Giải thưởng Tôn Đức Thắng - Tôn vinh 12 cá nhân xuất sắc

(SGGP).- Tối 18-8, tại Nhà hát Bến Thành UBND TPHCM, LĐLĐ TP và Báo SGGP đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ X năm 2010. Đến dự có các đồng chí: Huỳnh Thị Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; đại diện lãnh đạo LĐLĐ TPHCM, Ban Biên tập Báo SGGP cùng trên 700 CNLĐ tiêu biểu trên địa bàn TPHCM.

12 cá nhân xuất sắc Nguyễn Quốc Việt, Quản đốc Nhà máy ABS, Công ty cổ phần TICO thuộc Tổng Công ty Liksin. Nguyễn Hữu Tư Nghĩa, thợ kim hoàn, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Bến Thành thuộc Tổng Công ty Bến Thành. Nguyễn Thành Đạt, Trung tâm Kỹ Thuật Cơ điện, Công ty In nhãn hàng An Lạc thuộc Tổng Công ty Liksin. Nguyễn Văn Đắng, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn. Nguyễn Đức Hòa, Phòng Kỹ thuật Cơ điện lạnh, Đài Truyền hình TPHCM. Lê Vĩnh Thái, Giám đốc Kỹ thuật, Công ty Liên doanh Khách sạn Saigon Riverside thuộc Tổng Công ty Bến Thành. Trương Hữu Thành, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền Tải điện 4. Lê Hữu Minh, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Mê Kông. Hà Thị Cẩm Thu, nhân viên Phòng Kỹ thuật, Công ty cổ phần May da Xuất khẩu 30/4. Nguyễn Tiến Dũng, Phó phòng Kỹ thuật, Công ty cổ phần Bao bì Sài Gòn thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn. Trương Sử Duy Dũng, Tổ trưởng tổ Cơ điện, Công ty cổ phần Dược phẩm Đông dược 5. Đặng Quế Hùng, Trưởng Xưởng đóng mới xe chuyên dùng, Xí nghiệp Cơ khí ô tô An Lạc thuộc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco). Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Huỳnh Thị Nhân đánh giá cao tinh thần lao động cần cù, miệt mài sáng tạo, không ngừng nâng cao trình độ, tiếp cận đỉnh cao khoa học kỹ thuật của những cá nhân đoạt giải. Đồng chí nhấn mạnh: “Trong 5 năm tới, TPHCM sẽ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Do đó, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển TP, LĐLĐ TP cần tiếp tục phát động nhiều phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát hiện và nhân rộng nhiều điển hình, tạo điều kiện cho công nhân học tập, nâng cao tay nghề, trình độ, bản lĩnh chính trị. LĐLĐ TP và Báo SGGP cần mở rộng nguồn đề cử giải thưởng Tôn Đức Thắng để kịp thời phát hiện, tuyên dương và bồi dưỡng ngày càng nhiều những tấm gương điển hình trong lao động, sáng tạo”. Ban Tổ chức đã trao kỷ niệm chương và phần thưởng trị giá 20 triệu đồng/người cho 12 cá nhân có thành tích xuất sắc. Mai Hương Những người thợ đam mê sáng tạo Như một lời tâm sự, “nhà khoa học nghiệp dư” Lê Hữu Minh chia sẻ: “Trình độ như thế nào chưa hẳn quan trọng. Quan trọng hơn cả là phải có đam mê sáng tạo, ham học hỏi, quyết tâm và có “máu” mạo hiểm. Điều đó mới quyết định thành công hay thất bại”. Đó cũng là tâm sự của những người thợ tham dự giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ X năm 2010. Nguyễn Tiến Dũng - Tận tâm với nghề Năm 2003, theo chủ trương chung của UBND TPHCM, Công ty CP Bao bì Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn) phải dời từ quận 5 về KCN Tân Bình. Điều làm đau đầu ban giám đốc và những thành viên trong công ty là làm thế nào tháo dỡ chiếc máy in ống đồng 7 màu và máy tráng màng của Nhật Bản, bởi mặt bằng nhà xưởng nhỏ hẹp, máy lại cồng kềnh nên không thể di chuyển bằng các phương tiện cơ giới. Nhiều công ty chuyên về ngành in bao bì đã được mời đến khảo sát