Giảm tỷ lệ tử vong mẹ: Vẫn còn những khoảng cách

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, lĩnh vực y tế nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng đã được cải thiện rất tích cực, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong bà mẹ sinh con giữa các vùng miền vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn.

Giảm tỷ suất tử vong mẹ, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu và vùng xa là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chiến lược chăm sóc sức khỏe sinh sản ở nước ta. Bởi hiện nay, tỷ lệ tử vong mẹ có sự rất khác nhau rất lớn giữa các vùng và khu dân cư. Để giảm khoảng cách này, chương trình “Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh” đã được triển khai năm 2009 tại 14 tỉnh miền núi, trong đó tại vùng núi phía bắc có 10 tỉnh và Tây Nguyên có 4 tỉnh. Theo kết quả điều tra nghiên cứu thực trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh tại 14 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng của Trung tâm Nghiên cứu dân số và Sức khỏe nông thôn (Trường đại học Y Thái Bình) phối hợp cùng Ban chủ nhiệm chương trình giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh trung ương cho thấy, tỷ suất tử vong mẹ của 14 tỉnh miền núi là 119/100.000 ca sinh sống; tỷ suất tử vong mẹ cao nhất ở Tây Bắc: 242/100.000 ca, tiếp đến là Tây Nguyên: 108/100.000 ca và thấp nhất là Đông Bắc: 86/100.000 ca. Trong đó nguy cơ tử vong mẹ cao nhất khu vực Tây Bắc là Điện Biên, cứ 148 phụ nữ vào tuổi 15-49 thì có 1 tử vong mẹ; sau đó đến Lai Châu 218; Gia Lai là 271, các tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai dao động ở mức trên 300 và thấp nhất là Lạng Sơn, chỉ có 1 bà mẹ chết trên 3.567 phụ nữ sinh con trong độ tuổi 15-49. Kết quả trên cho thấy, tỷ suất tử vong mẹ trong điều tra này thấp hơn nhiều so với kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2000 - 2001 tại bảy tỉnh. So sánh với điều tra của Bộ Y tế trên cùng địa bàn sau năm năm, tỷ suất tử vong mẹ đã giảm đi rất nhiều. Tỷ lệ tử vong mẹ ở Cao Bằng giảm từ 411 xuống 143/100.000 ca sinh sống, ở Đắc Lắc giảm từ 178 xuống 65/100.000 ca sinh sống. Như vậy, xu hướng giảm mạnh tỷ suất tử vong mẹ trong những năm gần đây đã và đang tiến gần đến mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản là giảm tỷ suất tử vong mẹ còn 70/100 nghìn trẻ sinh sống. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy tỷ lệ tử vong mẹ có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng, miền. Ví dụ, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng Tây Bắc như Điện Biên (31,6%) cao gần 10 lần so với tỉnh Lạng Sơn (3%) ở khu vực Đông Bắc. Con số này đã làm cho tỷ lệ tử vong mẹ ở các tỉnh vùng Tây Bắc tới 13,4%, các tỉnh vùng Tây Nguyên là 5,3% còn các tỉnh vùng Đông Bắc chỉ có 3,3%. Như vậy, tỷ lệ tử vong mẹ ở các tỉnh vùng Tây Bắc cao gấp hơn 4 lần so với các tỉnh vùng Đông Bắc. Sự chênh lệnh trên một phần là do những yếu tố có ảnh hưởng rõ rệt đến sự tiếp cận của các bà mẹ và trẻ sơ sinh tới dịch vụ chăm sóc sản khoa thiết yếu được xác định là do khó khăn về kinh tế, văn hóa và thiếu kiến thức về chăm sóc trong quá trình mang thai và sinh nở. Mặt khác, do tính chất vùng miền, trình độ nhận thức văn hóa thấp mà hiện nay tại nhiều vùng núi nơi tập trung đông bà con dân tộc sinh sống, vẫn còn thói quen tự sinh con ở nhà. Bà Đỗ Thị Lan - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tỉnh Sơn La, cho biết: “Có tới 70% phụ nữ mang thai ở tỉnh có truyền thống sinh đẻ tại nhà. Cá biệt, có xã như Tân Lập của huyện Mộc Châu, hay Chiềng Xơ của huyện Sông Mã có tới 100% chị em không hề tới trung tâm y tế khám thai và sinh đẻ”. Không chỉ tỉnh Sơn La, mà ngay cả Đăk Lăk cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc kêu gọi phụ nữ đến trung tâm y tế sinh đẻ. Bà Phạm Thu Hương - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Đăk Lăk nêu một thực tế đáng buồn: “Tuy hệ thống y tế đã được phổ cập tới 95% thôn bản nhưng hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều bà mẹ tử vong. Thống kê mới đây cho thấy tỉnh Đăk Lăk có tỷ lệ 30/100.000 phụ nữ tử vong khi sinh, chủ yếu là các trường hợp phụ nữ người dân tộc sinh con tại nhà”. Lý giải về điều này, bà Hương cho rằng: Nhiều phụ nữ ngại đến trạm y tế bởi họ gặp phải những khó khăn trong quá trình vận chuyển, đường sá không thuận lợi. Số khác thì không được khám sàng lọc trước sinh và mắc các bệnh tiền sử dẫn đến tử vong ngay khi sinh. Thực tế, không riêng gì 2 tỉnh trên mà hầu hết các tỉnh miền núi trong cả nước đều gặp phải những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=480485&co_id=30085