Giáng sinh mùa lễ hội quan trọng ở phương Tây

Đối với các dân tộc châu Á, Tết là ngày quan trọng thì các nước phương Tây, lễ Giáng sinh là đại lễ. Với họ, Giáng sinh là dịp để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, tổ tiên và những người quá cố.

Có thể bạn quan tâm

Trong những ngày quan trọng này, mọi người đều cố gắng thu xếp công việc để trở về sum họp gia đình, đi thăm viếng cha mẹ, anh em, bạn bè. Đây cũng là dịp để ăn uống, vui chơi, giải trí sau gần một năm làm việc vất vả. Đối với người lớn tuổi, phải xa nhà trong lễ Giáng sinh hay có con cháu ở xa không về sum họp là một sự bất hạnh lớn.

Có thể nói, ngày Chúa giáng sinh là một mốc quan trọng, là một biến cố lớn trong lịch sử nhân loại. Vì đó là ngày đã chia đôi dòng lịch sử. Năm mà Chúa sinh ra đời được đặt là năm thứ nhất Tây lịch kỷ nguyên. Khoảng thời gian trước đó được gọi chung là “trước kỷ nguyên Tây lịch”, viết tắt là B.C, có nghĩa là “Before Christ”. Những năm sau đó được xác định là “sau kỷ nguyên Tây lịch”, viết tắt là A.D, có nghĩa là “Anno Domini”.

Vào năm 336 sau Tây lịch, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại đã nhắc đến ngày sinh của Chúa, đó là ngày 25.12. Và từ đó trở đi, những tín đồ Thiên Chúa giáo đều tổ chức lễ Giáng sinh khắp nơi trên thế giới một cách rất long trọng. Từ khi là một đứa bé sơ sinh nằm trong máng cỏ bên thành Bethelem – một mảnh đất nghèo nàn thuộc lãnh thổ Israel ngày nay, Chúa hài đồng đã khiến các vị Vua chúa lân cận phải nể sợ.

Từ những quốc gia xa xôi, theo sự hướng dẫn của ngôi sao kỳ diệu, các vị Vua ấy tự tìm đến hầu Ngài. Chúa không là vĩ nhân nhưng có sự ảnh hưởng khắp năm châu. Mọi người trên thế giới đều tôn kính, là nguồn cảm hứng vô tận của nhân gian.

Việc tổ chức Lễ Giáng sinh, về cơ bản ở nhiều nước đều giống nhau. Tuy nhiên, về chi tiết thì ở mỗi địa phương có những nét khác nhau. Ví dụ như ngay tại Hoa Kỳ, là một Hiệp chủng quốc cho nên sẽ có sự khác nhau từ bang này đến bang khác.

Mỗi dân tộc đều có một bản sắc riêng của chủng tộc mình. Ở bang Louisiana, đa số là người Pháp định cư từ lâu đời ở đây nên họ mừng Giáng sinh theo phong tục người Pháp bản địa. Nghĩa là sau khi đi dự thánh lễ về, họ sẽ có bữa ăn nửa đêm. Việt Nam là thuộc địa lâu đời của Pháp nên các gia đình Công giáo ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng phong tục này.

Tại New England, người dân tổ chức tiệc ăn mừng Giáng sinh theo kiểu khác. Trong bữa ăn nửa đêm (Reveillon) được tổ chức trọng thể. Thức uống ngoài rượu chát còn có một loại rượu đặc biệt, chế bằng nước ép trái cây với vài hương liệu từ phương Đông như: đinh hương, đậu khấu. Thứ rượu đặc biệt này phải được hâm nóng, uống như rượu Sa-kê của người Nhật để chống lại cái lạnh bên ngoài. Một hình ảnh không thể không có trong ngày lễ Giáng sinh chính là ông già Noel.

Ông già Noel còn được gọi là Santa Claus (ở Mỹ). Tên gọi này có nguồn gốc từ tiếng Hòa Lan – Sinterklass do nhóm di dân Hòa Lan mang đến Hoa Kỳ vào thế kỷ XVII. Ông già Noel chào đời tại quận Patara thuộc phần đất Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay vào thế kỷ thứ III sau Tây lịch. Tương truyền, trước khi được phong Thánh với tên gọi Nicolas, ông là người giàu có và nhân từ.

Vào một đêm Giáng sinh, ông được Chúa mặc khải và giác ngộ. Ông đã mang hết tài sản của mình để mua hạnh phúc cho những người nghèo khổ và trẻ con. Ông mất vào ngày 6.2 không rõ năm nào. Để tưởng nhớ ông, đến ngày này, người ta mặc đồ màu đỏ giống ông, đến từng nhà có con nít để thăm viếng, chia bánh kẹo, khuyên chúng làm điều thiện, tránh điều ác.

Theo phong tục, trong đêm Giáng sinh, ông già Noel sẽ xuống trần gian, theo đường ống khói lò sưởi để vào nhà mỗi gia đình. Ông sẽ bỏ bánh kẹo vào trong những chiếc vớ mà trẻ con treo gần đầu giường ngủ hay lò sưởi. Nhưng đó chỉ là sự tưởng tượng của con người. Thật ra, trong đêm Giáng sinh này, khi trẻ con đang say giấc thì các bậc cha mẹ đã thay ông già Noel để làm những công việc đó và bảo với chúng là của ông già Noel tặng. Qua đó, giáo dục các em phải làm nhiều việc tốt để được nhận quà từ ông già Noel. Ông già Noel là hiện thân của sự hồng phúc cho trẻ em.

