Giám đốc công ty văn hóa Thái Hoàng-nhà thơ Thái Ngọc Hoàng Thương:“Điên điên” nhưng phải kiếm ra tiền

Thái Ngọc Hoàng Thương

Thái Ngọc Hoàng Thương 35 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người phụ nữ khi khởi sự làm những việc quan trọng nhất cuộc đời. Buổi cắt băng khai trương Công ty văn hóa Thái Hoàng, Giám đốc Thái Ngọc Hoàng Thương bỗng rớm nước mắt khi nhìn thấy ba mẹ. Đôi mắt đẹp nhòa lệ khiến khuôn mặt chị càng đẹp hơn, cái đẹp kiêu sa lại pha chút lãng du của kẻ có chút máu điên điên, to gan sứa, dám đem thơ so sánh với Trời. Thái Thị Hoàng Thương là cháu nội của nhà văn hóa dân gian Thái Kim Đỉnh nên có chút máu văn chương. Sinh ra và trưởng thành ở mảnh đất Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt, nơi mà sỏi đá bị thơ mài mòn, tất cả đã nhuộm thắm tâm hồn Hoàng Thương. Tốt nghiệp đại học báo chí, theo cái nghề chữ nghĩa nhưng niềm đam mê thơ đã không để Hoàng Thương yên ả. Đàn bà mà mê mẩn thơ văn thì rõ là số khổ, đọc một câu thơ hay như được bay lên mây, làm một câu thơ về nhân tình thế thái thấy nhòa nước mắt. Có những đêm vật vã không sao ngủ được vì một tứ thơ mới he hé bên hè. Và chị đã làm ra hơn 400 bài thơ, trong vật vã như thế. Mỗi câu thơ là một nỗi niềm, là ghi nhận sự thăng hoa phát tiết, cả một chút điên điên. Hoàng Thương thích sống mặn mà, ghét sự hời hợt, âm âm u u, giả giả thật thật. Tập thơ Tim Yêu là thi phẩm đầu tiên của chị được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2008, trong đó có lời yêu thương và cả tiếng gào thét xé lòng. Đời người là vậy đó, là cười, là khóc, là những tiếng tru điên dại vì tình, vì đủ các loại tình trên cõi nhân gian. Xin hãy đọc vài câu chị viết: “Sao đàn ông vô tình thế hả anh/ Họ lỡ quên những gì họ nói/ Hay đàn bà như em thật khờ dại/ Tin vội vàng những lời nói đàn ông”. Sự dại dại khôn khôn đó thật đáng yêu, nó hiển hiện ngay trên mờ môi mọng đỏ của Hoàng Thương, mà trên đó hờ hững cái sự tình. Công ty văn hóa Thái Hoàng ra đời, theo Hoàng Thương là bắt đầu từ một ý tưởng như vậy. Mỗi bức tranh đẹp được in vào 4 câu thơ, thơ của chính giám đốc công ty, thơ của những nhà thơ nổi tiếng nước ngoài. Và chính ý tưởng này đã kiếm ra tiền từ thơ, một bài thơ có giá mấy trăm nghìn. Viết thơ lên những bức tranh đẹp để bán, thực tình mà nói chẳng điên điên chút nào. Cái sự điên ấy như quả bóng bay vô định mà cũng thật cụ thể đến nhường nào, điên để làm ra tiền, thật tuyệt. Còn gì sang hơn khi trên một bức tranh đẹp lại có những câu thơ đẹp, giống như một cô gái chân dài mặc chiếc áo dài thướt tha phơi đường cong trước gió xuân. Một bức tranh đẹp lại cõng một bài thơ trên lưng, một cảnh lên tiên đấy chứ! Tuy nhiên, cái khó lại chính ở chỗ đó, vấn đề là phải tìm được bài thơ đẹp phù hợp với bức tranh, chuyện chẳng dễ dàng. Thái Ngọc Hoàng Thương đã tính hết những khó khăn khi “to gan” gép hai thứ cụ thể và trừu tượng vào với nhau thành duyên mới tuyệt. Nói đến người đàn bà đẹp Thái Ngọc Hoàng Thương thì không thể không nói đến một việc, đó là cặm cụi suốt 3 năm trời ngồi chắt lọc ra 365 câu răn đời của Khổng Tử. Việc này có thể ví như một con ong chăm chỉ cặm cụi tìm mật cho đời, hôm khai trương Công ty quan khách rất thích thú khi được đọc lời dạy của Khổng Tử trên những bức tranh. Hoàng Thương cho biết, chị làm việc này trước hết là để tự răn mình, sau đó in ra tặng bạn bè cùng đọc và suy ngẫm. Rất nhiều người đến tham dự buổi khai trương Công ty, trong đó có tôi, ai cũng cảm thấy thú vị khi được Hoàng Thương tặng những lời dạy của Khổng Tử được in trạng trọng trong cuốn giới thiệu về Công ty Thái Hoàng. Hạnh phúc rạng rỡ hiện trên khuôn mặt Hoàng Thương trong ngày trọng đại đời mình, sau bao ngày “quặn đau thai nghén” chị đã “đẻ” ra một công ty của riêng mình. Sự “đẻ” này khác với lần vượt cạn sinh con từ thời đôi mươi tuổi. Với bầu sữa căng đầy chị đã nuôi cô con gái cao ngang đầu mẹ, và bây giờ là trợ thủ cho mẹ. Thời buổi này “đẻ” ra một công ty không khó nhưng nuôi dưỡng để công ty phát triển là cả một vấn đề, một công việc không dành cho người yếu tim. Không chỉ có đôi mắt đẹp mà còn một ngọn lửa đời đang cháy trong tim Thái Ngọc Hoàng Thương. Phía trước là một con đường rộng mở nhưng không chỉ có những cánh hoa hồng, thời buổi “bạc tiền không thể đùa với thơ văn”. Tuy nhiên, nhìn thấy Hoàng Thương, nói chuyện với Hoàng Thương, cảm nhận từ Hoàng Thương thì tôi tin rằng đời sẽ đền đáp cho chị trên con đường tiến vào thương trường bằng cái tâm trong sáng. Lê Tự

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=18921&menu=1434&style=1