Gian nan cổ phần hóa các doanh nghiệp xây dựng

NDĐT – Sự kiện Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng (BDCC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất được đánh giá là một nỗ lực của Bộ xây dựng và bản thân sự năng động của đơn vị này trong tiến trình cổ phần hóa. Tuy nhiên qua câu chuyện cổ phần hóa của đơn vị này cũng là một thí dụ chỉ ra những khó khăn chung trong tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành xây dựng.

Ngày 5-7, BDCC đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh giai đoạn 2014-2019. Trong đó, doanh nghiệp lần đầu hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần này đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 6-10%/năm trong giai đoạn 2014-2019; xác định xây lắp là lĩnh vực chủ đạo, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng, phát triển kinh doanh nhà, quan tâm lĩnh vực khảo sát thiết kế.

Trước khi chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần BDCC được đánh giá là đơn vị làm ăn khá có hiệu quả. Mặc dù, BDCC đã bảo đảm đúng tiến độ về thời gian trong kế hoạch cổ phần hóa. Nhưng trong lần bán cổ phần lần đầu BDCC còn “ế” tới 81,44% lượng cổ phiếu mang ra chào bán. Cụ thể theo Đề án cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng 100% vốn Nhà nước sau khi bán cổ phần lần đầu, Nhà nước sẽ chỉ còn nắm giữ 72,98% vốn điều lệ trong doanh nghiệp này. Tuy nhiên trên thực tế, trong lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng hồi tháng 2-2014, BDCC chỉ bán được 896.200 cổ phần tương đương với 12,56% lượng chào bán và huy động được vỏn vẹn 9,14 tỷ đồng, thu về 179,24 triệu đồng thặng dư vốn. Như vậy sau lần bán này, Nhà nước vẫn còn nắm giữ tới 94,61 % vốn điều lệ trong Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng.

Thị trường quyết định
Là một đơn vị đang có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt nhưng tại sao việc bán cổ phần lại gặp khó như vậy? Ông Đặng Văn Long (Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Xây dựng) cho rằng, sở dĩ Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng không đạt tỷ lệ như kế hoạch là do yếu tố thị trường không thuận lợi. Ông Long phân tích, thời điểm hiện nay thị trường xây dựng và bất động sản đang trầm lắng khiến các nhà đầu tư cũng không mấy mặn mà. Đặc biệt, BDCC nói riêng và các tổng công ty xây dựng nói chung cũng gặp khó trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể bán rẻ để làm mất vốn Nhà nước.

Cũng theo kế hoạch, sau khi cổ phần hóa, BDCC sẽ tiếp tục bán bớt phần vốn nhà nước tại Tổng công ty theo hướng Nhà nước chỉ cần nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ khi điều kiện thị trường thuận lợi; đồng thời BDCC phải nghiên cứu, xây dựng lộ trình đến năm 2015 chuyển quyền đại diện phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Theo ông Long, mục tiêu này có đạt được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực trong sản xuất kinh doanh của đơn vị, đồng thời yếu tố thị trường cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình thực hiện mục tiêu. Lãnh đạo BDCC cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay vẫn là bảo toàn vốn Nhà nước và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Kế đến là chờ thời điểm thị trường thuận lợi sẽ tiến hành bán tiếp cổ phần theo kế hoạch.

Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng mới là đơn vị thứ ba thuộc Bộ xây dựng hoàn tất kế hoạch cổ phần hóa. Trong khi đó theo kế hoạch tái cơ cấu đến hết năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ phải chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa và sắp xếp lại 14 Tổng công ty 100% vốn nhà nước thuộc Bộ, trong đó sẽ giảm từ 402 doanh nghiệp thuộc các Tổng công ty này xuống còn 243 doanh nghiệp, trong đó tập trung thoái toàn bộ vốn góp tại 143 doanh nghiệp với tổng giá trị 4.491 tỷ đồng; thực hiện phá sản một doanh nghiệp, giải thể một doanh nghiệp, chuyển giao một doanh nghiệp và sáp nhập 13 doanh nghiệp. Ông Đặng Văn Long cho biết, tại thời điểm này, tiến trình cổ phần hóa các DNNN thuộc Bộ Xây dựng vẫn đang diễn ra đúng kế hoạch. Ông Long cũng hy vọng, hiện đang có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tìm hiểu kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.

Trên bình diện cả nước, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 20-6-2014, khu vực kinh tế nhà nước đã sắp xếp 58 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 38 doanh nghiệp, giải thể hai doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản ba doanh nghiệp.

Về cổ phần hóa DNNN, đã có 297 doanh nghiệp thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, 159 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 67 đơn vị đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, 38 doanh nghiệp đã được phê duyệt Phương án cổ phần hóa, 31 doanh nghiệp đã bán cổ phần lần đầu. Tiến độ này là chuyển biến đáng kể so với các năm gần đây, dự tính đến cuối năm 2014 sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp và cuối Quý III/2015 sẽ có toàn bộ các doanh nghiệp được phê duyệt Phương án cổ phần hóa để tiến hành bán cổ phần lần đầu.

XUÂN BÁCH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/23701902-gian-nan-co-phan-hoa-cac-doanh-nghiep-xay-dung.html