Giải thưởng sách hay 2016: Khi người trẻ chọn sách theo cách riêng

Giải thưởng Sách hay 2016 đã gọi tên một số tên tuổi xứng đáng. Năm nào cũng có những tác giả nổi bật, song điều đáng nói của năm nay là Ban tổ chức có thêm giải Người trẻ chọn sách cho người trẻ để có thêm tiếng nói của thế hệ mới.

Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) và Quỹ Phan Châu Trinh vừa công bố Giải thưởng Sách hay 2016 tại TP.Hồ Chí Minh. Hầu hết các tác giả và dịch giả có sách đoạt giải trong năm nay đều cư trú hoặc công tác ở nước ngoài. Đồng thời, giải năm nay cũng tình cờ phát hiện một số trường hợp tác giả được trao giải Sách hay hai lần. Đó là Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Tokyo), người có hai tác phẩm được trao giải Sách hay ở cùng một hạng mục sách Kinh tế, cuốn “Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam” (năm 2012) và cuốn “Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam” (năm 2016). Trường hợp thứ hai là Giáo sư Nguyễn Văn Trọng với hai cuốn “Bốn tiểu luận về tự do” và “Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn”. Ở hạng mục Sách thiếu nhi, thể loại sách dịch, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn có được một cặp dịch phẩm của cùng một tác giả là nhà văn Luis Sepulveda, lần lượt được trao giải Sách hay năm 2012 và 2016.

GS Phan Văn Trường phát biểu khi nhận giải.

Một điểm mới của giải Sách hay năm nay là giải Người trẻ chọn sách cho người trẻ do Ban Cộng đồng - gồm 5 đại diện trẻ có uy tín trong làng sách Việt - bình chọn ra những cuốn sách khuyến đọc dành cho giới trẻ. Ban Cộng đồng của mùa giải Sách hay 2016 gồm đại diện đến từ các cộng đồng sách là: Kafka, Bookaholic, Trạm Đọc - Readstation, Booknest và Sách hay. Đây cũng chính là cơ hội để các cộng đồng mê sách có thể kết nối với nhau và cùng làm được một điều ý nghĩa cho giới trẻ trong nước. Những cuốn sách mà Ban Cộng đồng bình chọn qua 3 vòng xét tuyển cho thấy giá trị giáo dục và thẩm mỹ khá cao: “Walden - một mình sống trong rừng”, “Bắt trẻ đồng xanh”, “Cuộc cách mạng một cọng rơm”, “Khuyến học”, “Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì” và “Tôi tự học” của cố học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

Bên cạnh đó, dịch phẩm “Cuộc cách mạng một cọng rơm” (tác giả Masanobu Fukuoka) được chuyển dịch bởi nhóm XanhShop - một doanh nghiệp trẻ đi theo triết lý “nông nghiệp thuận tự nhiên”, là một ẩn số đầy thú vị. Ở mùa giải năm nay, dịch phẩm này vừa đoạt giải Phát hiện mới và cũng vừa nằm trong giải Người trẻ chọn sách cho người trẻ. Dịch phẩm do NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh và Phoenix Books phối hợp xuất bản.

Hai trong số 5 cuốn sách giành giải Người trẻ chọn sách cho người trẻ.

Theo nhà văn - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc (thành viên hội đồng trao giải), giải thưởng Sách hay có mục đích thứ nhất là hỗ trợ, gợi ý cho người đọc tìm được sách đáng đọc trong rừng sách bây giờ, và qua đó góp phần nâng cao thị hiếu đọc, một phần quan trọng của văn hóa đọc. Giải thưởng còn đặc biệt nhằm đến những người và những cơ quan làm sách tốt, sách hay. Chính những người này lặng lẽ mà lại tác động rất nhiều đến người đọc, qua việc đưa sách nào ra thị trường. Cho nên cũng có thể nói cuộc thi là một kiểu “phê bình văn học” (cả văn hóa nữa - tất nhiên nếu nó được tổ chức tốt), một sự lên tiếng về việc viết sách, làm sách và đọc sách.

Nói về giải thưởng năm nay, Giáo sư Chu Hảo nhận xét: “Gần đây các loại giải thưởng của Nhà nước và của các tổ chức xã hội khá phong phú. Bên cạnh những giải có uy tín và tác dụng xã hội tốt, vẫn có những giải còn nhiều hạn chế về quy mô và chất lượng. Giải thưởng về sách rất ít. Trong hoàn cảnh đó, sự ra đời của giải thưởng Sách hay, với khuynh hướng đề cao tác động xã hội của ấn phẩm và phát huy tinh thần dân chủ trong quy trình tuyển chọn, là một sự bổ sung cần thiết và khả thi vào công cuộc chấn hưng nền văn hóa đọc của nước ta (đang hết sức đáng lo ngại!), và tôn vinh các tác giả - tác phẩm có giá trị văn hóa - xã hội - thẩm mỹ cao”.

Giải thưởng Sách hay 2016:

Hạng mục sách Nghiên cứu: “Văn minh vật chất của người Việt” (tác giả Phan Cẩm Thượng), “Hiện tượng con người” (tác giả Pierre Teilhard de Chardin, dịch giả Đặng Xuân Thảo).

Sách Giáo dục: “Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn” (tác giả Nguyễn Văn Trọng), “Sự ra đời trí khôn ở trẻ em” (tác giả Jean Piaget, dịch giả Hoàng Hưng).

Sách Kinh tế: “Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam” (tác giả Trần Văn Thọ), “Hiểu nghèo thoát nghèo. Cách mạng tư duy để thoát nghèo trên thế giới” (tác giả Abhijit V.Banerjee & Esther Duflo, dịch giả Nguyễn Lê Bảo Ngọc).

Sách Quản trị: “Một đời thương thuyết” (tác giả Phan Văn Trường), “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” (tác giả Inamori Kazuo, dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên).

Sách Thiếu nhi: “Bộ sách: Đồ thông minh ngốc xít, Cổ tích mới, Cô gái lơ lửng” (tác giả Nguyên Hương), “Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp” (tác giả: Luis Sepulveda; dịch giả: Bảo Chân).

Sách Văn học: “Cõi người rung chuông tận thế” (tác giả: Hồ Anh Thái), “Lâu đài” (tác giả: Franz Kafka, dịch giả Trương Đăng Dung).

Sách Phát hiện mới: “Những thiếu thời lơ lửng” (tác giả Hạnh Nguyên), “Cuộc cách mạng một cọng rơm ” (tác giả: Masanobu Fukuoka, dịch giả: Nhóm XanhShop), “Bí ẩn nữ tính” (tác giả: Betty Friedan, dịch giả: Nguyễn Vân Hà).

Giải Người trẻ chọn sách cho người trẻ: Walden - một mình sống trong rừng; Bắt trẻ đồng xanh, Cuộc cách mạng một cọng rơm, Khuyến học, Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì, Tôi tự học.

NHẬT LỆ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/giai-thuong-sach-hay-2016-khi-nguoi-tre-chon-sach-theo-cach-rieng-594714.bld