Giáo dục - đào tạo: Cần thực tiễn, kiến thức đích thực, loại tiêu cực

Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, Bác Hố đã có lời huấn thị gửi các cháu thiếu niên nhi đồng: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không là nhờ công học tập của các cháu”. Bác đã sớm nhận thức tiền đồ nước Việt Nam trên trường quốc tế, nên đã nỗ lực vận động cả nước học tập, mở lớp bình dân học vụ khắp nơi với phong trào "người biết chữ dạy người không biết chữ, người biết hai chữ dạy người biết một chữ” và ngay trong kháng chiến gian khổ, bom đạn ác liệt, vẫn mở trường dạy học, lại gửi nhiều học sinh ra nước ngoài đào tạo, nên đã đưa một nước vốn đại đa số mù chữ trở thành một nước sánh vai với cường quốc năm châu về thành tích học tập.

Tuy nhiên, việc dạy và học ngày nay bên cạnh cái được, lại có nhiều yếu kém, khiếm khuyết, tiêu cực, tham nhũng bị dư luận quần chúng kêu ca trong đó có việc"làm kinh tế trên lưng học sinh” cùng với nạn bằng rởm, Thạc sĩ, Tiến sĩ giấy. Cạnh đó lại có những thầy giáo bị trù dập, vô hiệu hóa vì chống tiêu cực trong học đường. Người giỏi đích thực thì bị bỏ rơi, vì các vị chức quyền không sử dụng người tài hơn mình sợ tranh quyền chức; người bất tài thì được trọng dụng để dễ sai bảo…

Chương trình học nặng nề, o ép, cơ chế trói buộc, học sinh giỏi không thể rút ngắn thời gian ở phổ thông và đại học. Trước đây đang học ‘yếu lược’ (lớp Ba) có thể thi tốt nghiệp ‘tiểu học’ (lớp Năm). Học ‘Đệ Nhị’ (lớp 6) có thể xin thi ‘Diplom’, đang học Diplom (lớp 9) có thể xin thi Tú tài miễn là đủ trình độ. Cùng thời gian có thể đổ đạt vài bằng đại học. Cơ chế đào tạo hiện nay không thể vượt cấp được.

Ở nước ngoài, có em mới 13 tuổi đã đỗ cử nhân, 16 tuổi đã đỗ Tiến sĩ. Cháu Huỳnh, người Mỹ gốc Việt mới 13 tuổi vào đại học, 16 tuổi làm luận văn Tiến sĩ. Sinh viên Đinh Nho Huỳnh giỏi toán, mới học 4 năm đại học đã là Thạc sĩ và cho làm luận án Tiến sĩ toán (nay là Giáo sư toán giỏi ở Mỹ). Ở Đức, đủ tiêu chuẩn là vào đại học không thi cử, nhưng nếu không đạt điểm bị buộc thôi học. Cho nên vào đại học 100%, nhưng đỗ đạt từ 20 đến 60%. Nhưng ở ta vào đại học bao nhiêu thì ra trường gần như bấy nhiêu. Đến nỗi có không ít người học tại chức, hàm thụ, có chức quyền đi họp triền miên, không lên lớp, bài toán dễ không làm được vẫn được điểm và đỗ đại học hết. Đó là một thực trạng chất lượng đào tạo ở ta.

Cũng ở Đức, trước khi vào học phải có bằng nghề, sau khi tốt nghiệp phải kinh qua thực tiễn tay nghề, giảng viên phải có công trình khoa học, mỗi năm phải có 800 giờ nghiên cứu khoa học mới lên lớp. GS người Đức Ewin Andra khi được hỏi ở Đức đào tạo cán bộ giảng dạy như thế nào thì đã được trả lời: "Ở nước chúng tôi chọn sinh viên giỏi nhất ở lại trường làm phụ giảng. Trong 3 năm đầu, nếu làm tốt thì bồi dưỡng trở thành PGS, GS. Nếu không làm tốt mời anh đi nơi khác để phát huy tài năng. Đó là việc nhân đạo, vì nếu anh ta ở lại giảng dạy sẽ làm hỏng, làm thui chột các thế hệ sinh viên”. Các trường đại học ở Đức rất tôn trọng thực tiễn, ưu tiên những cán bộ đã đi làm nhiều năm, có nhiều sáng chế, sáng tạo được mời về trường bổ nhiệm PGS, GS làm trưởng khoa, rồi làm hiệu trưởng...

