Giảm lãi suất vẫn khó kích tín dụng

Cuối tuần qua, một số NH tuyên bố sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Đây là một tín hiệu khởi sắc đối với doanh nghiệp (DN), tuy nhiên các NH chỉ mới cam kết giảm lãi suất hết năm 2016.

Giảm từ 1-1,5%/năm có hút được khách vay?

Vietcombank cho biết kể từ ngày 15-10 sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các DN khởi nghiệp. Cụ thể, với DN trong 5 lĩnh vực ưu tiên, tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm; các khoản cho vay ngắn hạn mới sẽ được áp dụng lãi suất tối đa 6%/năm.

Trên lý thuyết, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế. Nhưng xét trong bối cảnh hiện nay, tăng tín dụng mạnh lại có thể gây áp lực đẩy lạm phát vượt mức 5%.

Điều này cũng được áp dụng cho các DN khởi nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm. Ngoài ra, đối với DN sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank, sẽ được xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn.

LienVietPostBank cũng thông báo kể từ ngày 15-10 điều chỉnh hạ lãi suất cho vay với mức giảm từ 1%/năm đến 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các DNNVV. BIDV cũng vừa thông báo mở rộng triển khai gói tín dụng cho vay sản xuất kinh doanh đến ngày 31-1-2017 với tổng quy mô lên đến 15.000 tỷ đồng, lãi suất vay vốn chỉ từ 6,6%/năm đối với các khoản vay dưới 6 tháng và từ 7%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 11 tháng. Song song đó, cá nhân vay mới tại HDBank cũng sẽ được giảm lãi suất tối đa từ mức lãi suất hiện hành 11,5%/nămxuống 10,5%/năm. Đối với DN, HDBank cho biết từ nay đến hết năm 2016 còn hơn 10.000 tỷ đồng nguồn vốn khả dụng cho các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất dành cho các DN mới và hiện hữu với lãi suất cho vay ưu đãi ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm, lãi suất cho vay ưu đãi trung, dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20-9 huy động vốn tăng 12,02%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ mới tăng 10,46%. Vốn huy động đang cao hơn vốn cho vay, như vậy tăng trưởng tín dụng còn cách mục tiêu đề ra khá xa 18-20%, đồng nghĩa những tháng còn lại tín dụng phải tăng 2-3%/tháng.

Nhu cầu tín dụng thường tăng cao vào quý IV hàng năm, tuy nhiên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế diễn biến như thế nào cũng khó lường trước được. Trong quý III-2016, tổng cung đã tăng mạnh trong khi tổng cầu có mức cải thiện thấp hơn, 9 tháng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) tăng 7,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 9,1% cùng kỳ năm 2015. Vài năm gần đây, nhiều DN cũng sẵn sàng không mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cao, các DN lớn có điều kiện tối ưu hóa lãi vay bằng cách vay nợ nước ngoài. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng là yếu tố chính đóng góp lợi nhuận cho các NH, do đó giảm lãi suất được xem là giải pháp tối ưu để kích thích nhu cầu vay vốn sản xuất của DN lẫn nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân trong thời điểm này. Dù lãi suất cho vay thấp hơn nhưng bù lại vốn vay sẽ tăng lên.

Giao dịch tại HDBank. Ảnh: LONG THANH

Chưa thể giảm dài hạn

Một chuyên gia tài chính dự báo sau đợt giảm lãi suất lần này sẽ có thêm một số NH tham gia, nhưng cũng chưa thể nói mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm trên toàn hệ thống và có sự điều chỉnh trong dài hạn. Vietcombank được nhắc đến nhiều nhất trong đợt giảm lãi suất này, nhưng NH này cũng cho biết việc giảm lãi suất chỉ thực hiện đến hết năm 2016, sang năm 2017 sẽ căn cứ theo tình hình kinh tế vĩ mô cũng như chính sách điều hành tín dụng của NHNN để có phương án cụ thể.

Trong thời điểm hiện tại, có thể thấy Vietcombank có điều kiện giảm lãi suất khá sâu vì áp lực kinh doanh của NH này hiện nay không còn lớn. 9 tháng năm 2016 lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 6.200 tỷ đồng, tương đương 82,7% kế hoạch cả năm. Lãnh đạo NH này ước tính đợt giảm lãi suất lần này có thể làm giảm 100 tỷ đồng thu nhập từ lãi, do đó sẽ tiết giảm chi phí để giữ vững mục tiêu lợi nhuận. Đây là điều không phải NH nào cũng đủ sức khỏe để chấp nhận được.

Hiện vẫn còn khá nhiều NH, kể cả NH lớn, vẫn còn đang đứng trước áp lực hoàn thành lợi nhuận đề ra trong bối cảnh phải trích lập dự phòng xử lý nợ xấu theo quy định. Tại nhiều NH, lãi suất chỉ đang giảm theo các chương trình, các gói tín dụng ưu đãi, áp dụng cho một số đối tượng khách hàng để kích cầu tín dụng cuối năm. Hết năm 2016, các ưu đãi này hầu hết sẽ kết thúc. Đó là chưa kể sau thời gian ưu đãi, lãi suất vay theo các gói sẽ được điều chỉnh tăng thêm 3-4%/năm.

Hiện NHNN đã yêu cầu các NHTM kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản và dự án BOT, BT giao thông, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, cấp tín dụng với khách hàng có dư nợ lớn. Điều này sẽ giúp tín dụng đi vào 5 lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, chương trình giảm lãi suất lần này của các NH cũng hướng đến khu vực DN sản xuất kinh doanh. Vấn đề còn lại là sức hấp thụ vốn của khu vực này đến đâu, bởi DN có hấp thụ được mới thúc đẩy được tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

THIÊN MINH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161015/giam-lai-suat-van-kho-kich-tin-dung.aspx