Giảm, thoái vốn tại loạt công ty con của PetroVietnam

PetroVietnam được giữ nguyên, không cổ phần hóa tại 3 đơn vị, còn lại phải giảm, thoái vốn tại số công ty con trong 3 năm tới.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp vừa có văn bản phê duyệt danh mục doanh nghiệp phải sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) phải hoàn thành trước năm 2020.

Theo đó, PetroVietnam được giữ 100% vốn, không cổ phần hóa tại 3 đơn vị, là Công ty mẹ - PetroVietnam; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam (Nasos) và Trường cao đẳng nghề dầu khí. Số doanh nghiệp trực thuộc khác, tập đoàn này phải giảm, thoái vốn thông qua cổ phần hóa, bán cho nhà đầu tư để giảm vốn sở hữu Nhà nước.

PetroVietnam phải giảm, thoái vốn tại loạt công ty con trước năm 2020.

Cụ thể, nhóm công ty con "ông lớn" dầu khí buộc phải thoái toàn bộ vốn từ nay tới năm 2019, gồm: Công ty cổ phần PVI; Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An; Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh; Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí SSG; Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam; Tổng công ty Bảo dưỡng- sửa chữa công trình Dầu khí.

Theo lộ trình có 2 doanh nghiệp phải giảm sở hữu Nhà nước hiện nay về 51% ngay trong năm 2018, là Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí và Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau.

Giai đoạn 2018- 2019, PetroVietnam giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tổng công ty Khí Việt Nam từ 96,72% xuống 65% vốn điều lệ. Còn trong giai đoạn 2019- 2020 tại Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PV Trans) tập đoàn này sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ từ 51% xuống 36% vốn nếu đàm phán và được Ngân hàng Citibank đồng ý sửa đổi cam kết trước đó của hai bên về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của PetroVietnam.

Nhóm nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm: Tổng công ty Dầu Việt Nam; Công ty TNHH MTV Lọc- Hoá dầu Bình Sơn; Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power).

Cũng tại văn bản này, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp giao Bộ Công Thương, trong quý III trình Thủ tướng đề án cơ cấu lại Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) trước khi cổ phần hoá; tái cơ cấu, chuyển giao vốn tại PVCombank.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhanh chóng lập danh mục doanh nghiệp cần bán vốn, tỷ lệ vốn bán theo từng năm để công khai cho nhà đầu tư biết.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, có 375 doanh nghiệp vói tống vốn hơn 108.500 tỷ đồng cần bán; tổng vốn dự kiến thoái trong 3 năm tới theo mệnh giá gần 64.500 tỷ. Bộ này cũng dự thảo danh mục doanh nghiệp cần bán vốn theo từng năm: năm 2017 bán vốn tại 161 doanh nghiệp, năm 2018 là 185; năm 2019 tại 65 doanh nghiệp và năm 2020 là 25.

Theo Anh Minh/VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/giam-thoai-von-tai-loat-cong-ty-con-cua-petrovietnam-214952/