và thực hiện di dời máy với kinh phí là 35.000 USD nhưng thấy quá khó nên cũng từ chối. Tuy chỉ là một người thợ ở tổ cơ điện nhưng ông Nguyễn Tiến Dũng đã mạnh dạn đứng ra đảm nhận trọng trách. Ông nhớ lại: “Cái khó là mình không trực tiếp lắp ráp, lại không có giấy tờ, bản vẽ gì thì biết đường nào mà tháo ra. Sau khi xem xét, bóc tách từng lớp đất bên dưới thì chúng tôi cũng tìm thấy được chân máy. Qua nhiều ngày nghiên cứu, anh em ở tổ cơ điện chúng tôi bàn nhau chế tạo một số công cụ để đo, định vị và tháo gỡ dần từng bộ phận, chuyển ra ngoài xưởng rồi dùng cần cẩu nâng lên xe. Vậy là chỉ trong một tháng, chúng tôi đã vận chuyển an toàn 2 chiếc máy trên đến cơ sở mới”. Dù đã bước sang tuổi 50, ông Dũng vẫn tiếp tục đi học và vừa tốt nghiệp kỹ sư điện nhiệt lạnh Trường ĐH Thủy sản Nha Trang. Ông còn là một người thầy tận tâm trong việc truyền đạt, chỉ dẫn cho những công nhân mới. Nguyễn Hữu Tư Nghĩa - Đưa hồn Việt vào nữ trang Ngắm nhìn những bộ nữ trang do anh Nguyễn Hữu Tư Nghĩa (Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Bến Thành, thuộc Tổng Công ty Bến Thành) chế tác, người xem luôn bị ấn tượng bởi đường nét tinh tế cùng những hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc. Mỗi “đứa con tinh thần” đều là kết quả từ quá trình anh nghiên cứu, tìm hiểu về những chi tiết thể hiện phong cách Việt để khắc họa vào nữ trang. Anh Nghĩa nói: “Những hình ảnh biểu trưng cho quê hương không chỉ khiến những món trang sức trở nên nổi bật, mới lạ mà còn là cách chúng ta khẳng định lòng tự hào dân tộc”. Chẳng hạn như bộ nữ trang mang tên “Vươn lên” lấy ý tưởng từ những họa tiết trên trống đồng Ngọc Lũ. Hình tượng hai con chim Lạc Việt được thiết kế bay lên tạo thành hình chữ V (mang ý nghĩa Việt Nam) và cùng nhau nâng một bông sen tượng trưng cho ngành nữ trang nước ta được sự nâng đỡ của các thế hệ từ xưa đến nay với mong muốn vươn lên chinh phục thế giới. Nguyễn Văn Đắng - Sáng tạo không có điểm dừng So với các đơn vị cấp nước khác trên địa bàn TPHCM, mạng lưới cấp nước do Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân quản lý tương đối phức tạp. Đa số tuổi đời của các mạng lưới này đã cao, vật tư lắp đặt lại đa dạng, không đồng bộ nên gặp nhiều khó khăn trong công tác vận hành, quản lý và bảo quản, đặc biệt là công tác chống thất thoát nước. Trong khi đó, công tác quản lý dữ liệu về mạng lưới cấp nước chủ yếu bằng phương pháp lưu trữ thủ công, thiếu khoa học, không nhất quán… Trăn trở trước thực tế này nên từ năm 2004, kỹ sư Nguyễn Văn Đắng và nhóm cộng sự của mình đã bắt tay thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ gồm thu thập thông tin, điều tra về thực trạng hệ thống đường ống cấp nước; sắp xếp, mã hóa các số liệu theo từng hạng mục; số hóa họa đồ mạng lưới đường ống (từ những bản vẽ và thông tin đã thu thập được) bằng các phần mềm AutoCad, Access của Microsoft… Chân chất, ít nói, đam mê nghiên cứu là đặc điểm dễ dàng nhận thấy khi tiếp xúc với kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Đắng. Với anh, sự nghiên cứu, sáng tạo không có điểm dừng. Hà Thị Cẩm Thu - Sáng kiến nhỏ, hiệu quả cao 18 tuổi rời Bến Tre lên TPHCM làm công nhân (CN) tại Công ty CP May da xuất khẩu 30-4, đến nay, chị Hà Thị Cẩm Thu đã có hơn 20 năm làm việc trong ngành may. Xuất phát từ thực tế may nắp túi thủ công vừa chậm vừa sản phẩm hay bị lỗi, chị Thu nghĩ ra cách dùng nẹp túi rập bằng nhựa cứng, vừa