Gian nan cuộc chiến bảo vệ rừng hương trăm tuổi

Rừng hương vẫn “chảy máu”

(Cadn.com.vn) - Khi những cánh rừng hương cổ thụ ở đại ngàn Gia Lai chỉ còn sót lại vài trăm cây thì việc bảo vệ càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi số phận những cây hương cổ thụ đang bị đe dọa từng giờ, từng ngày và nếu không có biện pháp triệt để thì có thể sẽ bị xóa sổ trong nay mai. Trong khi đó, nguồn lợi lớn từ lâm sản khiến những đối tượng “lâm tặc” bất chấp, kể cả manh động chống đối để khai thác trái phép.

Sau khi bài báo “Rừng hương trăm tuổi kêu cứu” được đăng tải, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng tiếp tục nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc những cây hương cổ thụ tại lâm phần quản lý của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa vẫn bị tàn phá. Nhận được thông tin, chúng tôi tiếp tục trở lại xã Krong (H. Kbang) - nơi còn 299 cây hương cổ thụ nằm rải rác trong khoảng 8.000ha. Con đường từ trung tâm xã dẫn vào khu vực nhà đầm La Hách (làng La Hách, xã Krong) mùa mưa trơn trượt và lầy lội với nhiều vết xe độ chế từng ra vào khu vực này. Ngay tại khu vực nhà đầm La Hách, những cánh rừng cũng dần hiện ra 2 bên. Ngay bên cạnh thượng nguồn con sông Ba là vách núi còn hiện rõ những vết trượt gỗ được vận chuyển từ rừng ra và cả những đống mùn nức mùi gỗ hương bên bờ sông.

Bơi qua dòng sông Ba với dòng nước đổ về cuồn cuộn đục ngầu vì mưa lớn, chúng tôi tiếp cận với hiện trường nơi một cây hương đổ xuống đã khá lâu nhưng vết xẻ thành hộp vẫn còn mới. Hiện trường chỉ còn lại những miếng bìa mà “lâm tặc” vứt ngổn ngang vì ít giá trị nhưng bề ngang cũng đã gần 1m, chứng tỏ cây hương bị đốn hạ ở đây có tuổi đời cả trăm năm.

Những hộp gỗ hương chưa kịp vận chuyển được “lâm tặc” giấu dưới dòng sông Ba.

Không chỉ thế, càng đi lên cao càng nhiều miếng bìa nằm rải rác, còn gỗ hộp đã được vận chuyển đi. Cạnh đó rải rác là những cây gỗ khác cũng bị cưa hạ. Trượt dọc theo đường vận chuyển xuống sông Ba, ngay bờ sông, một số hộp gỗ Hương và cả thân cây hương đường kính khoảng 40cm được giấu dưới nước mà “lâm tặc” khi biết chúng tôi vào đã “phi tang”.

Từ thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi bơi ngược trở lại bên kia bờ dòng sông Ba, bởi ngay vách núi chỉ cách khoảng 500m so với đường đi vào khu nhà đầm La Hách cũng là hiện trường có nhiều cây hương bị đốn hạ. Sau gần 1 giờ đồng hồ vượt qua con dốc dựng đứng và len lỏi giữa cánh rừng đầy vắt và thảm mục, chúng tôi cũng dần tiếp cận những cây hương cổ thụ còn sót lại tại khoảnh rừng này. Dù nhìn bên ngoài cây cối ken dày, thế nhưng bên trong đầy những lối mòn khai thác.

Đúng như thông tin phản ánh của người dân, những cây hương bị đốn hạ nằm rải rác ở khu vực này. Chỉ trong vòng bán kính khoảng 300m, chúng tôi đã đếm được khoảng 5 cây hương đã bị cưa, chặt. Trong số đó có những cây mới chặt trong vòng 1-2 tháng nay, có cây bị xẻ đã lâu và vẫn còn sót lại những tấm gỗ, gốc cây hương lớn đường kính khoảng 1m. Có cây vừa mới bị chặt, gốc vẫn màu đỏ quạch như máu bầm và còn vương mùi thơm đặc trưng của gỗ hương. Điều đó, chứng tỏ “lâm tặc” cũng chỉ mới đốn hạ thời gian gần đây.

