“Giang hồ” nhí: Vì đâu nên nỗi!

Ở tuổi mới lớn, các em rất dễ bốc đồng. Lúc này, điều các em cần là kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân nhưng lại không được quan tâm hướng dẫn

Những ngày qua, dư luận rất bức xúc trước clip nữ sinh bị đánh, bị châm tàn thuốc và bắt liếm chân xảy ra ở huyện Nhà Bè, TP HCM. Liên quan đến vụ việc, Công an huyện Nhà Bè đã triệu tập 14 đối tượng tham gia trong clip cùng phụ huynh của họ. Nhiều phụ huynh khi nhận được giấy mời của cơ quan công an mới bật ngửa vì con cái không ngoan hiền như họ vẫn nghĩ.

“Tôi đã khóc rất nhiều”

Nạn nhân bị đánh trong đoạn clip là em V.N.T.U, SN 2001, ngụ huyện Nhà Bè. Trước đó, U. đã khen một bạn nữ cùng tuổi “cười tươi, dễ thương”. Do có quan hệ tình cảm với người này nên Đ.Th.Th.H (SN 2001, ngụ quận 7) đã nổi cơn ghen, nhờ “đàn chị” Nhí Tino (tên thật là Tr.Ng.H.Y; SN 2000, ngụ quận 1) và nhiều thanh thiếu niên khác đến đánh U. để “dạy một bài học”.

Cảnh Nhí Tino và nữ sinh H. đánh đập dã man em U. (Ảnh từ clip)

Có mặt tại cơ quan công an, bà Võ Thị Thu B., phụ huynh của một trong những học sinh (HS) tham gia hành hung U., vừa ôm con gái vừa bật khóc: “Con ơi là con... Sao con lại đi theo mấy bạn kia đánh người ta vậy?”.

Chia sẻ với chúng tôi, bà B. cho biết có xem clip đăng tải trên mạng quay lại cảnh Nhí Tino cùng một nữ sinh khác đánh bạn. “Tôi xem xong phải thốt lên con cái nhà ai mà hành xử hơn cả giang hồ. Buổi tối, khi con gái đi học về, tôi còn căn dặn nếu bị ai ăn hiếp phải nói cho cha mẹ biết. Nào ngờ hôm sau, công an mời tôi lên nói con gái có tham gia trong đoạn clip dã man đó. Tôi đã khóc rất nhiều” - bà B. nhớ lại.

Theo bà B., con gái bà lâu nay rất ngoan, mỗi khi gặp người lớn đều chào hỏi lễ phép. Gia đình cũng thường xuyên kiểm tra việc học của con. “Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ con mình tham gia các băng nhóm hành hung người khác như vậy. Qua vụ việc này, tôi rút ra bài học rằng quan tâm đến con không chỉ lo đầy đủ về vật chất, đưa đón mỗi ngày mà còn phải hiểu con đang nghĩ gì và đồng cảm với con” - bà bày tỏ.

Nữ sinh N.T.P, một trong những đối tượng bị công an triệu tập, cho biết Nhí Tino là “đàn chị” có tiếng ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhà Bè). “Nhí Tino là “giang hồ”, ai cũng sợ nên em đi theo để khỏi bị đánh. Sau đó, em tiếp tục đi theo Nhí Tino để “lấy le” vì thấy có nhiều người “nể” mình” - P. phân trần.

Thượng tá Nguyễn Văn Khừ, Trưởng Công an huyện Nhà Bè, đánh giá: “Vấn đề báo động hiện nay là rất nhiều HS có dấu hiệu lệch lạc về giới tính. Nữ thích nữ, nam thích nam. Có em do tâm sinh lý nhưng cũng có em do sự đua đòi, a dua nên rất cần sự giáo dục, định hướng từ gia đình”.

Thiếu nhiều kỹ năng sống

Theo một kết quả nghiên cứu về tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) của Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường Đại học Sư phạm TP HCM, với câu hỏi: “Hành động phản ứng nếu là nạn nhân của BLHĐ?”, trong 297 phiếu khảo sát thu về có tới 29,6% ý kiến HS trả lời sẽ đánh lại bạn, 38,8% phản ứng tức thời bằng cách nói lại bạn và 36,7% về nhà nói với người thân.

