Giao dịch điện tử, tranh chấp tính sao?

Một cuộc hội thảo về sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử vừa được Bộ Tư pháp tổ chức. Theo thông tin tại hội thảo, giao dịch điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và được dự báo sẽ tiếp tục “bùng nổ” trong những năm trước mắt. Tổng giá trị thương mại điện tử của Việt Nam năm 2009 đạt 100 triệu USD, năm 2010 ước đạt trên 200 triệu USD và dự kiến đến năm 2015 sẽ cán mức 2 tỷ USD.

Dự liệu được nhu cầu này, ngày 29-11-2005, Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử, đánh dấu bước tiến mới trong quá trình hội nhập nền kinh tế cũng như môi trường pháp lý của Việt Nam đối với thương mại quốc tế. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng và giá trị giao dịch thương mại điện tử, tình trạng lừa đảo, tranh chấp trong mua bán trực tuyến được ghi nhận cũng đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử; phương thức giải quyết trong trường hợp mâu thuẫn chứng cứ và trách nhiệm của bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua giao dịch điện tử… là những vấn đề rất cần tiếp tục làm rõ. Trong thực tế đa dạng của các giao dịch điện tử, không tránh khỏi trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các loại chứng cứ. Hiện nay cơ quan hải quan đã áp dụng hình thức thông quan điện tử, song vẫn yêu cầu bổ sung các tài liệu giấy tờ để lưu trữ. Nếu quy định này của ngành hải quan vẫn tiếp tục tồn tại thì sẽ giải quyết ra sao nếu có sự khác nhau giữa thông điệp dữ liệu được lưu trữ bằng phương tiện điện tử và tài liệu được lưu trữ bằng giấy tờ? Luật Giao dịch điện tử hiện chưa trả lời được câu hỏi này. Bên cạnh đó là vấn đề trách nhiệm của tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ; đơn cử như trường hợp bảo vệ an toàn của các giao dịch trên mạng cho người tiêu dùng. Thông thường khi vào một trang web thương mại có cung cấp dịch vụ bán hàng qua mạng, khách hàng có thể chọn lựa sản phẩm mình cần, sau đó trả tiền trực tiếp từ thẻ tín dụng. Khi đó, nhà cung cấp hàng hóa thông qua một công nghệ điện tử sẽ đề nghị khách hàng phải cung cấp các thông tin như số thẻ tín dụng, ngày hết hạn, mã số an toàn gồm dãy số tại mặt sau của thẻ tín dụng. Sau khi đã cung cấp tất cả các thông số này, coi như người mua đã trả tiền và hợp đồng đã được ký kết. Giả sử các thông tin liên quan đến thẻ tín dụng bị một bên thứ ba dùng các biện pháp kỹ thuật đánh cắp và sử dụng để xâm phạm tài khoản của khách hàng thì trách nhiệm thuộc về ai? Theo các chuyên gia của Bộ Tư pháp, trong trường hợp này, trước hết bên có chuyên môn trong việc cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử phải chịu trách nhiệm về dịch vụ do mình cung cấp, bao gồm cả tính an toàn trước, trong và sau một giao dịch điện tử bất kỳ thông qua trang web của mình. Khách hàng bao giờ cũng ở vị trí yếu thế hơn về công nghệ, sự hiểu biết về tính bảo mật và tin tưởng vào công nghệ do bên bán cung cấp. Từ đó, cần quy định trách nhiệm thuộc về bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ đối với những rủi ro gặp phải trong quá trình giao dịch nếu khách hàng không biết hoặc không thể biết các thông tin mà mình cung cấp trên mạng đang bị lợi dụng và lỗi thuộc về công nghệ bảo đảm an toàn giao dịch của tổ bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đây là một trong những vấn đề then chốt để thương mại điện tử tiếp tục phát triển với rất nhiều lợi ích đã rõ ràng. Anh Thư

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dientutinhoc/2011/2/250221/