Giảm dần áp lực tăng lãi suất

Mặc dù vẫn còn có thời điểm một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động, nhưng xét trên bình diện chung, hệ thống ngân hàng vẫn giữ được sự ổn định cần thiết cho lãi suất, giúp hỗ trợ tốt cho nền kinh tế.

Lãi suất hiện nay của Việt Nam đang ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô. Ảnh: ST.

Ổn định

Nếu so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm, thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.

Trong thời gian gần đây, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng cục bộ khoảng 0,1-0,3% tùy kỳ hạn, theo đó, nâng mức lãi suất tiền gửi cao nhất cho kỳ hạn 18 tháng lên tới 8,2%/năm. Tuy nhiên, diễn biến tăng này chỉ xảy ra tại các ngân hàng nhỏ. Nếu xét chung cả hệ thống, mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều thay đổi so với đầu năm.

Nói về nguyên nhân tăng lãi suất huy động cục bộ tại một số ngân hàng, chuyên gia của Công ty TNHH MTV Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, các ngân hàng này có mục đích tăng vốn và đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của NHNN. Bên cạnh đó là áp lực từ việc thiếu hụt thanh khoản do lãi suất liên ngân hàng luôn được giữ ở mức cao khiến các ngân hàng này gặp khó khăn với việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng.

Hơn nữa, trong 4 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng tốt hơn cùng kỳ (tính đến ngày 20/4/2017, tín dụng trong nền kinh tế đã tăng 4,86% so với tháng 12/2016, đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây (cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 2,99%), trong khi tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 3,39% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 4,01%) tạo thành độ chênh lệch khiến nhu cầu huy động tại một số ngân hàng tăng lên.

Nhận định về tình hình lãi suất thời gian gần đây, tại Hội nghị Thủ tướng với DN ngày 17/5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh (chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011), phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, khách hàng vay và tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, theo lý giải của Thống đốc NHNN, lãi suất cho vay của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc thấp là vì lạm phát của các nước này được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch kinh doanh của DN cao; nguồn vốn không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều nguyên nhân không thuận lợi ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất như: Nợ xấu, sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá cao... Tuy nhiên, nếu so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm, thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.

Giảm áp lực

Trong một chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.Hà Nội cho hay, không chỉ DN mà ngân hàng cũng mong muốn hạ lãi suất. Do đó, Thống đốc NHNN đã kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, nhưng không phải theo cách áp đặt bằng biện pháp hành chính mà phải căn cứ vào vốn, khả năng tiết giảm chi phí, xử lý nợ xấu… của mỗi ngân hàng để phấn đấu giảm lãi suất.

Những giải pháp nêu trên nhằm thực hiện theo lời kêu gọi của Chính phủ để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã giao NHNN thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm, không để dồn lại những tháng cuối năm.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành MarketIntello, thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, lạm phát cả năm dự báo sẽ đạt mức khoảng 3,8%. Khả năng tăng giá điện có thể đẩy lạm phát lên cao từ quý III, nhưng mức cầu nội địa yếu sẽ giúp lạm phát được kiềm chế trong mục tiêu của Quốc hội. Hơn nữa, diễn biến ổn định của tỷ giá thời gian qua cho thấy khả năng NHNN đã và sẽ trở lại mua vào ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối. Với việc mua vào ngoại tệ, tương tự như trong năm 2016, NHNN sẽ cùng lúc bơm VND ra thị trường, khiến VND không bị mất giá và giúp hạ nhiệt lãi suất.

Với những nguyên nhân này, theo ông Đinh Tuấn Minh, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 0,5 điểm % so với năm 2016 tùy từng kỳ hạn. Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn sẽ giảm xuống mức 4,5% ở kỳ hạn 3 tháng và khoảng 6,3% ở kỳ hạn 12 tháng nhờ tác động kiểm soát lạm phát từ NHNN và Chính phủ.

Đồng quan điểm, báo cáo của VCBS cũng cho rằng, NHNN vẫn còn dư địa để điều tiết thị trường và đảm bảo định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh thị trường ngoại hối dần bình ổn trở lại sau lần tăng lãi suất gần nhất của FED vào tháng 3, mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ tương đối ổn định và ít biến động trong quý II. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2017, rủi ro từ tỷ giá nhiều khả năng nóng trở lại và sức ép lên lãi suất sẽ lớn dần trong nửa cuối năm.

Mặc dù nhận định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn 2016, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ ổn định nếu đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, cần giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý: Với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng 2-4%, hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7% vẫn đảm bảo có lợi cho VND. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND khoảng 5,2%, lợi ích nghiêng về vay bằng VND.

Mặc dù còn nhiều dự báo về áp lực lên lãi suất, nhưng thực tế cho thấy, diễn biến tiền tệ những tháng đầu năm 2017 đã ổn định, hài hòa hơn rất nhiều. Điều này có được là nhờ vào những quyết sách, quyết tâm của Chính phủ và NHNN thời gian qua. Chính vì thế, những nỗ lực này cần được đẩy mạnh hơn nữa, để kết quả không chỉ dừng lại ở mức độ “phấn đấu”, mà phải giảm thực chất để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/giam-dan-ap-luc-tang-lai-suat.aspx