Giảng viên ĐH: Lượng tăng, chất giảm?

Năm học vừa qua, số lượng trường đại học (ĐH), học viện tiếp tục tăng, hàng trăm ngành học mới mọc lên như "nấm sau mưa", tổng số giảng viên (GV) cũng theo đó gia tăng chóng mặt. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phải thừa nhận là chất lượng đội ngũ GV vẫn còn là dấu hỏi lớn...

Chất lượng GV - dấu hỏi lớn

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2016 - 2017, cả nước có 235 trường ĐH, học viện (4 cơ sở mới thành lập), tổng số GV trong các trường ĐH tăng 4,6% so với năm học 2015 - 2016, đạt con số gần 73 nghìn. Trong đó, 22,68% GV có trình độ tiến sĩ (TS); 59,16% thạc sĩ. Đáng quan ngại, số lượng GV trong các trường cao đẳng sư phạm hiện nay là 3.388 nhưng GV có trình độ TS chỉ 115 người (3,39%); thạc sĩ 2.187 người (64,55%).

Trong quá trình triển khai Đề án Đào tạo GV bằng ngân sách Nhà nước (Đề án 911), nhiều ứng viên từ các cơ sở đào tạo không đáp ứng được những quy định về ngoại ngữ và các điều kiện cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) thừa nhận: Năm học 2016 - 2017, số lượng GV tăng so với năm học 2015 - 2016, tuy nhiên, tỷ lệ GV có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ TS trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ GV có trình độ TS ở các trường cao đẳng sư phạm rất thấp (chưa đến 3,4%).

Lý giải nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, do chính sách thu hút chưa đủ mạnh, cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ chưa tạo động lực để thu hút cán bộ giỏi về làm việc. Nhiều cơ sở đào tạo chưa chú trọng đến kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn GV trẻ kế cận…

Nguồn tuyển khó khăn

PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế khẳng định: GV là một trong bốn yếu tố để nâng cao chất lượng ĐH. Ở đâu có thầy tốt ở đó có nhiều sinh viên giỏi. Thế nhưng, hiện nay để tuyển được thầy giỏi… không dễ.

Giám đốc ĐH Huế chia sẻ: Trước kia các trường ĐH có 2 nguồn tuyển GV là những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc được giữ lại trường để bồi dưỡng thành GV, nhưng bây giờ không được phép. Nguồn thứ hai là những GV quá tuổi (thường là giáo sư, phó giáo sư) làm công tác quản lý nhưng không được giao các vị trí quản lý chuyên môn nên rất lãng phí. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách thu hút đội ngũ này.

Theo Giám đốc ĐH Huế, để nâng cao trình độ, GV phải tăng cường nghiên cứu khoa học, giảm bớt thời gian đứng lớp. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ để GV làm việc tại doanh nghiệp để vừa có lý thuyết vừa có thực tiễn, lại có thể tìm việc làm cho sinh viên.

ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh - 1 trong 23 trường ĐH trong cả nước được giao quyền tự chủ đã có giải pháp đào tạo và tuyển dụng GV giỏi hiệu quả. PGS. TS Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng cho biết: Từ năm 2015 đến nay, trong tổng số 186 GV có học vị TS, trường tuyển dụng được 50 TS từ nguồn bên ngoài. Do được tự chủ nên trường có chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài cũng như động viên GV đi làm nghiên cứu sinh. Nhà trường hỗ trợ mỗi tháng 2 triệu đồng đối với người làm TS, 3 triệu đồng với phó giáo sư và 5 triệu đồng áp dụng cho người làm giáo sư. Các nghiên cứu sinh từ nước ngoài hay trong nước hoàn thành luận án được thưởng 100 triệu đồng và nhận 100% lương cơ bản.

Còn theo GS Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng ĐH Hàng hải Việt Nam: Chất lượng GV trong thời kỳ hội nhập, đầu tiên phải được chuẩn hóa và có trình độ tiếng Anh ELTS 6.0 trở lên. Riêng GV Ngoại ngữ đạt từ ELTS 7.0 hoặc phải học thạc sĩ hay TS ở nước ngoài để chống mài mòn kiến thức.

Theo GS Nhớ, 12 năm nay, ĐH Hàng hải Việt Nam thực hiện chuẩn hóa đội ngũ GV cho kết quả mang giá trị thật. Công tác tuyển sinh của nhà trường gần đạt 100% chỉ tiêu. Nhiều đối tác nước ngoài giới thiệu sinh viên đến học tại trường.

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng làm được điều này, để có những GV có trình độ tiếng Anh ELTS 6.0 trở lên, hay có tiềm lực tài chính để “thưởng nóng” cho GV vẫn là giấc mơ xa vời với nhiều trường ĐH.

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/giang-vien-dh-luong-tang-chat-giam_t114c7n123827