Giảm lãi suất, Vietcombank "mất" 1.550 tỷ đồng lãi

Sau hai đợt giảm lãi suất kể từ đầu tháng 4/2012 đến nay, lợi nhuận của Vietcombank đã giảm khoảng 1.550 tỷ đồng. Quan điểm của Vietcombank là giảm lãi suất, giảm lợi nhuận chứ không giảm tiêu chuẩn tín dụng.

-

Doanh nghiệp phục hồi, ngân hàng mới khỏe

Đây là thông tin được ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây. Theo ông Thanh, giảm lãi suất đồng nghĩa với việc ngân hàng giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng đã xác định đây là việc cần làm để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bởi doanh nghiệp có phục hồi sản xuất – kinh doanh thì khi đó ngân hàng mới “khỏe” theo.

Được biết, năm 2012, Vietcombank đã tiến hành 2 đợt giảm lãi suất. Đợt 1 vào đầu tháng 4/2012, Vietcombank đã giảm khoảng 750 tỷ đồng tiền lãi phải thu. Đợt 2, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN đưa lãi suất về 15%/năm, Vietcombank đã đưa ra nhiều gói tín dụng - sản phẩm chỉ ở mức 12 - 13%/năm, thậm chí có một số trường hợp là 10 - 11%/năm. Tính tổng cả hai đợt, lợi nhuận của Vietcombank giảm khoảng 1550 tỷ đồng. Đây là một con số tương đối lớn, tuy nhiên, Vietcombank dự dịnh sẽ tiết giảm một số lĩnh vực, đồng thời đẩy mạnh phát triển nhiều hoạt động để bù đắp mức giảm trên.

Các chính sách lãi suất mà Vietcombank đưa ra đều thấp hơn so với các ngân hàng khác. Mục tiêu chung là để vừa có được khách hàng mới vừa tạo điều kiện giúp khách hàng cũ giảm bớt khó khăn. Đây là quan điểm xuyên suốt của Vietcombank trong nửa đầu năm 2012.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ phải tập trung vốn cho những đối tượng ưu tiên là nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ… lượng vốn Vietcombank dành cho nhóm đối tượng này tương đối lớn. Cụ thể, đối với đồng Việt Nam dành gần 50% dư nợ cho vay, còn lãi suất ngoại tệ giảm ở mức thấp.

Hỗ trợ nhưng không hạ chuẩn

Tuy nhiên, ông Thanh cũng khẳng định quan điểm của Vietcombank là giảm lãi suất chứ không giảm tiêu chuẩn tín dụng. Ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt.

Doanh nghiệp nào còn có khả năng phục hồi thì được xem xét. Còn khả năng ở đây nghĩa là doanh nghiệp đó chỉ gặp khó khăn về thị trường, về đầu ra của sản phẩm và nguồn trả nợ. Doanh nghiệp còn hàng tồn kho, sản phẩm vẫn tiêu thụ được thì cũng sẽ được giãn nợ để có thời gian giải quyết nguồn hàng, chứ không bị ép phải bán hàng bằng mọi giá, phải chịu lỗ nặng để có tiền trả nợ ngân hàng. Đối với doanh nghiệp không đáp ứng được chuẩn tín dụng thì sự can thiệp là không thể và không đem lại lợi ích.

Thời gian qua, Vietcombank đã triển khai một số chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi như cho vay tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân (giải ngân 2.204 tỷ đồng); cho vay ngoại tệ ngắn hạn ưu đãi (giải ngân 330 triệu USD); cho vay VND ngắn hạn ưu đãi gói 9.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp (đã giải ngân trên 5.400 tỷ) và gói 2.000 tỷ đồng cho bán lẻ; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 26.950 tỷ đồng; cho vay cá thể đạt 23.440 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 12,6%), tăng 13% so với năm 2011. Như vậy, tổng số vốn cho vay với lãi suất ưu đãi đã lên đến gần 70.500 tỷ đồng.

Linh Linh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/kinh-te/tai-chinh-ckhoan/25_307563/giam_lai_suat_vietcombank_quot_mat_quot_1_550_ty_dong_lai.html