Giảm ngân sách là không công bằng với TPHCM

Trả lời về việc tỷ lệ thu từ ngân sách để lại cho TP HCM dự kiến sẽ bị cắt giảm 5% (từ 23 % xuống 18%) trong kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2017, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP HCM nói rằng: "Điều này là không công bằng với người dân TP HCM".

-Thưa bà, việc cắt giảm tỷ lệ thu ngân sách để tại cho TP HCM nếu được triển khai sẽ có tác động thế nào đến đầu tư phát triển của TP HCM ?

-Đây mới chỉ là dự kiến nêu trong dự thảo phương án phân bổ ngân sách nhà nước năm 2017. Ở đây, cần phải nhìn tổng thể, dài hạn mới thấy cái khó của TP HCM. Thời kỳ ổn định ngân sách trước đây thì tỷ lệ thu ngân sách để lại cho Thành phố là 33%, vừa qua giảm còn 23% và bây giờ còn 18%, theo đề nghị mới nhất của Chính phủ. Việc giảm trong nhiều năm như vậy sẽ làm cho quá trình tái đầu tư của thành phố sẽ bị giảm liên tục.

Tất nhiên việc TP HCM bị ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm, quá tải bệnh viện, quá tải trường học...thì có vấn đề quản lý của TP HCM nhưng cũng có vấn đề là do TP HCM thiếu vốn đầu tư, không đủ nguồn lực đầu tư, khó khăn tích tụ dần. Nay tiếp tục giảm thì Thành phố sẽ còn gặp vô vàn khó khăn, không còn nguồn lực đầu tư.

Tỷ lệ thu ngân sách để lại hiện nay là 23% thì TP HCM mới đáp ứng được 69% nhu cầu đầu tư thôi. Nay cắt giảm thì tỷ lệ đầu tư được ấp ứng chỉ được gần 40% thôi. Tích lũy khó khăn từ nhiều năm nay sẽ dồn nén lại. Sẽ tiếp tục tình trạng quá tải, tác động trở lại, làm giảm tăng trưởng của Thành phố, e rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 8-8,5% năm sau sẽ khó đạt được.

-Bà có cho rằng, giảm tỷ lệ để lại nguồn thu ngân sách cho TP HCM có thể tác động đến cả tăng trưởng kinh tế của cả nước không?

-Nếu cố gắng hết sức, nhưng với tỷ lệ cắt giảm mạnh như vậy, theo tính toán của lãnh đạo TP và các chuyên gia kinh tế thì trong giai đoạn 5 năm tới, mức tăng trưởng GDP của TP HCM cũng chỉ đạt đến 7,49% là tối đa. Như vậy, cứ 1% GDP của thành phố giảm đi thì nó cũng tác động trực tiếp đến GDP quốc gia. Nên chúng tôi đặt vấn đề không chỉ là đầu tư cho TP HCM mà là vì tăng trưởng của cả nước. TP HCM đóng góp 30% GDP của cả nước và hoảng 30% thu ngân sách nữa. Chúng tôi lo lắng chính về điều đó.

-Trước đây, Bộ Chính trị còn có Nghị quyết số 16 cho phép tăng tỷ lệ đầu tư cho TP HCM bắt đầu tư 2105, vì sao TP không căn cứ vào điều này để nêu kiến nghị ?

-Chúng tôi hiểu là trong tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay thì tăng cũng khó khăn. Chúng tôi không đòi hỏi như vậy để chia sẻ khó khăn chung của cả nước nhưng giảm một lúc như vậy thì nền kinh tế Thành phố không chịu nổi; các khoản chi an sinh xã hội không đảm bảo được thì điều đó không công bằng cho người dân thành phố khi họ đang dốc sức sản xuất, kinh doanh, đóng thuế cho sự phát triển chung. Nên chúng tôi mong Chính phủ chia sẻ với TP HCM về điều này.

-Cách đây mấy tháng thì Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cũng đã có những ý kiến về kêu gọi cơ chế đầu tư đặc thù để TP HCM thực sự là "đầu tàu" tăng trưởng kinh tế. Nhưng nếu dự kiến cắt giảm này được thông qua thì có thể thấy, đề xuất trên mới chỉ dừng lại ở ý tưởng thôi?

-Tôi nghĩ là mỗi khi TP HCM có khó khăn thì Chính phủ vẫn luôn quan tâm, bàn bạc. Ở đây, việc cắt giảm tỷ lệ ngân sách để lại cho TP, tôi nghĩ là do Chính phủ cho rằng, TP HCM phải chia sẻ khó khăn chung của cả nước. Vấn đề là sự chia sẻ đó phải hợp lý. Và trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, Chính phủ cũng hướng tới các cơ chế mở cho TP, tạo dư địa cho TP phát triển nhưng có những đề nghị của TP thì Chính phủ vẫn xem xét. Chỉ có điều, việc cắt giảm này phải được xem xét kỹ.

-Nhưng cũng có thể nói là TP HCM còn rất nhiều nguồn lực đầu tư từ khối doanh nghiệp, từ nguồn kiều hối vẫn tập trung lớn nhất. Nếu biết khai thông cơ chế thì vẫn có nguồn lực đầu tư, phát triển mà việc cắt giảm 5% tỷ lệ thu ngân sách không phải là vấn đề quá lớn?

-Ngân sách TP HCM trước nay vẫn đáp ứng chừng trên 50% nhu cầu đầu tư. Chúng tôi vẫn làm hết sức để thu hút các nguồn vốn đầu tư. Nhưng dù sao, đầu tư vào nhiều lĩnh vực vẫn phải có những nguồn vốn đầu tư là vốn đối ứng từ ngân sách. Có những lĩnh vực phải đầu tư từ ngân sách. Chứ TP HCM trước nay vẫn làm rất tốt việc huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế. Cứ một đồng vốn ngân sách, TP thu hút được 13 đồng vốn bên ngoài. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể cần vốn ngân sách nhà nước mà vẫn rất cần.

Dân trí

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161025/giam-ngan-sach-la-khong-cong-bang-voi-tphcm.aspx