Gian nan giữ rừng giáp ranh

* BÀI 1: VÙNG GIÁP RANH KHÔNG BÌNH YÊN

Lâm sản luôn là “miếng mồi ngon” của những đối tượng lâm tặc, thế nên thời gian qua, tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai với các địa bàn giáp ranh luôn diễn biến phức tạp. Hàng loạt vụ việc được phát hiện, ngăn chặn nhưng xem ra tình trạng lâm tặc lợi dụng vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai với các địa phương khác để khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản vẫn không có dấu hiệu giảm xuống.

Một vụ vận chuyển gỗ lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ
tại khu vực giáp ranh của H. Ia Grai (Gia Lai) và H. Ia HDrai (Kon Tum).

Lâm tặc hoành hành

Vụ cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Đông bắc Chư Păh (H. Chư Păh, Gia Lai) tự dựng lên câu chuyện lâm tặc dùng hung khí đe dọa cướp gỗ tang vật vào đầu tháng 2-2017 vừa qua vẫn còn dư âm. Ngày 20-1, lực lượng chức năng phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép tại Tiểu khu 174, BQL RPH Đông bắc Chư Păh có 54 cây gỗ thuộc nhóm 5 bị lâm tặc cưa hạ, cắt thành 73 lóng gỗ với tổng khối lượng gần 30m3. Sau khi khám nghiệm hiện trường, CQĐT đã giao cho BQL canh giữ, bảo quản tang vật. Tuy nhiên, tổ quản lý bảo vệ rừng đã lơ là khi bảo quản tang vật, để lâm tặc lén lút lấy đi 45 lóng gỗ tẩu tán về Kon Tum. Những cán bộ, nhân viên trên đã bị kỷ luật với các hình thức từ khiển trách đến cảnh cáo.

Ngay sau đó, CQĐT CAH Chư Păh đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng lâm tặc và tiếp tục điều tra làm rõ. Trong đó, Nguyễn Văn Trung (1971, quê H. Nghi Lộc, Nghệ An, trú làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, Kon Tum) được xác định là chủ mưu trong vụ án. Trung khai nhận: lợi dụng địa hình ở khu vực trên khi đi qua H. Kon Rẫy (Kon Tum) dễ dàng còn từ H. Chư Păh đi vào khó khăn nên đã thuê một số đối tượng khác vào rừng cưa cây, cắt gỗ. Khi đang tập kết chuẩn bị đưa về hướng H. Kon Rẫy (Kon Tum) tiêu thụ thì bị phát hiện. Điều đáng nói, theo khai nhận của Trung thì từ khi khai thác, chặt hạ 54 cây gỗ rồi kéo ra bãi tập kết với thời gian 3 tuần, chỉ đến khi chuẩn bị vận chuyển thì bị phát hiện xử lý.

Đây không phải là lần đầu tiên những cánh rừng phòng hộ tại BQL này bị các đối tượng ở vùng giáp ranh Kon Tum - Gia Lai xâm hại. Năm 2015, người dân làng Kon Sơ Lal (xã Hà Tây, H. Chư Păh) đã chặn 2 xe chở gỗ lậu đi qua làng khi chứng kiến những cánh rừng bị đám lâm tặc tàn phá. Lo sợ, các đối tượng đã vứt lại gần 9m3 gỗ rồi đưa xe tẩu thoát về hướng TP Kon Tum. Cũng từ đây, nhiều diện tích rừng bị tàn phá trong thời gian dài được phát hiện tại lâm phần của BQL RPH Đông bắc Chư Păh quản lý.

