"Giám sát chặt chẽ thì không thể bớt từ 1 tấn nhựa đường còn 800kg"

(HNMO) - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ vừa kiểm tra hiện tượng ăn bớt nguyên vật liệu, nhưng chưa phát hiện ra vấn đề gì lớn, chủ yếu vẫn là liên quan đến tải trọng, chất lượng nhựa cũng như quy trình thực hiện.

Sáng 12-11, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến về “Tiến độ và chất lượng các công trình giao thông trọng điểm”.

Cả nước hiện có 26 công trình, dự án giao thông trọng điểm với tổng kinh phí đầu tư khoảng 576.484 tỷ đồng. Đến nay đã có 7 dự án bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng, 19 công trình đang trong giai đoạn thực hiện, chuẩn bị hoàn thành, khởi công và đầu tư.

Tuy nhiên, trong số đó, nhiều công trình chậm tiến độ, giãn và hoãn tiến độ; nhiều công trình vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ảnh: VGP

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến, đại diện của Bộ GT-VT, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) TP Hà Nội, TCty Xây dựng công trình giao thông 4 chia sẻ những khó khăn, thách thức và đưa ra những giải pháp để đưa tiến độ thi công các công trình về đúng đích, đảm bảo được chất lượng và môi trường.

“Lụt” tiến độ do vướng GPMB

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư và địa phương trong việc phối hợp để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng: “Chính sách GPMB hiện nay của chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện khác nhau trong các vùng miền, chưa bao quát được hết nên việc không chấp nhận, không bằng lòng của người dân xảy ra khá lớn.

Chúng tôi cũng tìm các giải pháp cùng chính quyền địa phương, đặc biệt xung quanh vấn đề đền bù, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ việc làm trên tinh thần bằng hoặc là tốt hơn nơi ở cũ”

Hà Nội có 10 dự án giao thông trọng điểm gặp vướng mắc về GPMB, ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho biết, nhờ sự phối hợp giữa Hà Nội và Bộ GTVT nên công tác giải phóng mặt bằng đạt những tiến độ đáng phấn khởi. Hiện nay, TP đã bàn giao cho chủ đầu tư 3 dự án lớn Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên, nhà ga T2 Sân bay Nội Bài.

Còn 6 công trình đang tổ chức chỉ đạo quyết liệt để khối lượng GPMB chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn rất nhiều điểm, cần tiếp tục tuyên truyền vận động, tổ chức thực hiện trong quá trình tái định cư, những vấn đề xử lý đặc thù trong quá trình tổ chức thực hiện trong công tác GPMB tiếp theo.

Riêng với dự án đường dẫn cầu Nhật Tân lên sân bay Nội Bài hiện nay đã có 415 hộ phải di chuyển mặt bằng. Trong thời gian hết sức ngắn, nhưng nhờ sự chỉ đạo đồng bộ đến giờ phút này, khối lượng GPMB cơ bản đã xong. Đến ngày 12-11, còn 14 hộ dân tuy đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng, chủ yếu là những hộ bị cắt xén diện tích, không phải những hộ được tái định cư và di chuyển chỗ ở.

Tước giấy phép hành nghề tư vấn giám sát “năng lực hạn chế”

Vấn đề giám sát và chất lượng các công trình là nội dung nhận được nhiều câu hỏi của buổi tọa đàm.

Ông Nguyễn Hồng Trường đánh giá đây là vấn đề “rất nghiêm trọng” trong thời gian vừa qua.

“Hiện nay, một số nhà thầu tư vấn giám sát nước ngoài, khi trúng thầu, thì thuê lại các tư vấn giám sát của Việt Nam. Trong quá trình thuê lại, chủ đầu tư cũng đã có rà soát giúp cho các tư vấn giám sát nước ngoài.

Tuy nhiên, một số tư vấn có năng lực hạn chế, chúng tôi cương quyết yêu cầu thay thế. Thậm chí có những tư vấn giám sát chúng tôi đã tước hẳn giấy phép hành nghề và yêu cầu học tập lại, kiểm soát lại thì mới được cấp phép tiếp. Thực tế vừa rồi, Bộ cũng đã phân lại các tổ tư vấn giám sát trong nước.

Đối với tư vấn giám sát nước ngoài, chúng tôi cũng đã yêu cầu trình danh sách tư vấn thuê Việt Nam thông qua tổ chức đánh giá của Việt Nam. Nhờ thế cũng loại trừ được rất nhiều tư vấn giám sát yếu kém và chất lượng công trình đã được nâng lên.

Liên quan đến vấn đề chung, hiện nay Bộ đang phân loại các nhà thầu, phân loại các tư vấn giám sát, kể cả tư vấn thiết kế, để xem xét, đánh giá. Nhà thầu đáp ứng được yêu cầu công trình thì mới được tham gia vào đấu thầu” – ông Trường nói.

Đề cập đến thực trạng hằn lún vết bánh xe xảy ra hết sức nghiêm trọng trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ làm ảnh hưởng đến chất lượng an toàn giao thông hiện nay, ông Trường phân tích nhiều nguyên nhân khách quan như xe vượt tải lớn, chất lượng nhựa đường, mỏ đất, khí hậu…

“Liệu có yếu tố chủ quan tác động từ phía con người, ví dụ một cây số đường phải trải 1 tấn nhựa nhưng người ta chỉ trải 800kg?” – Trả lời câu hỏi này, ông Trường cho rằng “Có đội tư vấn giám sát chịu trách nhiệm khi cốt liệu đưa ra để trải mặt đường thì việc thí nghiệm phải đảm bảo. Tất nhiên, trong quá trình làm, yếu tố chủ quan chỉ rơi vào những tuyến đường mà khâu giám sát thi công có vấn đề. Nếu giám sát chặt chẽ, chắc chắn việc nêu trên không thể xảy ra”.

Hiện nay, Bộ đang tiến hành kiểm tra lại toàn bộ chất lượng công trình qua việc khoan mẫu, đưa phòng thí nghiệm phân tích cốt liệu để có thể phát hiện thiếu hụt. “ Chúng tôi chưa phát hiện ra vấn đề gì lớn, chủ yếu vẫn là liên quan đến tải trọng, chất lượng nhựa cũng như quy trình thực hiện” – ông Trường cho biết thêm.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/638513/giam-sat-chat-che-thi-khong-the-bot-tu-1-tan-nhua-duong-con-800kg