Gian nan cuộc chiến chống Abu Sayyaf ở Philippines

Trong nhiều năm, Abu Sayyaf tồn tại bằng hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc, gây ra nỗi sợ hãi cho các thủy thủ, khách du lịch và cư dân trong vùng. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lập tức ra lệnh triển khai số lượng lớn binh sĩ để tiêu diệt nhóm khủng bố này.

Binh sĩ Philippines tham gia chiến dịch săn lùng Abu Sayyaf

Gieo rắc nỗi sợ hãi

John (không phải tên thật) điều hành một cửa hàng tiện lợi nhỏ ở trung tâm Jolo, một thành phố cảng tấp nập trên đảo Sulu. Là người gốc Hoa, gia đình anh đã ở đây trong nhiều thế hệ. Nhưng cũng tại đây, John đã phải chứng kiến việc con trai, em trai bị nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf bắt cóc làm con tin. Anh cũng mất đi một bà cô do bom đặt ngay bên ngoài cửa hàng. “Các vụ bắt cóc luôn xảy ra trên đường từ cửa hàng về nhà. Một chiếc ô tô lớn dừng lại, các thành viên trên xe dùng súng đe dọa và kéo ai đó vào bên trong. Khi vụ đầu tiên xảy ra, chúng tôi không biết làm cách nào để thương lượng về tiền chuộc. Nó giống như một hợp đồng kinh doanh. Bạn phải tìm cách thương lượng để giảm số tiền chuộc mà chúng đặt ra”, John giải thích.

Nhưng John không phải là trường hợp cá biệt. Những chủ cửa hàng khác cũng nói về các vụ bắt cóc, tống tiền, thậm chí là bị chặt đầu nếu số tiền chuộc không được đáp ứng. Trong nhiều năm, nhiều hàng xóm của John đã phải đóng cửa hàng, chuyển đến các thành phố khác an toàn hơn.

Chỉ vài tháng trước, thi thể không đầu của một người đàn ông trẻ tuổi đã được tìm thấy gần hiệu bánh mỳ mà anh ta sở hữu. Anh này được cho là đã từ chối trả tiền sau khi nhận được bức thư tống tiền. Sau vụ việc, gia đình anh đã chuyển đến thành phố Zamboanga gần đó.

Jolo là một trong những thành trì của Abu Sayyaf, một tổ chức khủng bố được thành lập vào đầu những năm 1990. Trong nhiều năm, chúng tồn tại bằng hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc, gây ra nỗi sợ hãi cho các thủy thủ, khách du lịch và cư dân trong vùng. Trong thời gian từ tháng 7-2015 đến tháng 9-2016, chúng bắt cóc 38 người nước ngoài và hàng chục người địa phương. “Hoạt động bắt cóc ở Jolo bắt đầu từ năm 1999, và lan tràn nhất vào năm 2012 và 2013 - gần như mỗi ngày đều xảy ra các vụ bắt cóc”, John cho biết.

Giống như nhiều người mà hãng tin Channel NewsAsia tiếp cận, John do dự khi nói về tình trạng bắt cóc vì sợ bị trả thù. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi. John nói rằng, thời gian gần đây, kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tăng cường số lượng binh sĩ triển khai tới khu vực, tình hình trở nên yên tĩnh và ít xảy ra bắt cóc hơn.

Cuộc chiến kéo dài và nguy hiểm

Đây là cuộc chiến mà nhiều chính quyền trước đó đã tiến hành nhưng chưa thành công, dù đã nỗ lực hết sức. Cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố như Abu Sayyaf là cuộc chiến kéo dài và nguy hiểm. Quân đội Philippines đang chiến đấu chống lại kẻ thù tại nơi có địa hình chủ yếu là rừng rậm và khó thâm nhập, cùng với đó là các mối quan hệ mạnh mẽ giữa các cộng đồng và bà con ruột thịt trong khu vực. “Chúng tôi không thể loại trừ khả năng những người trong làng hỗ trợ Abu Sayyaf”, Chuẩn tướng De La Vega nói, “Một số thậm chí còn kiếm sống bằng cách che giấu chúng”.

De La Vega đứng đầu lực lượng đặc nhiệm ở Jolo. Binh sĩ của ông tiến hành các chiến dịch kéo dài hàng tuần trong những cánh rừng ở Sulu nhằm truy lùng phiến quân Abu Sayyaf. “Không gian di chuyển của chúng bị hạn chế. Trên đường trốn chạy, chúng cố gắng tách thành các nhóm nhỏ hơn để khó bị phát hiện. Nếu chúng tôi có thể cô lập chúng và quen thuộc địa hình, chúng tôi có thể đánh bại chúng một cách dễ dàng”, ông Vega nói.

Hồi tháng 9, Abu Sayyaf đã thả 17 con tin. Một số ít các thành viên trong tổ chức này cũng đầu hàng. Mặc dù vậy, đây là cuộc chiến kéo dài và khó khăn với nhiều thương vong cho cả hai bên. Abu Sayyaf tiếp tục thực hiện các hoạt động bắt cóc, tìm kiếm thêm chỗ ẩn nấp cho đến khi quân đội đi qua. Số lượng thành viên Abu Sayyaf đang giảm, nhưng có bằng chứng cho thấy nhóm đang tuyển dụng các thành viên mới.

Trong khi đó, tại đảo Tawi-Tawi gần đó, lực lượng Thủy quân lục chiến tuần tra giám sát trên biển nhằm phát hiện bất kỳ hoạt động nào đáng ngờ sau khi gia tăng các vụ bắt cóc thủy thủ Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và bắt giữ thuyền chở phiến quân Abu Sayyaf chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.

Gia tăng sự hiện diện quân sự đã giúp giảm bớt các mối đe dọa, nhưng những người tham gia cuộc chiến đang nhận ra rằng, chỉ sử dụng vũ lực không thể loại bỏ hoàn toàn Abu Sayyaf. “Giải pháp quân sự không thể giải quyết được vấn đề, đặc biệt là ở Sulu”, Thiếu tá Franco Alano, phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Tây Mindanao nói. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đang khuyến khích các bên liên quan khác tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo và trong các lĩnh vực khác”. Abu Sayyaf phát triển mạnh nhờ sự bất ổn trong khu vực chúng hoạt động, để ngăn chặn chúng, chính phủ cần tập trung vào việc làm cho những tân binh tiềm năng không muốn tham gia. Họ cần phải được cung cấp các cơ hội để thoát nghèo.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/gian-nan-cuoc-chien-chong-abu-sayyaf-o-philippines/709925.antd