Giám đốc ADB Việt Nam: ‘Lãi suất khó hạ trong năm 2011’

Nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ông Ayumi Konishi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ và duy trì mức lạm phát thấp trong vòng 12 - 18 tháng. Do đó, lãi suất ngân hàng sẽ khó có khả năng hạ trong năm nay.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi vừa có cuộc trao đổi với VnExpress.net bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2011. - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp năm nay, có nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những giải pháp dài hạn hơn để xử lý những bất ổn vĩ mô, đặc biệt là vấn đề lạm phát. Ông nghĩ sao về những đề xuất này? - Không chỉ ở Việt Nam mà bất cứ đâu khác trên thế giới, người ta đều đang phải nghĩ tới việc cải tổ cơ cấu nền kinh tế. Tại sao lại vậy? Chúng ta có vấn đề vào năm 2008. Sau khi phục hồi được một chút vào 2009 thì nguy cơ khủng hoảng gần đây lại xuất hiện. Nguyên nhân chủ yếu là những bất ổn cơ bản của nền kinh tế không được giải quyết. Tại Việt Nam cũng vậy, tôi nghĩ các nhà lãnh đạo cũng đã bắt đầu nhận thức điều này và sự thay đổi phần nào được thể hiện trong Chiến lược phát triển 2011 - 2020 được Đại hội Đảng XI đề ra, trong đó tập trung vào cải thiện năng suất của nền kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các bạn sẽ cần thêm một số giải pháp cụ thể hơn ở tầm trung hạn, trong giai đoạn từ nay đến 2015. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thực hiện tốt các giải pháp tức thời đã được đề ra tại Nghị quyết 11 của Chính phủ, trong đó, tập trung vào thắt chặt tiền tệ và giảm đầu tư công… - Tuy nhiên, mặt trái của việc thắt chặt tiền tệ là đưa mặt bằng lãi suất hiện nay lên cao, gây khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp, ông nghĩ sao? - Tôi nghĩ trong ngắn hạn, lãi suất tại ngân hàng có xu hướng đi lên vì lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức cao. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn cần tiếp tục được thắt chặt. Chúng tôi rất hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong điều kiện lãi suất cao. Tuy nhiên, cần thấy rằng mục tiêu tối thượng hiện nay là kiềm chế lạm phát. Khi các điều kiện vĩ mô ổn định hơn, tôi cho rằng lãi suất mới có điều kiện hạ. Về lý thuyết thì lãi suất chỉ có thể hạ khi lạm phát xuống thấp. Tuy nhiên, ở Việt Nam có một vấn đề là lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế là rất cao. Nếu muốn ổn định, mức độ lạm phát thấp phải được duy trì trong ít nhất là 12 - 18 tháng. Do đó, tôi cho rằng các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị bởi chu kỳ lãi suất cao rất có thể sẽ kéo dài thêm một khoảng thời gian nữa. - Vậy ông nhận định, khi nào mặt bằng lãi suất có khả năng đi xuống? - Việt Nam đã có bài học từ cuối năm 2010, khi chính sách tiền tệ được nới lỏng sớm, lãi suất hạ thì lạm phát lại tăng cao. Điều này không nên lặp lại trong năm nay. Bản thân ADB đánh giá rất cao quyết tâm của Chính phủ tại Nghị quyết 11 và thực tế những giải pháp đề ra đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần thêm thời gian. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì lạm phát của Việt Nam vẫn sẽ ở mức cao cho đến tháng 8. Lạm phát tính theo năm (year-on-year) khi đó khoảng 20%. Do đó, nếu thực sự muốn kiềm chế lạm phát, lãi suất khó có thể hạ trong những tháng cuối năm 2011. - Ông nghĩ thế nào về ý tưởng cho rằng việc thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất là cơ hội để Việt Nam đào thải những doanh nghiệp yếu kém, góp phần tái cấu trúc nền kinh tế? - Ý tưởng này đã được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp năm nay. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Khi tái cấu trúc nền kinh tế, yếu tố năng suất và sử dụng vốn hiệu quả cần được đề cao. Trong điều kiện tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, các doanh nghiệp yếu kém, sử dụng vốn kém hiệu quả sẽ càng gặp khó khăn. Nếu họ không thay đổi thì tất yếu sẽ bị đào thải. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho một thế hệ doanh nghiệp mới, gọn nhẹ hơn, hiệu quả hơn ra đời. Nhật Minh

Nguồn VnExpress: http://ebank.vnexpress.net/gl/ebank/thi-truong/2011/05/giam-doc-adb-viet-nam-lai-suat-kho-ha-trong-nam-2011/