Giám sát hay tự chịu trách nhiệm

Tuần rồi, một tờ báo chạy tít lớn trên trang nhất Công an giám sát từ đầu đến cuối. Đó là bài tường thuật về việc chấm điểm cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG). Ngay dưới tít, bài báo nhấn mạnh đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lập các đoàn thanh tra có mặt thường trực tại 63 hội đồng chấm thi trên toàn quốc.

Thí sinh đang làm thủ tục vào phòng thi. Ảnh: internet

Qua bài báo, người đọc có thể cảm nhận được nỗ lực của Bộ GD-ĐT nhằm ngăn ngừa mọi hình thức thiên vị, gian lận trong chấm thi, bảo đảm công bằng cho thí sinh. Đây cũng là một tình huống thường thấy ở Việt Nam khi sự hiện diện của cơ quan công lực giúp tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, dù rất quan trọng, chấm thi THPTQG cũng là một sự kiện thuộc ngành giáo dục. Và trong giáo dục, chẳng phải sự trung thực là một trong những phẩm chất chúng ta đang cố công rèn luyện các thế hệ học sinh của mình hay sao? Vì vậy, cho dù sự có mặt của công an và thanh tra chủ yếu là răn đe để sai phạm không xảy ra, có thể nào làm khác đi mà vẫn bảo đảm được chất lượng chấm thi?

Không như xứ mình nơi mà kỳ thi THPTQG vẫn là “độc quyền nhà nước”, nhiều nơi khác, nó đã được “xã hội hóa” từ lâu. Ở Mỹ chẳng hạn, có thể xem hai kỳ thi ACT và SAT tương đương kỳ thi THPTQG. Nhưng Bộ Giáo dục Mỹ không hề “chủ quản” ACT và SAT. Trái lại, khai sinh và quản lý hai kỳ thi này lần lượt là ACT Inc. và College Board, hai tổ chức tư nhân phi lợi nhuận. Năm ngoái, ACT có 2,1 triệu thí sinh tham dự và SAT có 1,7 triệu thí sinh (so với 865.000 thí sinh THPTQG Việt Nam năm nay). Trong khi chúng ta tổ chức thi THPTQG một lần mỗi năm, ACT thi sáu lần, SAT bốn lần, và họ không cần công an hay thanh tra giám sát chấm thi “từ đầu đến cuối”.

Không ai nghi ngờ gì về tính răn đe của lực lượng công an và thanh tra giáo dục tại các điểm chấm thi THPTQG, nhưng giá như không cần có sự hiện diện của họ mà việc chấm thi vẫn diễn ra hoàn toàn nghiêm túc, công minh thì sự “vắng mặt” này lại rất có ý nghĩa. Có lẽ các nhà quản lý giáo dục Việt Nam cũng cần suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này.

Hay lấy ví dụ kỳ thi tiếng Anh IELTS. Giá trị và sự công nhận quốc tế của nó không hề thua kém kỳ thi THPTQG của chúng ta. IELTS được tổ chức trên 130 quốc gia trên toàn thế giới - kể cả Việt Nam - nhưng không hề có công an hay thanh tra giáo dục sở tại giám sát gì cả.

Chúng ta không hề ảo tưởng rằng Việt Nam sẽ trong nay mai có ngay một kỳ thi mà giá trị được công nhận toàn cầu như IELTS. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tổ chức thi cử tốt hơn hiện nay. Câu hỏi ở đây là vì sao các nhà quản lý giáo dục lại không tự quản được hoàn toàn việc chấm thi. Dĩ nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT có cái lý của họ. Nhưng thiết nghĩ một trong những mục tiêu đặt ra cho ngành giáo dục trong tổ chức thi cử là các thầy cô phải trung thực hoàn toàn trong việc chấm thi mà không cần phải có công an hay đoàn giám sát. Nói khác đi, họ phải được trang bị đủ đạo đức để không bị bất kỳ ai khuynh loát. Nếu không, làm sao họ dạy được học sinh của mình trở thành người trung thực. Muốn vậy, trước hết, lãnh đạo phải tin tưởng cấp thừa hành và có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh. Khi ấy, mọi người sẽ tự chịu trách nhiệm mà không cần ai giám sát. Làm được việc này, Bộ GD-ĐT sẽ góp phần giúp giảm bớt một thực trạng là làm chuyện gì cũng luôn cần có giám sát, dù hiệu quả hay không lại là một chuyện khác.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/162185/giam-sat-hay-tu-chiu-trach-nhiem.html/