Cũng theo nghiên cứu trên, HS THPT có khuynh hướng dùng vũ lực đáp trả nhiều hơn HS THCS (35,1% so với 20,3%). Có 82,5% ý kiến HS chọn nguyên nhân của BLHĐ là do hiếu thắng, 71,1 % là hùa theo các bạn.

Nhóm khảo sát cho rằng lứa tuổi HS phổ thông vốn rất dễ hưởng ứng theo phong trào, chịu sự tác động và ảnh hưởng lẫn nhau, nhanh tiếp thu những tiêu cực của môi trường xung quanh. Trong khi đó, không nhiều phụ huynh lưu ý đến việc giáo dục cho con em về vấn đề BLHĐ để trẻ có thể tự chủ trong hành vi giao tiếp với bạn bè, tránh những xung đột trong quan hệ qua lại.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định đạo đức HS ngày càng xuống cấp nhưng thay vì đi tìm giải pháp căn cơ, thiết thực để giải quyết thì giáo dục ở góc độ nhà trường không tập trung vào vấn đề này. Có bao nhiêu trường học dạy kỹ năng tự vệ, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, tư vấn tâm sinh lý…? Ngay như giáo dục công dân vốn được xem là môn học về đạo đức, pháp luật nhưng phân phối chương trình lại không giống ai. Ví dụ, chương trình môn giáo dục công dân từ lớp 6 đến lớp 12 cả tuần chỉ có 1 tiết, trong đó từ lớp 6 đến lớp 9 thiên về giáo dục đạo đức với thời lượng học 2/3, 1/3 dành cho pháp luật; bậc THPT thì ngược lại, 2/3 thời lượng học về pháp luật. Công tác tư vấn trường học cũng không hiệu quả khi giáo viên phải kiêm nhiệm.

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ở tuổi mới lớn, hưng phấn thần kinh rất cao nên các em rất dễ bốc đồng. Lúc này, điều mà các em cần là kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân. Hơn nữa, đến một độ tuổi nhất định, các em sẽ nảy sinh tình cảm với bạn khác giới thì cũng là lúc sẽ có nhiều va chạm, mâu thuẫn xảy ra. Ngoài kỹ năng quản lý cảm xúc, các em còn cần kỹ năng giao tiếp, ứng xử và giải quyết mâu thuẫn. Thế nhưng, những kỹ năng này lại không được quan tâm hướng dẫn nên BLHĐ xảy ra là điều đương nhiên.

Theo TS Hiếu, trong mỗi đứa trẻ luôn có 2 phần: con sói và con cừu. “Con” nào được “cho ăn” nhiều hơn thì bản chất của nó sẽ phát huy mạnh mẽ hơn. BLHĐ ngày càng nghiêm trọng vì mức độ phức tạp của xã hội cũng ngày càng nghiêm trọng. Thêm vào đó là những chương trình truyền hình, những bài báo mô tả chi tiết cách thức giết người, rồi những trò chơi game bạo lực... Những ví dụ như thế để thấy chúng ta đang gián tiếp nuôi sống phần “sói” trong những người trẻ.

Đừng chỉ biết la mắng, chỉ trích

Theo TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, một nghiên cứu cho thấy có tới 70% trẻ tham gia BLHĐ có nguyên nhân từ gia đình không hạnh phúc. Thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau, dùng bạo lực với nhau nên khi ứng xử với xung quanh, các em thường bị những hành vi như thế chi phối.

Một nguyên nhân nữa là đa số người lớn chỉ biết la mắng, chỉ trích và phê phán thay vì tìm cách phối hợp, uốn nắn từng hành vi của trẻ, dạy trẻ những kỹ năng cần thiết, cách tháo gỡ mâu thuẫn, quản lý cảm xúc.

Đ.Trinh

Lê Phong - Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/giang-ho-nhi-vi-dau-nen-noi-20161102215214975.htm