Giảng viên bán đất cho con du học: Tính toán thật

Theo ông Cường, ông đã nghiên cứu rất kỹ rằng, trẻ con đi du học càng sớm thì chúng sẽ càng không muốn về nước làm việc.

Xung quanh thông tin giảng viên đại học đau lòng bán đất cho con du học, chiều ngày 12/6, trao đổi với báo Đất Việt, ông Võ Viết Cường, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho rằng, đây là những bức xúc nội tại của bản thân.

"Tôi là một phụ huynh đồng thời cũng là giáo viên nên cũng phát biểu mang yếu tố nhất thời thôi. Con tôi năm nay mới vào lớp 8 nên chưa đi du học, tuy nhiên tôi cũng định hướng sang đến lớp 10 sẽ cho con đi. Tôi biết đất đai không phải lúc nào cũng bán được, 4-5 năm mới có đợt sốt nên tôi tranh thủ bán 110 m2 được 2 tỷ.

Trước mắt gửi ngân hàng, không đầu tư lâu dài vào đâu nữa vì tôi cũng sợ nếu mua đất nữa sau này sẽ không bán được. Hơn nữa, đến lúc con cần tiền thì làm sao, có mua bán gì thì phải nhanh để lúc nào cũng sẵn tiền, khi cần là tiêu", ông Cường nói.

Nói thêm về định hướng cho con đi du học, ông Cường cho rằng, hiện tại ông chưa biết cho con đi nước nào. Mặc dù ông làm trưởng phòng quan hệ quốc tế, những thông tin đi du học nước ngoài ông nắm khá chắc nhưng cũng phải tính xem cho con đi Mỹ, châu Âu hay châu Á bởi mỗi nơi có 1 đặc tính riêng.

Giảng viên Võ Viết Cường. Ảnh: VNN

"Mục đích chính cho con đi du học là để cháu nó tiếp nhận nền giáo dục mới. Việc sau này cháu nó có về làm việc hay không thì còn tùy cơ ứng biến. Thực ra, tôi cũng nghiên cứu nhiều, trẻ con đi du học càng sớm thì chúng sẽ càng không muốn về bởi chúng hòa nhập được là sẽ sống vui.

Ví dụ như tôi đây, tôi đi Nhật từ năm 25 tuổi để học thạc sĩ, tiến sĩ và sau đó có công việc luôn bên Nhật nhưng tôi không chọn ở lại do tôi đi du học muộn nên văn hóa ở Việt Nam thấm sâu, tôi không thấy ở đâu vui cả, chỉ có về Việt Nam là vui thôi", vị trưởng phòng chia sẻ thêm.

Vị trưởng phòng này nhấn mạnh, ông biết nước ngoài rất rõ nên cũng định hướng rất rõ với con. Bởi vậy, khi nào con hỏi ông mới có ý kiến, còn đương nhiên bố mẹ nào cũng muốn gần con, đâu có ai muốn xa con, để con lang thang nơi đất khách quê người làm sao được nhưng biết đâu con lại muốn như vậy.

Cũng theo ông Cường, vợ chồng ông sinh được 3 người con nhưng các con còn nhỏ nên trước mắt là lo cho con lớn đi du học trước. Hiện ông còn đang ở tuổi kiếm tiền nên ông cho rằng, việc cho các con đi du học hết cũng nằm trong khả năng của vợ chồng ông.

"Tôi cũng mong sau khi lo lắng cho con lớn sang nước ngoài du học, cháu nó kiếm được tiền sẽ phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Mỗi người một chút chứ giờ tôi cũng không thể tính xa được. Theo tôi, càng lo cho con đi du học nước ngoài, đi càng xa càng tốt, chắc chắn nền giáo dục sẽ hơn ở trong nước rồi", ông Cường cho biết.

Về việc này, như Đất Việt đã đưa tin, trong buổi báo cáo về Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM ngày 9/6 vừa qua, ông Cường cho rằng, hàng tuần, hàng tháng, ông đều phải kiểm tra con học hành như thế nào.

Mỗi lần như vậy, ông đều nhận được những câu trả lời buồn từ con; khi thì vấn đề liên quan đến dân chủ giáo dục, khi lại liên quan đến phương pháp giảng dạy.

"Thú thực, nhiều lúc tôi muốn đến gặp thầy hiệu trưởng dù biết phải xin mới được gặp thầy. Nhưng tôi lại nghĩ gặp thì được cái gì, có khi hại hơn lợi. Vì vậy, bài toán của tôi là trong cơn sốt đất vừa qua đã bán đi mảnh đất cho con đi học nước ngoài, dù rằng điều này khiến tôi thấy đau lòng và chúng tôi không muốn", ông Cường nói.

Về Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới, ông Cường băn khoăn không biết kế hoạch tài chính thế nào. Theo ông Cường, một chương trình luôn đi kèm với một kế hoạch tài chính cụ thể, nếu không sẽ thất bại.

Thanh Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/giang-vien-ban-dat-cho-con-du-hoc-tinh-toan-that-3337224/