Trong đêm Giáng sinh, tại các nhà thờ đều có trang trí nhiều ngôi sao 5 cánh rực rỡ đủ màu. Thường thì sẽ có một ngôi sao to được treo ở nơi cao nhất của tháp chuông nhà thờ, chung quanh sẽ có nhiều ngôi sao nhỏ, lồng đèn và kết hoa rất đẹp. Ngôi sao năm cánh trong lễ Giáng sinh có một ý nghĩa quan trọng.

Theo truyền thuyết, lúc Chúa vừa chào đời thì trên bầu trời xuất hiện một ngôi sao rực rỡ cả vòm trời, từ xa mấy trăm dặm vẫn còn nhìn thấy. Từ các vùng phía đông xa xôi (thuộc lãnh thổ Iran và Syria ngày nay), có ba vị Vua được mặc khải tin rằng cứ lần theo ánh sáng ngôi sao tìm tới sẽ gặp được phép lạ. Họ đi theo hướng ánh sáng để được đến hang đá thành Bethelem đúng vào lúc Chúa hài đồng vừa ra đời. Ba người này thân quỳ trước mặt Chúa, dâng lên Ngài các phẩm vật quý từ phương Đông như: trầm hương, vàng và mộc dược. Từ đó, ba vị này được gọi là ba Vua. Ngôi sao trở thành biểu trưng cho ý nghĩa Giáng sinh.

Ngôi sao này được treo nơi trang trọng nhất trong nhà, giáo đường, các cơ sở tôn giáo trong đêm Giáng sinh để nhớ đến sự tích trên. Ngoài ra, ngôi sao còn tượng trưng cho phép lạ của Thượng đế nên các giáo dân đều coi ngôi sao sinh nhật như một vật thiêng liêng.

Cùng sự xuất hiện của ông già Noel, hình ảnh hang đá và máng cỏ là không thể thiếu trong lễ Giáng sinh. Theo truyền thuyết, Chúa được sinh ra đời trong một hang đá nhỏ, nơi máng cỏ các mục đồng chăn chiên tại thành Bethelem. Nên hàng năm, đến dịp lễ Giáng sinh, người ta thường phục dựng lại cảnh hang đá và máng cỏ để nhớ lại hình ảnh nghèo khổ của Chúa khi mới chào đời. Sau đó, Ngài đã đem thân thể mình chuộc tội cho cả nhân loại.

Đêm 24.12, nhà thờ nào cũng đều có hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng Chúa hài đồng, tượng Đức mẹ Maria, tượng ba Vua đông phương dâng phẩm vật trân quý, một số thiên thần, thánh Giuse và một ngôi sao hướng dẫn ba Vua đến với Chúa. Một phần không thể thiếu trong ngày lễ trọng đại này của người phương Tây đó chính là bánh Buche de Noel và thánh ca Giáng sinh. Đối với Pháp và các quốc gia châu Âu, sau khi cử hành lễ nửa đêm giữa khung cảnh tuyết giá ngoài trời, giáo dân trở về nhà ăn tiệc đã được chuẩn bị sẳn mà ta quen nghe gọi là Reveillon.

Tại mỗi gia đình, tiệc Reveillon sẽ tổ chức cạnh lò sưởi với các món ăn chính là gà tây quay, thịt vịt quay hoặc nướng, xà lách, rượu chát và ăn tráng miệng với bánh Buche de Noel. Và không gì tuyệt bằng trong không khí ấm cúng đó, mọi người còn được thưởng thức những bài thánh ca vang lên từ các thánh đường. Chúa là nguồn cảm hứng vô tận của nhân loại. Những bài hát vinh danh Chúa ra đời mỗi năm một nhiều tại các quốc gia Công giáo.

Trong rất nhiều bài ca, có những bài thánh ca đã trở thành bất hủ, trở thành những bài ca cho mọi giáo dân trên toàn thế giới. Trong số đó có bài thánh ca “Đêm thánh vô cùng” của nhạc sĩ thiên tài người Áo tên là Franz Grubert năm 1840.

Bài thánh ca này ra đời một cách hết sức ngẫu nhiên. Năm 1840, nhạc sĩ Franz Grubert là người đệm dương cầm cho một giáo đường nằm cạnh bờ sông Danube. Vào giờ chót, Franz Grubert báo cho Cha sở Joseph biết là đàn dương cầm của mình bị hư, không thể sửa được, xin Cha cho đổi một bài khác không cần đệm dương cầm. Và Cha Joseph đã viết liền lời Thánh ca cho bài hát ấy và nhạc sĩ Franz Grubert phổ nhạc ngay tại chỗ.

Đêm Giáng sinh năm 1840, bài Thánh ca “Silent Night” tức “Đêm thánh vô cùng” vang lên trong giáo đường bên bờ sông Danube thơ mộng. Lại một mùa Giáng sinh nữa lại về, không khí Noel đã hiện diện khắp nơi. Tiếng chuông nhà thờ lại ngân vang lời nguyện cầu cho nhân loại cuộc sống an lành.

Dương Hồng / Duyên dáng Việt Nam

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/doc-tren-duyen-dang-viet-nam/giang-sinh-mua-le-hoi-quan-trong-o-phuong-tay-269711.html