Còn ở ta nhiều thầy dạy chế tạo máy, nhưng không biết điều khiển máy, dạy mỹ thuật nhưng không có tác phẩm vẫn lên lớp; dạy về kinh tế, nhưng không biết làm kinh tế, không có chuyên môn sâu... Sinh viên ra trường thường làm nghề tay trái. Nếu không tìm được việc làm, họ xin học Thạc sĩ. Nhiều Thạc sĩ, TS không biết gì thực tiễn nhưng vẫn đứng trên bục giảng. Theo quy định giảng viên phải có bằng Thạc sĩ, TS, PGS, GS, nên việc chạy, mua bằng cấp học vị rất phổ biến. Trong lúc đó có nhiều người tài năng, không có học vị cao, nhưng giỏi hơn GS, TS, vì họ tự học, tự nghiên cứu thực tiễn ở ngoài đời, có nhiều công trình khoa học, bằng sáng chế độc quyền hơn hẳn bằng TS nhưng vẫn không được dạy. Nhiều người rất thông minh, có nhiều chứng chỉ khoa học, nhưng theo quy định phải bảo vệ TS tương đương mới được xét phong PGS, GS, nhưng vì lòng tự trọng họ từ chối, vì đó là bằng dởm, không để lớp học trò kiến thức thấp xét phong họ. Không nên đối xử bất bình đẳng, coi việc học ở trường hơn học thực tiễn ! Dù bằng cấp học vị cao, học hàm GS, PGS mà không sáng chế được gì cũng bỏ.

Trong xét PGS, GS ở ta cũng không tránh khỏi tiêu cực. Bằng ngoại ngữ mua, xin, công trình khoa học thì bỏ tiền để được đăng bài lấy điểm. Một ông hiệu trưởng không đủ điều kiện thành lập hội đồng xét chức danh khoa học lại nhờ hội đồng khác xét, mặc dầu đã rót tiền công quỹ và đóng góp cá nhân cho hội đồng này, nhưng khi xét không đủ phiếu lại chửi mắng om sòm. Năm sau ông xin xét ở hội đồng khác lại đạt phiếu khá cao, vì trước đó họ đã kéo nhau đến các thành viên hội đồng nhờ vả, biếu xén, mời đi nhậu. Một PGS, TS nói "Tôi nói với họ rằng: Nếu gọi là bạn để tặng thì không đúng lúc, nếu gọi là hối lộ thì ít quá, nếu không nhận thì bất nhã, mời đi nhậu tôi không đi”. Sau khi họ đạt phiếu cao chuyển lên Hội đồng liên ngành, tôi gọi điện đến một GS, TS, nguyên hiệu trưởng, thành viên hội đồng cấp Bộ: "….Tôi xin được gặp anh để nói về học hàm học vị có được không ?”. GS rất niềm nở: "Được, nhưng thứ bảy này anh gọi điện lại, vì nay tôi bận…”. Sáng thứ bảy, tôi vừa gọi điện, mới xưng danh, GS tưởng tôi đến nhờ vả, hớt hải: "Thôi, thôi. Tôi không còn là hiệu trưởng nữa, tôi xin rút khỏi hội đồng, phức tạp lắm. Hôm qua có mấy ông ở chỗ anh đến nhờ vả, tôi ngại lắm…”. GS cúp máy, tôi chưa nói gì thêm. Nhiều chuyện khác tương tự kể ra không hết. Qua đó chứng tỏ không ít các thành viên hội đồng bị mua và việc xét GS, PGS, TS ở ta rất phức tạp.

Thời vua Tự Đức để có tiền tiêu đã tăng thuế, bán chức tước, tham nhũng, hối lộ tràn lan, thì có vị quan thanh liêm Đặng Huy Trứ lên án bọn tham lam, căm giận bọn hối lộ đến mức muốn đem rửa cái ghế mà nó đã ngồi: "Rửa chỗ ngồi kia bụi sạch lầu” (Văn hiến Việt nam- Vũ Khiêu, tr. 325).

Ngày nay, đáng buồn là vẫn còn nhiều em học kém, phụ huynh phải biếu xén gạo, nếp, tiến bạc, quà cáp để con mình vượt qua "điểm chết”. Nhiều người muốn thi đỗ phải chạy chọt. Ví như một phụ huynh muốn con lọt qua kỳ thi vào đại học, ngồi chầu chực ở cổng trường, thấy tôi đi ra cứ nài nỉ, chạy theo về nhà, kỳ kèo, nhờ vả: "Nhờ thầy giúp cháu, vì thầy rất phúc hậu, nếu thi không đạt lần nữa cháu sẽ chơi bời…”, dúi vào tay tôi một cái phong bì, làm tôi rất mủi lòng, nhưng tôi kiên quyết từ chối.

Nhưng liệu những người có chức quyền trong ngành giáo dục - đào tạo đều trong sạch, không ai mua chức, mua quyền, không ai nhận hối lộ? Ngành GD-ĐT cần rút ra những bài học, phải coi trọng thực tiễn, đào tạo có chất lượng đích thực, tích cực. Chỉ có thế thì mới thực lòng chấn hưng giáo dục.

Phạm Phú Uynh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=59490&menu=1427&style=1