rút ngắn được thời gian may vừa cho ra sản phẩm đồng đều, tăng năng suất lao động và hạn chế sản phẩm lỗi. Việc chế tác rập bằng nhựa cứng khá rẻ và có thể làm theo cách thủ công. Chị Thu cho biết, một miếng nhựa mua 100.000 đồng có thể làm được 3 - 4 cái rập (tùy loại). Trước đây mỗi cái rập chỉ áp dụng cho 1 size sản phẩm, nếu sử dụng cho 7 size khác nhau cần phải làm 7 rập, CN phải nhớ từng loại rập để sử dụng cho đúng nên rất mất thời gian, lại dễ bị lẫn lộn nên chị đã cải tiến lại theo kiểu “7 trong 1”. CN chỉ cần 1 rập và sau đó điều chỉnh size cho phù hợp trên mỗi chiếc rập. Tiếp đó, chị đưa rập vào áp dụng cho nhiều công đoạn rập cứng khác như túi mổ, tra dây kéo, nẹp che… Nhờ những sáng kiến tuy nhỏ mang lại hiệu quả cao, mới đây chị Thu được chuyển vị trí từ công nhân may lên làm kỹ thuật viên. Ở vị trí mới, chị có nhiều điều kiện để tiếp tục phát huy những sáng tạo của mình. Đặng Quế Hùng - Bản lĩnh người thợ đầu đàn “Anh xứng đáng là cánh chim đầu đàn” – Đó là lời nhận xét của ông Nguyễn Hồng Anh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) đã phần nào nói lên vai trò, vị trí và uy tín của anh Đặng Quế Hùng, Trưởng xưởng đóng mới xe chuyên dùng Xí nghiệp Cơ khí ô tô An Lạc, trực thuộc Tổng Công ty Samco. Tốt nghiệp đại học, Hùng được nhận vào làm việc tại Công ty Phát triển kỹ thuật cơ khí điện tử. Với tấm bằng kỹ sư, anh được bổ nhiệm vào vị trí cấp cao, không phải trực tiếp xuống xưởng máy để làm những công việc lấm lem dầu mỡ. Thế nhưng, Hùng đã làm nhiều người ngạc nhiên và yêu mến khi ngày ngày vẫn chịu khó ở lại công ty sau giờ làm việc, tỉ mẩn cùng anh em công nhân (CN) săm soi, nghiên cứu các thiết bị, máy móc. Năm 1998, Hùng chuyển sang làm ở Trung tâm Ô tô An Lạc (sau đổi tên thành Xí nghiệp Cơ khí ô tô An Lạc). Thời gian này, anh tiếp tục phát huy sở trường, đầu tư nhiều thời gian để nghiên cứu, chế tạo nhiều dòng xe mới. Điển hình là xe chữa cháy Samco-Hino-FG-HI-06. Ngoài sử dụng động cơ tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, hệ thống điều khiển của xe chữa cháy mới được thiết kế đặc biệt giúp việc vận hành chữa cháy đơn giản, nhanh chóng hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Về giá thành, xe chữa cháy mới rẻ hơn xe nhập từ nước ngoài hơn 1,5 tỷ đồng. Lê Hữu Minh - Nhà khoa học nghiệp dư “Chào nhà khoa học” - đó là lời chào mà Lê Hữu Minh nhận được mỗi khi gặp đồng nghiệp ở Công ty cổ phần Vận tải xếp dỡ Mê Kông quận 4, TPHCM. Đó là bởi vì trong nhiều năm liền anh đã có nhiều sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn mang lại lợi ích cho đơn vị. Tốt nghiệp trung cấp nghề cơ khí động lực học, năm 2008, khi đã bước sang tuổi 54, anh về làm việc cho Công ty Mê Kông với chức vụ Phó trưởng phòng kỹ thuật. Vừa chân ướt chân ráo về công ty, anh Minh liền bắt tay vào cải tiến chiếc gàu cơ cổ lỗ sĩ thành gàu tự động. Sau một tháng tìm kiếm những bộ phận để “lột xác” cho chiếc gàu cơ, hình hài chiếc gàu tự động với giá thành khoảng 25 triệu đồng đã được hình thành. Trong đó, hệ thống điện có bình ắc quy được anh chế lại hoạt động với hiệu điện thế 10V (bình thường là 220V), có thể cung cấp điện cho gàu hoạt động trong vòng nửa tháng. CN chỉ việc đứng trong bán kính 50 m điều khiển gàu. Thời gian mỗi lần bốc dỡ hàng giảm xuống một nửa, nhiên liệu cũng tiết kiệm được một nửa. Nhóm PV

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xahoi/2010/8/234556/