Không chỉ các đối tượng ở ngoài địa bàn mà các đối tượng ở Kon Tum cũng móc nối với các đối tượng ở địa bàn Chư Păh để khai thác gỗ trái phép. Đầu tháng 12-2016, CQĐT CAH Chư Păh đã bắt giữ 3 đối tượng chủ mưu vụ phá rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, gồm: Hồ Ngọc Lý (1989), Nguyễn Hải Đăng (1989, cùng trú xã Tân Sơn, TP Pleiku, Gia Lai) và Đinh Tuơn (1990, trú xã Chư Jôr, H. Chư Păh) về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Qua điều tra, xác định 3 đối tượng trên câu kết với nhau đưa người, phương tiện vào Tiểu khu 231, thuộc lâm phần BQL RPH Bắc Biển Hồ khai thác trái phép hơn 30m3 gỗ. Với ý định vận chuyển số gỗ trên sang Kon Tum tiêu thụ kiếm lời, tuy nhiên hành vi của 3 đối tượng đã bị CAH phát hiện, bắt giữ.

Lâm tặc mở đường phá rừng tại Tiểu khu 174, lâm phần BQL RPH Đông bắc Chư Păh
rồi đưa về Kon Tum.

Nhiều dấu hỏi đặt ra

Những vụ việc trên có thể thấy việc lâm tặc hoành hành ở các vùng giáp ranh đặt ra nhiều câu hỏi trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như tuần tra, xử lý nạn phá rừng trái phép. Bởi chỉ đến khi rừng đã bị phá, những cây gỗ hàng chục, hàng trăm tuổi đã bị đốn hạ mới bị phát hiện, xử lý. Ngoài vấn đề địa hình phức tạp, khó khăn, cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng thiếu, quản lý trên diện tích rộng lớn thì có thể thấy trách nhiệm của các đơn vị chức năng, của địa phương ở các vùng có rừng giáp ranh còn bỏ ngỏ.

Vụ phá rừng tại Tiểu khu 174, BQL RPH Đông bắc Chư Păh trên đã bộc lộ những bất cập trên. Ông Nguyễn Minh Hiển - kiểm lâm viên địa bàn xã Hà Tây (H. Chư Păh) cho biết: Khu vực Tiểu khu 174 và 176 là khu vực giáp ranh với H. Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Chúng tôi đã nhiều lần phát hiện lâm tặc, thấy lực lượng chức năng thì họ bỏ sang H. Kon Rẫy hoặc TP Kon Tum. Khi chúng tôi qua bên ấy, họ hỏi qua đây để làm gì thì chúng tôi chịu thôi, vì chúng tôi chức năng chỉ có quản lý, bảo vệ rừng khu vực xã Hà Tây và rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh.

Hay vụ vận chuyển gỗ lậu lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai được phát hiện, bắt giữ vào rạng sáng 6-10-2016 vẫn đang được dư luận quan tâm khi cho thấy nhiều bất cập trong công tác xử lý. 5 xe gỗ bị bắt giữ khi đang chở 76m3 gỗ lậu trên tuyến đường liên xã thuộc đội 12, làng Kom Ngó, xã biên giới Ia Chía (H. Ia Grai, Gia Lai). Dù các đối tượng dùng ô-tô tông vào cả phương tiện của lực lượng chức năng nhằm tẩu thoát nhưng vẫn bị giữ lại cùng tang vật. Thế nhưng, sau khi khởi tố vụ án thì đối tượng đến giờ này vẫn chưa được xác định, cũng như nguồn gốc của số gỗ này được khai thác trái phép ở đâu.

Điều đáng quan tâm hơn cả là số gỗ này đã đi lọt qua bao nhiêu trạm kiểm soát của lực lượng biên phòng, kiểm lâm nhưng chỉ đến địa điểm trên mới bị phát hiện. Bởi con đường duy nhất để vận chuyển số lượng gỗ lớn như thế chỉ có từ Kon Tum qua và chỉ có con đường duy nhất bằng đường bộ qua cầu Sê San. Chính vì nhiều bất cập, khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh cũng như còn nhiều dấu hỏi đáng ngờ của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã “tạo cơ hội” cho lâm tặc hoạt động. Cũng từ đây những cung đường gỗ lậu đã được lâm tặc hình thành suốt thời gian dài.

Minh Tân
(còn nữa)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_163214_gian-nan-giu-ru-ng-gia-p-ranh.aspx