Giám sát Nghị quyết T.Ư 6 về phát triển khoa học, công nghệ

Chiều 17/10, Đoàn giám sát do đồng chí Vũ Hồng Khanh- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP Hà Nội làm trưởng đoàn đã làm việc tại Viện Công nghiệp thực phẩm về “Thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ trong chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Báo cáo với đoàn giám sát, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm Lê Đức Mạnh cho biết: Viện được thành lập từ năm 1967, trực thuộc Bộ Công thương. Trước năm 2007, Viện là đơn vị sự nghiệp có thu, sau năm 2007, Viện chuyển đổi mô hình hoạt động theo tinh thần Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm; lương và kinh phí hoạt động bộ máy liên tục cắt giảm. Từ năm 2015 đến nay, lương và hoạt động bộ máy không còn, Bộ Công thương chỉ cấp rất ít kinh phí cho các nhiệm vụ thường xuyên.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Hồng Khanh phát biểu tại buổi làm việc

Giai đoạn 2011-2015, Viện đã kết hợp nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất tại chỗ, tăng tiềm lực kinh tế cho nghiên cứu, cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên, tiến tới tự túc một phần kinh phí nghiên cứu và tự hạch toán.

“Viện đã thu được nhiều kết quả trong nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ, đặc biệt ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến nông sản thực phẩm, Viện trưởng Lê Đức Mạnh cho biết.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Lê Đức Mạnh, khó khăn trong quá trình nghiên cứu, đưa khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân là chính sách đãi ngộ đối với các nhà khoa học chưa được thể hiện; cơ chế quản lý khoa học và công nghệ thiếu đồng bộ, chồng chéo gây khó khăn không ít cho các nhà khoa học, đặc biệt là cơ chế quản lý tài chính; sự quan tâm của doanh nghiệp trong ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm của doanh nghiệp còn ít...

Viện trưởng Viện Công nghệp thực phẩm Lê Đức Mạnh báo cáo với đoàn giám sát về kết quả nghiên cứu, ứng dụng của Viện

Với lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa có nguồn nguyên liệu tập trung để bảo quản và chế biến ở quy mô công nghiệp, vì vậy việc ứng dụng khoa học, công nghệ gặp không ít khó khăn.

Viện trưởng Lê Đức Mạnh cho biết: Việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là đầu tư lớn, tính rủi ro cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài, cho nên doanh nghiệp ngại không muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà chỉ muốn đầu tư vào những lĩnh vực nhanh thu hồi vốn, ít bị rủi đo và ít chịu ảnh hưởng của thiên tai...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Hồng Khanh đánh giá cao những kết quả đã đạt được của gần 200 cán bộ, công nhân viên của Viện Công nghiệp thực phẩm, đặc biệt là Viện ngày càng có nhiều đề tài cấp Quốc gia, cấp bộ. Bằng chứng là từ năm 2011-2015, Viện đã thực hiện được 76 đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ.

Đoàn giám sát tham quan phòng thí nghiệm của Viện Công nghệp thực phẩm

Đặc biệt là những ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực phục vụ nông nghiệp, nông thôn và nông dân với những địa chỉ, địa bàn và kết quả rõ ràng.

“Viện đã thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học và công nghệ. Đây là vấn đề rất mới. Đặc biệt đáng ghi nhận là đẩy mạnh phát triển sản xuất các mặt hàng thực phẩm chức năng có chất lượng dựa trên cơ sở nghiên cứu, với 25 sản phẩm sản xuất ổn định, đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được người tiêu dùng hoan nghênh, tin tưởng sử dụng”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Khanh ghi nhận.

Đồng chí Vũ Hồng Khanh cũng đề nghị Viện Công nghiệp thực phẩm tiếp tục triển khai Nghị quyết số 20 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa 11 về phát triển khoa học, công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ. Qua đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các cấp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với phát triển đất nước và Thủ đô.

“Những kiến nghị của Viện hôm nay với đoàn giám sát sẽ được tập hợp, phân tích để bổ sung các chính sách và quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ cho phù hợp, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ của Thủ đô và đất nước”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Khanh khẳng định.

B.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/giam-sat-nghi-quyet-tu-6-ve-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-43864.html