Giáo dục - chức năng của pháp luật

Gần đây nhiều vụ án được “phát giác” trên công luận gây nhức nhối dư luận xã hội.

Vụ án “Xin Chào” vừa lắng xuống với hình thức kỷ luật nghiêm khắc: cách chức một số lãnh đạo cơ quan điều tra, truy tố và kỷ luật các điều tra viên, kiểm sát viên ở Bình Chánh, TP HCM. Vụ án cướp 2 bánh mỳ ở TP HCM cũng gây xôn xao.

Gần đây VKSND Tối cao yêu cầu VKSND Cấp cao tại Hà Nội và VKSND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra ngay vụ việc liên quan đến vụ án của em Lê Văn Khánh (SN 1999, học lớp 11 Trường THPT Hàm Nghi) bị tuyên án 18 tháng tù vì tội “Cướp tài sản” đang gây bức xúc dư luận.

Lê Văn Khánh (SN 1999, học lớp 11 Trường THPT Hàm Nghi) bị tuyên án 18 tháng tù vì tội “Cướp tài sản”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM khi trả lời báo chí cho rằng, nếu không cân nhắc kỹ lưỡng thì việc xử lý hình sự đối với một người chưa thành niên sẽ ảnh hưởng tới cuộc đời của một con người.

“Chính vì thế Bộ luật Hình sự mới đang được sửa đổi đã đưa ra những biện pháp xử lý khác, theo hướng xử lý bằng biện pháp giáo dục tại phường xã, thị trấn, cộng đồng. Đối với một đứa trẻ mới lớn, những chấn động, ảnh hưởng từ một bản án sẽ hằn sâu rất lớn trong suốt cuộc đời sau này. Nếu tòa án cứ cứng nhắc xét xử, cứ khăng khăng “đúng luật”, thiếu đi tính nhân văn như trong những vụ án như của em Lê Văn Khánh (SN 1999, học lớp 11 Trường THPT Hàm Nghi, Hương Khê, Hà Tĩnh) hay vụ án mấy cháu nhỏ cướp bánh mỳ ở TP HCM thì sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới cả cuộc đời một con người. Xử như vậy sẽ tác hại rất lớn”- ông nói.

Thưa vâng, pháp luật về tố tụng không phải là để “bóp chết” con người mà phải thực hiện được chức năng giáo dục (CNGD) con người, đây là một trong ba chức năng của pháp luật.

CNGD của pháp luật được thực hiện thông qua sự tác động của pháp luật vào ý thức của con người, làm cho con người xử sự phù hợp với cách xử sự được quy định trong các quy phạm pháp luật.

Việc giáo dục có thể được thực hiện thông qua tuyên truyền, thông qua việc xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm (phạt những hành vi vi phạm giao thông, xét xử những người phạm tội hình sự,…).

Nếu quên điều này trong vận dụng, áp dụng luật pháp là phản tác dụng. Thực tế đáng buồn hiện nay là tình hình tái phạm tội đang diễn ra đáng lo ngại. Điều này cho thấy các biện pháp cưỡng chế pháp luật đã không thực hiện được CNGD.

Để thực hiện được CNGD của luật pháp, giai đoạn điều tra là vô cùng quan trọng. Đây là giai đoạn tố tụng hình sự đầu tiên, có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ quá trình tố tụng hình sự. Sau đó là cả quá trình truy tố, xét xử và cải tạo cưỡng bức.

Như vậy, pháp luật có thực hiện được CNGD hay không nằm chính trong tay những cán bộ tham gia tố tụng. Do đó, yêu cầu họ phải nắm vững luật pháp nếu muốn tham gia tố tụng.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/giao-duc--chuc-nang-cua-phap-luat-d22427.html