Giao dịch tiền ảo gây bất ổn làng quê

Sau khi không còn đắc dụng ở các đô thị lớn, những sàn giao dịch tiền ảo đã chuyển về nông thôn để lôi kéo những người dân chất phác.

Ảnh minh họa

Chỉ trong vòng nửa năm qua, nhiều tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra nợ nần thất điên bát đảo vì dính chân vào tiền ảo. Tham thì thâm, không hiểu biết gì về tiền ảo vẫn đầu tư, gây nên không ít hệ lụy đau lòng.

Đồng tiền ảo, hay cách gọi khác là đồng tiền kỹ thuật số - bitcoin xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 2008. Cái khái niệm “đào bitcoin” để kiếm tiền khiến nhiều người rất hưng phấn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng bitcoin chứa đựng rất nhiều rủi ro, và không dành cho những kẻ lơ mơ về thương mại điện tử.

Từ tháng 2-2014, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định bitcoin không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời cảnh báo người sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo không được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Ngay cả Bộ Công thương và Cục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin cũng hơn một lần khuyến cáo người tiêu dùng và nhà đầu tư thận trọng khi tham gia giao dịch và sử dụng tiền ảo. Thế nhưng, những mộng tưởng làm giàu nhanh chóng và dễ dàng vẫn lôi kéo những người không am tường lĩnh vực này ở nông thôn vào vòng quay cay đắng.

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tom có rất nhiều người tiền mất nợ mang vì kinh doanh tiền ảo. Đó là hậu quả của việc tham gia sàn giao dịch có tên gọi FXMT4, do một gã thanh niên tên Trần Thanh Lâm lập ra.

FXMT4 tổ chức tìm kiếm khách hàng với giọng điệu huênh hoang là mạng xã hội tài chính bitcoin toàn cầu: “đây là hệ thống vận dụng dòng tiền hiệu quả bằng cách sử dụng “lòng tin” và “sự giúp đỡ lẫn nhau” cùng giàu có, nhằm tạo ra chuỗi giá trị kinh tế lớn để bảo vệ sự thịnh vượng lâu dài của cộng đồng toàn cầu”. Lời lẽ ma mị ấy đã dụ dỗ rất nhiều người cả tin, từ nông dân đến giáo viên, công chức.

Để tham gia vào hình thức này, đầu tiên người chơi phải tạo bitcoin và phải mua ít nhất 1 bitcoin vào trong tài khoản trang mạng hoặc mua của người khác. Trị giá 1 bitcoin thay đổi theo thị trường và hiện tại có giá khoảng 13 triệu đồng.

Khi được tuyến trên giới thiệu tham gia, người chơi sẽ được cấp 1 mã ID trên trang mạng có địa chỉ “fxmt4.us” và chuyển số tiền từ ví bitcoin vào mã ID để lên “sàn giao dịch fxmt4.us”.

Cứ sau 30 ngày lên “sàn”, người chơi sẽ nhận được lợi nhuận 24% bitcoin (tức lợi nhuận 24%/tháng) và cứ sau 5 ngày người chơi sẽ nhận được 24% bitcoin, cứ như vậy nhận được 6 lần trong 1 tháng (tức lợi nhuận từ ngày 31 trở đi là 24% x 6 = 144%/tháng).

Bên cạnh đó, ngoài lợi nhuận có được từ tham gia “sàn ảo” trên, người tham gia còn được hưởng hoa hồng trực tiếp và gián tiếp khi giới thiệu được người tham gia. Cụ thể, khi người chơi giới thiệu được tuyến dưới trực tiếp tham gia thì sẽ nhận được 10% bitcoin, khi nhóm phát triển người chơi đạt cấp độ từ MT1 đến MT4 sẽ được hưởng hoa hồng đội nhóm từ 1-4% tổng doanh số “bitcoin” tổng nhóm (của 3 người tuyến dưới).

Nghe qua cứ tưởng dễ ăn, người người đổ xô mua bitcoin của FXTM4. Chưa thấy ai giàu có lên từ đây, thì khoảng tháng 6-2016, sàn giao dịch FXTM4 bỗng dưng biến mất. Ước tính số tiền mà người chơi đã đổ vào FXTM4 lên đến khoảng 30 tỷ đồng.

