Giàn khoan khai thác tự nâng 'made in Vietnam': Làm chủ công nghệ từ 90m đến 120m nước

Với việc chủ động chế tạo giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 thay vì nhập khẩu, các tác giả không chỉ đơn thuần làm chủ được một công nghệ phức tạp mà còn giúp tiết kiệm hàng chục triệu USD cho đất nước.

Đây là kết quả cụm công trình: “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” - nằm trong danh sách đề xuất xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2016.

“Tay không” làm dự án trăm triệu đô

Kỹ sư Phan Tử Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) - cho biết, công ty bắt đầu thực hiện dự án năm 2009 sau 2 năm thành lập. Ở thời điểm đó, toàn bộ giàn khoan tại Việt Nam đều được đóng ở nước ngoài. Tuy chỉ có chút ít kinh nghiệm làm giàn khoan cố định, nhân sự mỏng, cơ sở vật chất thiếu đủ thứ nhưng nhóm vẫn tin sẽ thành công và quyết tâm thực hiện.

“Để xây dựng một dự án trị giá 180 triệu đô, ngoài khó khăn về kinh nghiệm, vật chất, cái khó nhất là thuyết phục các cấp lãnh đạo tin tưởng để chúng tôi làm. Ngoài việc chứng minh khả năng chế tạo giàn khoan, chúng tôi còn phải chuẩn bị cơ sở để xây dựng nó. Tức là cùng một lúc vừa xây dựng xưởng, vừa chế tạo giàn khoan theo kiểu xưởng xây đến đâu làm giàn khoan đến đó, nhằm tới mục tiêu lớn nhất là bàn giao giàn khoan đúng tiến độ” - ông Giang nói.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 - thế hệ sau của Tam Đảo 03 - được hạ thủy tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Ngọc Vũ

Chủ tịch PV Shipyard cũng chia sẻ, các thiết bị trên giàn khoan phải theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhà máy chế tạo giàn khoan cũng phải được tổ chức kiểm định đánh giá. Từ bản vẽ đầu tiên cho đến việc mua máy gì, ở đâu đều được kiểm soát rất chặt. Công ty phải mời Cơ quan Đăng kiểm hàng hải Mỹ (ABS) vào cuộc đánh giá từ đầu, kiểm soát từng hạng mục, từ cái ốc vít thay vì làm xong mới đánh giá để nghiệm thu.

“Chính vì vậy, anh em trong công ty đã phải bỏ rất nhiều công sức mày mò, học hỏi từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt với một khối lượng công việc đồ sộ” - ông Giang tâm sự.

Khó khăn là vậy nhưng gần như toàn bộ phần thiết kế chi tiết, thiết kế công nghệ và thi công đều được thực hiện tại Việt Nam, chỉ có thiết kế cơ sở (mẫu giàn khoan) là phải mua của nước ngoài.

Chỉ 3 năm, kỹ sư Giang và cộng sự đã chế tạo thành công Tam Đảo 03 - giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam, hoàn thành trước thời hạn 2 tháng. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có khối lượng kết cấu và thiết bị hơn 12.000 tấn. Chiều cao chân giàn 145m, có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m, hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển. Tam Đảo 03 được ABS cấp chứng chỉ về chất lượng, được chủ đầu tư là Vietsovpetro đưa vào sử dụng, khai thác ổn định từ tháng 6/2012 đến nay.

Hạn chế thuê chuyên gia nước ngoài

Theo ông Phan Tử Giang, Tam Đảo 03 có tỷ lệ nội địa hóa 34% (63 triệu USD). Sản phẩm được đưa vào hoạt động đã giúp tiết kiệm chi phí thuê chuyên gia nước ngoài, vật tư, năng lượng, chi phí thuê giàn khoan… Tổng số tiền Tam Đảo 03 tiết kiệm được là 18,3 triệu USD.

Đánh giá cao việc Việt Nam chủ động tiếp cận công nghệ đóng giàn khoan, KS Đỗ Thái Bình - thành viên Hội Đóng tàu Mỹ - cho rằng, việc cọ xát với những công việc thực tế này sẽ giúp công nhân Việt Nam tiếp cận, học hỏi và nâng cao tay nghề. “Về lâu dài, cần hướng đến việc đào tạo cán bộ trẻ chiếm lĩnh vị trí thiết kế, làm chủ công nghệ ở mức cao hơn” - KS Bình kỳ vọng.

Kết quả của đề tài tiếp tục được áp dụng để thiết kế, xây dựng quy trình chế tạo chân đóng mới giàn khoan tự nâng 120m nước (Tam Đảo 05) trị giá 230 triệu USD, vừa được bàn giao cho chủ đầu tư. So với Tam Đảo 03, giàn khoan này nặng gấp 1,5 lần, khối lượng khoảng 18.000 tấn.

Theo ông Giang, thành công của Tam Đảo 03 cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng và thiết kế của PV Shipyard trong tương lai. Trung tâm sẽ có đội ngũ kỹ sư thiết kế khoảng 70-80 người, được trang bị kiến thức vững vàng, phương pháp nghiên cứu và làm việc khoa học, trưởng thành thông qua công việc thực tế, tạo sự chủ động và giảm tối đa số chuyên gia nước ngoài cho các dự án sau.

Còn KS Hoàng Hùng - Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy Việt Nam - tin tưởng: “Tôi cho rằng Việt Nam thành công trong việc đóng giàn khoan tự nâng là nhờ Nhà nước đã đầu tư vào KH&CN một cách chuẩn mực. Với thành công này, Việt Nam hoàn toàn có thể tính đến khả năng xuất khẩu giàn khoan tự nâng”.

Phương Nguyên

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/gian-khoan-khai-thac-tu-nang-made-in-vietnam-lam-chu-cong-nghetu90m-den-120m-nuoc/20161027024558235p1c859.htm