Gian nan giữ rừng giáp ranh (3)

* Bài cuối: PHỐI HỢP "GIẢI BÀI TOÁN" GIỮ RỪNG

Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản ở các vùng giáp ranh của tỉnh Gia Lai với các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Định, Phú Yên vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống mà vẫn âm ỉ, chỉ cần một chút buông lỏng thì bùng phát trở lại. Trước tình hình trên, việc giữ rừng đang được chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Gia Lai quan tâm hơn bao giờ hết, trong đó chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ với các địa phương có diện tích rừng giáp ranh.

Một đối tượng vận chuyển trái phép gỗ lậu bị CQĐT CAH Ia Grai bắt giữ.

Đẩy mạnh kiểm tra, truy quét

Trước nạn khai thác, mua bán, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển lâm sản trái phép vùng giáp ranh diễn biến phức tạp, Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh Gia Lai đã tiến hành nhiều biện pháp, đặc biệt phối hợp với các địa phương vùng giáp ranh kiểm tra, truy quét các hành vi vi phạm. Biện pháp này đã phát huy hiệu quả, bởi qua truy quét, đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Mới đây, ngày 9-3, theo thống kê tại buổi sơ kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định, từ năm 2011 đến 2016, lực lượng KL giáp ranh 2 tỉnh phối hợp kiểm tra, truy quét và phát hiện lập biên bản, xử lý 445 vụ vi phạm.

Cụ thể, Hạt KL H. Vĩnh Thạnh (Bình Định) phối hợp Hạt KL H. Kbang, Hạt KL TX An Khê (Gia Lai) kiểm tra, lập biên bản và xử lý hơn 60 vụ phá rừng trái pháp luật (diện tích 14,6ha, trong đó chuyển hồ sơ sang CQĐT xử lý hình sự 3 vụ), hơn 150 vụ khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và hàng trăm vụ phá rừng làm rẫy trái pháp luật khác. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước từ các vụ vi phạm lên đến gần 5 tỷ đồng.

Xe chở gỗ từ Kon Tum về Gia Lai bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Đơn cử, trong năm 2015, ngành chức năng giữa 2 bên đã phối hợp phát hiện 1 cây gỗ dổi bị khai thác trái phép có khối lượng gần 44m3 tại khoảnh 10a, Tiểu khu 145 (xã Vinh Sơn, H. Vĩnh Thạnh). Qua kết quả phối hợp đã xử lý hình sự 5 đối tượng, tổng cộng 31 tháng tù giam, buộc bồi thường thiệt hại 74 triệu đồng. Ngày 12-10-2015, Hạt KL H. Vĩnh Thạnh phối hợp cùng CQĐT CAH Vĩnh Thạnh, Hạt KL TX An Khê, UBND xã Cửu An (TX Cửu An) điều tra xác minh đối tượng phá rừng trái pháp luật tại Tiểu khu 226, xã Vĩnh Thuận giáp ranh với TX An Khê. Kết quả điều tra đã xác định Phan Ngọc Hơn (trú xã Cửu An, TX An Khê) phá hơn 9.000m2 rừng sản xuất. Hơn bị tuyên 6 tháng tù và buộc bồi thường thiệt hại 135 triệu đồng.

Tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên, trong năm 2016, Hạt KL các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, BQL rừng đặc dụng Krông Trai (Phú Yên) phối hợp với Hạt KL các huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa (Gia Lai) tiến hành nhiều đợt kiểm tra, truy quét. Qua đó, bắt giữ, xử lý tịch thu hơn 20m3 gỗ các loại, tịch thu nhiều thuyền máy phục vụ cho việc chở gỗ. Đồng thời, tổ chức trao đổi thông tin, nắm tình hình, cài đặt mạng lưới tố giác và tổ chức kiểm tra các tụ điểm, tuyến đường mà các đối tượng vi phạm thường cất giữ, vận chuyển lâm sản có nguồn gốc từ Gia Lai xuống Phú Yên. Qua đó, bắt giữ, xử lý 36 vụ, thu giữ 11 ô-tô cùng gần 70m3 gỗ các loại.

Ở khu vực phía tây của tỉnh Gia Lai, nơi tiếp giáp giữa 2 huyện Ia Grai và Ia HDrai (Kon Tum), trong năm 2016, lực lượng KL hai bên đã tổ chức phối hợp nhiều đợt tuần tra, truy quét tại các điểm tập kết gỗ lậu - giáp ranh giữa 2 huyện. Qua đó, phát hiện 13 vụ vi phạm, thu giữ hơn 112m3 gỗ tròn, xẻ các loại.

Gỗ lậu bị Hạt KL Kbang (Gia Lai) phối hợp với cơ quan chức năng H. Vĩnh Thạnh (Bình Định) bắt giữ.

Phối hợp để giữ rừng

Có thể thấy, công tác phối hợp đã được lực lượng KL triển khai với các quy chế rõ ràng đã góp phần giảm đáng kể nạn chặt phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai với các địa phương khác. Ông Nguyễn Nhĩ - Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh Gia Lai cho biết: “Cùng với lực lượng KL các tỉnh, chúng tôi tiến hành ký kết quy chế phối hợp để từ đó xác định các vùng trọng điểm thường xảy ra tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Hạt KL các huyện, thị xã có rừng giáp ranh trong công tác kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái pháp luật”. Đồng thời, Chi cục KL giữa các tỉnh thường xuyên phối hợp thanh tra, kiểm tra, phối hợp với UBND các xã, các đơn vị chủ rừng có vùng giáp ranh tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng... đến người dân.

Bên cạnh đó, hằng năm, lực lượng KL giữa các địa phương nơi có rừng giáp ranh tiến hành sơ kết nhằm đánh giá những hạn chế, ưu điểm trong công tác phối hợp nhằm giải quyết “bài toán giữ rừng” ngày càng hiệu quả hơn. Hiện Chi cục KL tỉnh Gia Lai đã tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai tiến hành ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại vùng giáp ranh với UBND các tỉnh Bình Định, Đắc Lắc, Phú Yên và Kon Tum. Từ đó, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương có vùng rừng giáp ranh trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Đặc biệt, hạn chế không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng nạn khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất rừng tại các vùng giáp ranh vẫn âm ỉ hoạt động và có nhiều diễn biến phức tạp. Bởi nguồn lợi từ rừng luôn hấp dẫn đối với lâm tặc. Thế nên, việc tăng cường phối hợp với các quy chế rõ ràng thì có thể thấy, động thái giữ rừng của các địa phương có vùng rừng giáp ranh và đặc biệt là tỉnh Gia Lai ngày càng cương quyết hơn bao giờ hết. Hy vọng, với việc các tỉnh có vùng rừng giáp ranh cùng ngồi lại với nhau để bàn các giải pháp cụ thể, phối hợp đồng bộ sẽ giữ được những cánh rừng đang bị đe dọa hằng giờ, hằng ngày.

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_163287_gian-nan-giu-rung-giap-ranh-3-.aspx