kết nối với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để sau khi sinh viên ra trường tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Hiện, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện quy trình đề xuất Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số trong nhóm dân tộc có nguồn nhân lực thấp học cao học, nghiên cứu sinh được miễn học phí, giáo trình, tài liệu học tập và hỗ trợ tiền ăn, ở hằng tháng bằng mức lương cơ sở; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, nâng mức hỗ trợ đối với học sinh người dân tộc thiểu số đang học tại các cơ sở giáo dục đại học.

Bộ GD&ĐT cũng đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở các tỉnh Tây Nguyên, các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đánh giá tổng thể hoạt động kết nối doanh nghiệp của các trường đại học ngoài công lập. Nguồn: Báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học, 2017

Một số hạn chế

Hiện nay, cơ cấu quản lý, quản trị các trường đại học còn chưa chất lượng, hiệu quả (111 cơ sở chưa có Hội đồng trường, chưa thành lập Hội đồng trường, chiếm 65,6% tổng số); chất lượng đào tạo của giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Một số trường đại học quy mô nhỏ, đầu tư ít nên chất lượng thấp và khó phát triển; nhiều trường không tuyển sinh được nên việc duy trì hoạt động đào tạo gặp nhiều khó khăn; một số trường đại học thiếu đất xây dựng và mở rộng trường tại các khu đô thị phải thuê mướn nhiều cơ sở khác không phải là cơ sở đào tạo đại học, hoặc cơ sở bị phân chia nhỏ lẻ thành nhiều địa điểm trên cùng địa bàn nên không đảm bảo cảnh quan môi trường sư phạm;

Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm và hạn chế do thiếu dự báo dài hạn; nguồn lực đầu tư còn thấp nên các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế...

Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý giáo dục theo Nghị định 115/2010/NĐ-CP có nơi, có lúc chưa thực hiện nghiêm; chuyển đổi mô hình trường dân lập sang trường tư thục còn chậm. Việc thanh tra, kiểm tra, xác nhận các điều kiện về mở ngành đào tạo, các hoạt động khác còn mờ nhạt, chưa đi vào thực chất.

Chưa có báo cáo kịp thời về những sai phạm về hoạt động liên kết đào tạo, hoạt động của một số cơ sở đào tạo khi chưa được phép trên địa bàn. Chưa phát huy được vai trò thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đặc biệt là sự gắn kết của các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp địa phương.

Năm học 2016-2017, cả nước có 235 trường đại học, học viện, 32 trường cao đẳng sư phạm với quy mô đào tạo trình độ đại học là 1.767.879 sinh viên (tăng nhẹ 0,8% so với năm học 2015-2016) và quy mô đào tạo cao đẳng sư phạm 47.800 sinh viên (giảm 14,3% so với năm học 2015-2016).
Hầu hết các địa phương đều có trường đại học, trường cao đẳng sư phạm hoặc phân hiệu của trường đại học đóng trên địa bàn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực ở các địa phương.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-duc-dh-tap-trung-nang-dan-dieu-kien-dam-bao-chat-luong-3547704-v.html