Giảm thiểu các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em

Sáng 27-5, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức.

Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại hiện đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em trở thành vấn đề xã hội nóng cần quan tâm giải quyết.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cần quán triệt để triển khai mạnh mẽ, giảm thiểu các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em hiện nay. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đến các bậc cha mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ em; cũng như giáo dục, phổ biến cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại mình.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn đề toàn cầu. Trên thế giới, ước tính có 120 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân bị bạo lực tình dục, và gần một tỷ trẻ em thường xuyên phải chịu hình phạt thể chất. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài hiện tượng này. Số liệu về bạo lực, xâm hại trẻ em ở Việt Nam còn chắp vá, không đều, những ước tính của chính phủ thuần túy dựa trên những số liệu hành chính. Những số liệu này dựa trên định nghĩa trẻ em là người dưới 16 tuổi, so với quy chuẩn quốc tế quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, theo Báo cáo điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (Báo cáo MICS) năm 2014, 68% trẻ em dưới 15 tuổi đã phải chịu hình thức kỷ luật thể chất nào đó trong gia đình. 3% phụ nữ đã bị xâm hại tình dục trước năm 15 tuổi.

Bên cạnh đó, Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6, cũng là thời điểm Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1-6 tới. Bộ trưởng LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là thời cơ, là cơ hội để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục trong bảo vệ trẻ em, nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em cũng như trách nhiệm đối với trẻ em. Đây là dịp mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức xã hội có hành động thiết thực và cụ thể vì trẻ em.

“Đặc biệt, tháng hành động này, tôi mong muốn tất cả các người lớn, nhất là các bậc cha mẹ hãy nói “không” với bạo lực trẻ em, với xâm hại trẻ em. Đề nghị các tổ chức, các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc giải quyết, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là hành vi xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian vừa qua” - Bộ trưởng LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, Bộ LĐ-TB và XH và các tỉnh, thành phố tập trung tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị bàn về triển khai Luật Trẻ em và các giải pháp tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tập huấn về hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại và trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, đặc biệt xâm hại tình dục….

Đặc biệt, tháng hành động sẽ có các chiến dịch truyền thông và phổ biến cho cộng đồng, gia đình, nhà trường, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, hướng dẫn áp dụng các hình thức kỷ luật đối với trẻ em…

Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/32990602-giam-thieu-cac-van-de-bao-luc-xam-hai-tre-em.html