Vì lợi nhuận, vì bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ nên những cây hương vẫn tiếp tục bị đốn hạ.

Nếu không có những biện pháp, phương án triệt để những cây hương trăm tuổi chỉ còn là những bìa gỗ mục giữa rừng già.

Gian nan “cuộc chiến”

Theo lời ông Đinh Ích Hiệp - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Kbang, do đặc điểm diện tích rừng rộng lớn, còn nhiều lâm sản có giá trị kinh tế cao nên rừng Kbang, đặc biệt là gỗ hương luôn là mục tiêu, thu hút nhiều đối tượng “lâm tặc” trong và ngoài địa bàn tìm mọi cách lén lút thâm nhập vào rừng để khai thác. Nhất là các xã vùng xa, các khu vực giáp ranh với tỉnh bạn. Đã xảy ra nhiều vụ các đối tượng “lâm tặc” liều lĩnh chống trả người thi hành công vụ trên địa bàn khi bị phát hiện đang khai thác, vận chuyển gỗ hương.

Cụ thể, như vào lúc 23 giờ ngày 14-11-2015, phát hiện một nhóm đối tượng đang dùng cưa xăng khai thác một cây gỗ hương trái phép tại Tiểu khu 94 lâm phần Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa với khối lượng gỗ tròn gần 5m3, lực lượng chức năng đã vây bắt được Hà Văn Quy (1974, trú làng Hro, xã Krong) và Trần Đức Tuấn (1991, trú TDP 14, TT Kbang, H. Kbang). Trên đường đưa 2 đối tượng này về làm việc thì có 7 đối tượng khác mang theo dao, rựa chặn trước đầu ô-tô đe dọa, uy hiếp, khống chế lực lượng chức năng rồi đưa Quy, Tuấn tẩu thoát.

Hay mới đây, TAND H. Kbang đã tuyên phạt Trương Văn Hà (1974, trú TDP 21, TT Kbang, H. Kbang) 40 tháng tù về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Trước đó, ngày 29-4-2016, Hà cùng Nguyễn Văn Trung (1981, trú TDP 6, TT Kbang) vận chuyển 2 khúc gỗ hương thì bị anh Dương Hồng Tâm (1993, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa) phát hiện, ngăn chặn. Xin xỏ anh Tâm không được, Hà rút dao (dài khoảng 35cm) trong người ra chém trúng cổ anh Tâm gây thương tích rồi cả hai bỏ trốn. Đến ngày 9-5, Hà đã đến CAH Kbang đầu thú, còn Nguyễn Văn Trung vẫn bỏ trốn.

Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Phán - Chủ tịch UBND H. Kbang cho biết: “Huyện đã có nhiều biện pháp từ quản lý cư trú đối với các đối tượng ngoại địa bàn, phối hợp các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo, tổ liên ngành trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Dù thời gian vừa qua đã giảm nóng tình trạng phá rừng nhưng nó vẫn âm ỉ, nhức nhối”. Đồng thời, ông Phán cũng cho biết thêm: Người dân có phản ánh việc cán bộ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tiếp tay cho lâm tặc. Tuy nhiên, để phát hiện là chưa có. Vấn đề làm trong sạch đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này đã được triển khai tại nhiều cuộc họp và sẵn sàng loại bỏ những cán bộ thoái hóa này.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 4351 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng phương án quản lý, bảo vệ những cây hương cổ thụ còn sót lại ở H. Kbang. Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ chặt chẽ những cây hương trên. Đồng thời, về lâu dài, tỉnh Gia Lai giao Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, UBND H. Kbang và Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa tiến hành kiểm tra thực tế và xây dựng phương án cụ thể để quản lý bảo vệ chặt chẽ số cây hương còn lại.

Có thể thấy, “cuộc chiến” bảo vệ rừng hương vẫn là bài toán nan giải đối với các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai khi chưa có giải pháp căn cơ, triệt để. Nếu không có phương án cụ thể, có lẽ chỉ thời gian ngắn nữa, số phận của những cây hương cổ thụ cũng bị xóa sổ như những cây gỗ quý trắc, huỳnh đàn từng một thời hiện hữu ở đây.

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_155521_gian-nan-cuo-c-chie-n-ba-o-ve-ru-ng-huong-tram-tuo.aspx