Những nhà đầu tư ngây thơ phút chốc đã trắng tay, không biết tìm ai để đòi lại số tiền đã đánh cược một cách mạo hiểm. Đau lòng hơn, rất nhiều người mua bitcoin không phải từ tiền nhàn rỗi mà do đi vay nặng lãi. Trên địa bàn huyện Kbang và huyện Chư Sê của tỉnh Gia Lai, đã có nhiều trường hợp bỏ nhà trốn chui trốn lủi vì chủ nợ vay ráp.

Chị TT, một tiểu thương là nạn nhân của FXTM4 buồn rầu tâm sự: “Giữa tháng 4-2016, qua người quen đã từng chơi ở sàn của Trần Thanh Lâm nói đã được ông này chuyển trả một phần lãi của giao dịch đầu tiên, nên tui cũng thấy ham. Lúc đó, cả hai vợ chồng có khoảng hơn 10 triệu đồng dư nên liền bỏ ra mua một bitcoin.

Sau đó, phía đường dây của Trần Thanh Lâm cũng chuyển trả đầy đủ cả gốc và lãi. Thấy có lời, tui liền đi vay của người thân, bạn bè được hơn 100 triệu đồng để mua bitcoin. Nhưng chưa nhận được tiền lời thì khoảng một tháng sau, tui thấy Trần Thanh Lâm thông báo đóng “sàn giao dịch” do lỗi kỹ thuật rồi lặn mất tăm.

Cũng từ khoản nợ nần đó mà vợ chồng tui phát sinh mâu thuẫn, rồi chủ nợ gây áp lực. Không còn con đường nào nên tui đã nhảy xuống giếng tự tử. Cũng may, được mọi người cứu thoát nhưng giờ hàng tháng tui phải lo gần 10 triệu đồng tiền lãi trả cho chủ nợ”.

Hiện tại, số đơn thư tố cáo FXMT4 gửi về các cơ quan chức năng ngày một nhiều lên. Đối tượng Trần Thanh Lâm theo mô tả của các nạn nhân chỉ khoảng 25 tuổi.

Ông Dương Anh Vũ - Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB), nhìn nhận không ít người tham gia đầu tư vào tiền ảo vì nghĩ rằng có thể sinh lợi lớn, nhanh và không phải làm gì. Chính vì yếu tố có thể mang lại siêu lợi nhuận mà không phải làm gì đã đánh vào lòng tham của người tham gia, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Các buổi hội thảo về tiền ảo đang được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành để chiêu dụ người chơi và điều này rất nguy hiểm khi nhiều người tham gia. Việc đầu tư tiền thật mua tiền ảo rồi chờ tăng giá, bán để kiếm lời và từ tiền lời đó mua vàng vật chất trên thế giới mang về Việt Nam lại càng ảo tưởng hơn.

Ảnh minh họa

Ông Dương Anh Vũ nhấn mạnh: “Tôi khẳng định rằng việc đem vàng từ các nước về Việt Nam là điều khó xảy ra. Bản thân việc mua tiền ảo đã là rủi ro rất cao vì có thể mất bất cứ lúc nào. Nay còn tung ra chiêu chơi tiền ảo rồi mang vàng miếng trên thế giới về Việt Nam thì nguy cơ rủi ro là 100%. Ngay cả khi TPP chính thức có hiệu lực cũng không có chuyện vàng được chuyển về Việt Nam. Điều đó là hoang đường”.

FXMT4 để lại nhiều hậu quả cay đắng. Thế nhưng, bài học FXMT4 đã đủ để ngăn chặn làn sóng háo hức đầu tư tiền ảo ở nông thôn chưa? Bởi lẽ, với chiêu bài “đầu tư ít, hưởng lợi nhiều”, nhiều sàn giao dịch tương tự FXMT4 sẽ xuất hiện để lôi kéo những kẻ nhẹ dạ cả tin.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/giao-dich-tien-ao-gay-bat-on-lang-que-post176790.html