Giám sát chặt để ngăn lạm thu

Đầu năm học, việc thu các khoản chính thức và không chính thức luôn là nỗi ám ảnh và gánh nặng của nhiều phụ huynh học sinh. Có những khoản thu theo quy định và nhà trường không thể không thu, như học phí, phí bán trú, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…

Các khoản thu chính thức đó thường được phụ huynh thực hiện khá nghiêm túc, bởi hiểu rằng đó là những khoản thu nhằm phục vụ cho con em mình. Ngoài ra, còn một số khoản thu “bán chính thức”, như quỹ hội phụ huynh học sinh, quỹ khuyến học, chi phí giấy kiểm tra, liên lạc điện tử… Xét cho cùng, những khoản thu này cũng để phục vụ cho học sinh.

Nhưng cũng có nhiều khoản thu khác, dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, phần nhiều là mang mỹ từ “tự nguyện”, nhưng thực sự là lạm thu. Chẳng hạn, có trường đề ra nhiều khoản như: sửa chữa trong nhà trường, chi phí học thêm nhóm, phí học kỹ năng sống, học thêm, học hè, học phí tiếng Anh tăng cường, mua sắm bảng tương tác, máy chiếu, máy tính xách tay cho giáo viên… Nói lạm thu vì khoản thu này vượt quá quy định và dù danh nghĩa là vận động, tự nguyện nhưng gần như không phụ huynh nào không thực hiện.

Thực ra chi phí sửa chữa trong nhà trường thuộc về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thì nhà trường phải đáp ứng đầy đủ (theo điều kiện cụ thể của mình) và dùng ngân sách để thực hiện, chứ không thể buộc phụ huynh đóng góp. Có chăng, chỉ một số ít trường hợp, chẳng hạn, trong phòng học đã được trang bị 2 quạt trần, nhưng còn nóng, phụ huynh có thể đóng góp thêm để mua 4 quạt treo ở 4 góc, điều này thiết thực và không tốn nhiều chi phí. Các khoản như bảng tương tác, máy chiếu, học phí tiếng Anh… thực ra có cần thiết và hiệu quả đến đâu cũng phải nghiên cứu kỹ, không thể tùy tiện vận động. Còn máy tính cho giáo viên thì nên xem là công cụ làm việc của giáo viên, bản thân phải tự trang bị, không nên kêu gọi phụ huynh đóng góp.

Ngoài ra, các khoản học thêm, học hè, học kỹ năng sống, học nhóm… gần như hoàn toàn là nhu cầu riêng, ai cần thì tham gia, trừ một số hoạt động chính thức của nhà trường, nhưng nên lồng ghép vào các hoạt động khác, sử dụng kinh phí của trường, chứ không nên thu thêm. Tức là việc “đẻ ra” khoản thu có yếu tố lợi ích của nhà trường, nên dễ bị phản ứng, nhất là khi các khoản đóng góp lại quá lớn.

Khi việc lạm thu bị phát giác, một số trường học thường đổ cho hội phụ huynh học sinh tự ý vận động, do phụ huynh tự bàn bạc và tự nguyện đóng góp. Đây là cách “đánh bùn sang ao”, đổ vấy trách nhiệm, bởi hầu như chẳng có phụ huynh nào nắm rõ được nhu cầu của nhà trường cần gì, nguồn quỹ ra sao để mà đứng ra vận động giúp, trừ khi có sự gợi ý, ép buộc của ban giám hiệu, của giáo viên.

Trên thực tế, phụ huynh nào cũng muốn con em mình có điều kiện học tập tốt nhất có thể, không ngại đóng góp nếu các khoản đó chính đáng và thực sự cần thiết. Nhưng nhà trường không thể lợi dụng tâm lý đó để bày ra nhiều khoản thu, nhiều hạng mục mang danh nghĩa “xã hội hóa”. Xét cho cùng, nhà trường là nơi dạy và học, không nên và không được là nơi trao đổi, mua bán, kiếm chác, dưới bất cứ hình thức nào. Bản thân giáo viên, nhất là lãnh đạo nhà trường, phải có nhận thức đúng đắn về điều đó.

Để hạn chế tình trạng lạm thu, các địa phương cần có quy định chặt chẽ về nguồn thu và mức thu ở các trường học trên địa bàn vào đầu năm học, đồng thời có kiểm tra, giám sát đặc biệt là giám sát từ các phụ huynh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chính quyền các cấp cần rà soát thực tế về cơ sở vật chất, kinh phí của các trường để mua sắm, bổ sung kịp thời, trên tinh thần bảo đảm điều kiện tốt nhất cho học sinh, tránh vì thiếu thốn mà nhà trường bày ra các hình thức thu sai quy định.

TRỊNH MINH GIANG (quận Thủ Đức, TPHCM)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giam-sat-chat-de-ngan-lam-thu-469595.html