Giấm gỗ thay thế an toàn cho nhiều loại thuốc hóa học bảo vệ thực vật

Dù không có tác dụng nhanh chóng như các loại thuốc hóa học, nhưng giấm gỗ có tác dụng lâu dài và không gây tác hại tiêu cực cho môi trường...

Ngày 18.8, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức báo cáo chuyên đề với nội dung: “Xu hướng sản xuất và ứng dụng thảo mộc trong nông nghiệp hữu cơ. Giấm gỗ - sản phẩm mới của Việt Nam”.

Tại buổi báo cáo, chế phẩm giấm gỗ do Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới (TARCC) và Công ty CP Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định (BIFFA) hợp tác nghiên cứu, sản xuất đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu.

Ông Võ Tuấn Toàn, Giám đốc BIFFA và sản phẩm giấm gỗ của công ty.

Giấm gỗ là sản phẩm phụ thu được trong quá trình nhiệt phân yếm khí gỗ, có chứa nhiều hợp chất hữu cơ như các loại cồn, ester, axit, phenol, aldehyd. Trong đó, thành phần có nhiều nhất là axit axetic chiếm khoảng 3-5%.

Theo chuyên gia Vũ Thị Quyền từ Trung tâm TARCC, nếu sử dụng đúng liều lượng giấm gỗ giúp kích thích nảy mầm, hỗ trợ rễ phát triển. Nếu ở nồng độ cao, giấm gỗ lại có tác dụng ức chế nảy mầm giúp hạn chế sự phát triển của cỏ dại.

Giấm gỗ còn là sự thay thế an toàn cho nhiều loại thuốc hóa học bảo vệ thực vật đang được sử dụng. Dù không có tác dụng nhanh chóng như các loại thuốc hóa học, nhưng giấm gỗ có tác dụng lâu dài hơn và quan trọng nhất là không gây ra các tác hại tiêu cực cho môi trường.

Hiện tại, sản phẩm giấm gỗ "made in Vietnam" của công ty BIFFA và Trung tâm TARCC đã được thử nghiệm tại nhiều đơn vị trong nước như Trung tâm Nghiên cứu và dịch vụ sinh vật cảnh TP.HCM, nhiều HTX tại Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang...

Sau 2 tuần thử nghiệm, giấm gỗ không chỉ làm giảm rõ rệt tình trạng bệnh sương mai trên mướp đắng mà còn giúp cây ra nhiều quả với chất lượng đồng đều. Thử nghiệm trên các giống cây khác như rau muống, dền tiều, thanh long... cũng cho kết quả tích cực. Ngoài ra, giấm gỗ còn làm sạch môi trường, ngăn chặn dịch bệnh.

Ông Võ Tuấn Toàn, Giám đốc BIFFA cho biết công ty và Trung tâm TARCC đang tiếp tục thử nghiệm sản phẩm để đánh giá hiệu quả và xác định nồng độ phù hợp trên các loại giống cây trồng khác trước khi thương mại hóa sản phẩm.

Ông Võ Tuấn Toàn chụp ảnh cùng chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng

Phát biểu tại sự kiện, Giáo sư - Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng đánh giá cao giá trị của giấm gỗ. Đồng thời, GS Hùng đề nghị nhà sản xuất nên nâng cao giá trị của sản phẩm bằng cách hướng tới sử dụng trên những giống cây trồng có giá trị cao.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng công dụng làm sạch môi trường, xua đuổi các loại côn trùng, sinh vật có hại của sản phẩm phù hợp với nhu cầu của phần lớn người dân hiện nay. Bởi vậy, nếu được thương mại hóa, sản phẩm sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân cũng như cộng đồng.

Trên thế giới đã có nhiều quốc gia đã nghiên cứu về các ứng dụng của giấm gỗ, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu với số lượng sáng chế được công bố chiếm đến 51,55% sáng chế toàn thế giới. Chính phủ nước này cũng đã dùng giấm gỗ như một trong những biện pháp giải quyết vấn đề môi trường sau trận sóng thần năm 2011.

Phạm Sơn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/giam-go-thay-the-an-toan-cho-nhieu-loai-thuoc-hoa-hoc-bao-ve-thuc-vat-c7a560562.html