Giãn thời gian điều chỉnh giá dịch vụ y tế

Việc tăng giá viện phí có thể làm chỉ số giá tiêu dùng tăng theo, nên mặc dù Quỹ bảo hiểm y tế có thể chi trả được theo mức mới, nhưng hiện lộ trình điều chỉnh điều chỉnh giá dịch vụ y tế (có kết cấu tiền lương) có thể phải giãn lại

Theo lộ trình dự kiến trước đây, từ tháng 11 tới sẽ điều chỉnh viện phí cho bệnh nhân có thẻ BHYT thêm 30-50% so với hiện hành tại 16 địa phương, đến tháng 12/2016 sẽ áp dụng mức phí này tại các địa phương còn lại. Tuy nhiên theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, việc tăng giá viện phí có thể làm chỉ số giá tiêu dùng tăng theo, nên mặc dù Quỹ bảo hiểm y tế có thể chi trả được theo mức mới, nhưng Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đợi chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ.

Thông tin rõ hơn về những tác động trong hai đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 32 địa phương, ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Quỹ bảo hiểm y tế đã chi ra hơn 10.000 tỷ đồng ngoài số thu trong năm được sử dụng để đáp ứng cho việc tăng chi phí khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Dự toán ban đầu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuẩn bị 16.000 tỷ đồng để chi thêm cho các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Nếu thực hiện điều chỉnh giá đợt 3, Quỹ bảo hiểm y tế phải chuẩn bị thêm 1.900 tỷ đồng để bù đắp vào nguồn kinh phí được sử dụng trong năm. Nếu điều chỉnh lần thứ 4, số phải bổ sung thêm sẽ là 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đợt này còn chờ vào sự chấp thuận của Chính phủ.

Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được giãn thời gian

Ông Phạm Lương Sơn cũng bày tỏ, quan điểm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là ủng hộ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho tới hướng tính đúng, tính đủ, đúng lộ trình đến năm 2018 để đảm bảo sự minh bạch, đảm bảo quyền lợi của cả nhà cung cấp dịch vụ và người tham gia bảo hiểm y tế .

“Việc chuẩn bị cho tăng giá dịch vụ y tế có thời gian chuẩn bị khá dài, nguồn lực tương đối đầy đủ, đảm bảo dù có điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng lên cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế”- ông Sơn thông tin.

Cũng về vấn đề này, ông Phan Văn Toàn- Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, lẽ ra việc tính tiền lương giá dịch vụ y tế phải được thực hiện đầy đủ từ 1/7/2016. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tính toán, nếu đưa cả tiền lương vào giá dịch y tế, Quỹ bảo hiểm y tế vẫn bảo đảm cân đối được. Tuy nhiên, điều này liên quan đến việc tăng chỉ số giá tiêu dùng nên hiện mới áp giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương ở những tỉnh có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao. Theo dự kiến, từ 1/1/2017 sẽ áp dụng hết 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2018 sẽ đưa thêm vào cơ cấu giá dịch vụ y tế bao gồm khấu hao về thiết bị máy móc nhằm thực hiện đúng lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Bảo hiểm y tế góp phần giúp người bệnh yên tâm khi giá dịch vụ y tế điều chỉnh

Đến hết tháng 9/2016, số người tham gia bảo hiểm y tế là 74,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 79,8% dân số. 9 tháng đầu năm 2016, cả nước đã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho khoảng 104,7 triệu lượt người, tăng hơn 10,6 triệu lượt người (tương đương 11,4%) so với cùng kỳ năm trước. Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được sử dụng tính đến hết 30/9 là 45.768 tỷ đồng nhưng thực chi là 49.300 tỷ đồng.

Liên quan đến Quỹ bảo hiểm y tế, theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, Quỹ bảo hiểm y tế vẫn đảm bảo cho các đợt điều chỉnh tăng giá viện phí, không có chuyện “vỡ” quỹ như một số thông tin thời gian qua. Đồng thời mức đóng bảo hiểm y tế trước năm 2017 sẽ chưa thay đổi nhằm hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/gian-thoi-gian-dieu-chinh-gia-dich-vu-y-te-n124260.html