'Giai thoại và đời thực' của Phạm Khải: Sự thật phía sau giai thoại văn chương

- Từ nhiều năm nay, trên báo chí nước ta luôn xuất hiện những giai thoại liên quan ít nhiều đến chuyện văn, chuyện đời của các nhà văn. Những giai thoại này thường ngắn gọn, nội dung hóm hỉnh, bởi thế hấp dẫn sự hiếu kỳ của người đọc.

1.Riêng với nhà thơ Phạm Khải , theo tôi, anh là người rất ý thức về thể loại này. Do điều kiện tiếp xúc quen biết rộng, có trí nhớ tốt, quan tâm đến những người trong giới nên anh biết nhiều và cũng viết nhiều, tạo ra phong cách riêng. Nếu tôi không nhầm, tới nay, trong số hơn hai chục đầu sách đã được xuất bản, chí ít Phạm Khải đã có 3 đầu sách liên quan đến chuyện đời, chuyện nghề có tính giai thoại của các nhà văn như: Kể chuyện bút danh nhà văn, Mỗi nhà văn một chuyện lạ, Giới cầm bút - chuyện thật như đùa và bây giờ là Giai thoại và đời thực (NXB Văn học, 2017).

Nhà thơ Phạm Khải

Trước khi được xuất bản thành tập, tất cả những bài trong “Giai thoại và đời thực” đã được đăng tải trên các báo, trong đó có Thể thao & Văn hóa. Điều đáng nói, ngoài việc thu hút bạn đọc bởi sự hấp dẫn, các bài viết của Phạm Khải rất được dư luận đồng tình, hoan nghênh. Sự hoan nghênh ấy trước nhất dành cho việc anh đã dày công đi tìm sự thật nhằm lý giải, đính chính lại một cách kỹ càng những chuyện, những giai thoại mà vì một số lý do đã thiếu độ tin cậy, thậm chí còn là bịa tạc và từng nhận về… phản ứng của chính các nhân vật được đề cập.

Cụ thể, một loạt các giai thoại liên quan tới những tên tuổi văn chương hàng đầu của đất nước, như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Huy Cận, Tô Hoài, Kim Lân, Hoàng Trung Thông, rồi lứa sau này như Nguyễn Minh Châu, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lê Lựu, Vũ Quần Phương, Tô Hà, Lê Thị Mây, Trần Đăng Khoa… đã được dịp “soi chiếu” lại.

Nói cho rành rẽ thì trước khi Phạm Khải “vào cuộc”, không phải không có bạn đọc (trong đó có các nhà văn) đã băn khoăn, nghi ngờ về tính xác thực của những giai thoại nói trên. Có điều, hầu như hiếm ai chịu bỏ công sức, thời gian để đi tìm “lời giải” cho những điều mình còn thắc mắc, cấn cá… Cũng có thể ai đó cho rằng, chuyện làm rõ đúng sai trong những trường hợp này không quan trọng, vì đấy chỉ là chuyện… vui đùa (thậm chí không loại trừ có trường hợp sau khi đọc xong còn tự “bổ sung”, “thêu dệt” thêm những tình tiết thiếu chính xác về những nhân vật vốn dĩ họ yêu thích hoặc ghét bỏ).

Bìa cuốn "Giai thoại và đời thực"

2.Phạm Khải không nghĩ vậy. Anh quan niệm, việc đi tìm sự thật, nhất là những trường hợp gây tranh cãi qua các giai thoại nhà văn là rất cần thiết, nhất là khi nó liên quan tới danh dự những tên tuổi lớn, có vị trí trong văn học sử nước nhà. Phản ứng gay gắt của ông Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an sau khi đọc mẩu giai thoại của tác giả nọ viết về cha mình (nhà văn Nguyễn Công Hoan) mà Phạm Khải ghi lại cũng chính là thông điệp anh muốn gửi tới tác giả của những mẩu giai thoại thiếu tính xác thực: “Viết gì thì cũng phải trên cơ sở sự thật, chứ bịa ra để “cù” người đọc và kiếm tiền là không được. Bài viết không chỉ xúc phạm gia đình tôi đâu, mà lớn hơn, là xúc phạm tới chính sách của Đảng, Nhà nước đối với văn nghệ sĩ. Tôi đề nghị người viết phải cải chính”.

Bạn đọc, qua những bài viết của Phạm Khải có thể thấy rõ một tinh thần trách nhiệm và cách làm việc hết sức thận trọng, nghiêm túc. Thông qua các cuộc phỏng vấn, tìm hỏi trực tiếp từ chính nhân vật được đề cập, hay những người thân cận nhất của nhân vật, và thêm nữa, còn cả những người, thậm chí những cơ quan liên quan có biết về sự việc…

Phạm Khải, một tài năng phát triển sớm

Nhà thơ Phạm Khải hiện là Trung tá, Trưởng ban Chuyên đề Văn nghệ Công an (Báo Công an nhân dân). Là hội viên Hội Nhà văn khi mới 28 tuổi, đến nay, Phạm Khải đã xuất bản được 13 đầu sách

Chẳng hạn như lý giải chuyện nhà văn Tô Hoài bị quy kết hồi làm lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã “tranh” đi nước ngoài tới… trên một trăm suất; hay thông qua việc tìm hiểu, anh đã giải thích được chính xác những lùm xùm đầy ác ý quanh mâu thuẫn cùng những lời lẽ cay độc dành cho nhau giữa hai nhà thơ Xuân Diệu và Xuân Quỳnh, hay thực hư chuyện nhà văn Nguyễn Công Hoan đến khi chết rồi mới được tăng lương; rồi giai thoại về thần đồng Trần Đăng Khoa “bé cái lầm” trong việc sử dụng tiếng Nga; giai thoại cụ Nguyễn Tuân chọn… rể; giai thoại về chuyện nhà thơ Hoàng Trung Thông rời ghế viện trưởng Viện Văn học; chuyện những bài thơ tình của Xuân Diệu viết tặng các em… trai; nhà văn Băng Sơn viết ẩm thực bằng…mắt v.v… và v.v…

Giai thoại và đời thực không chỉ giúp người đọc biết được đâu là thông tin chính xác sau khi đọc các giai thoại liên quan đến những nhân vật có tên tuổi trong xã hội, mà còn là một chuỗi những bằng chứng khoa học giúp các nhà nghiên cứu văn học nước ta thêm tư liệu đáng tin cậy để nghiên cứu được chính xác, đầy đủ về thực trạng văn học nước nhà nói chung và về các nhà văn, nhà thơ đương thời nói riêng.

Đây là một công việc không phải ai cũng làm được.

Với mỗi câu chuyện, mỗi vấn đề, khi cần, Phạm Khải tìm hỏi đến hai, ba người, rồi qua các tư liệu, văn bản chính thức để hiểu được cặn kẽ vấn đề, tác giả đã thẳng thắn nói lại, làm rõ sự thật bằng những câu chuyện không kém phần hấp dẫn, thú vị.

Huy Thắng
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/giai-thoai-va-doi-thuc-cua-pham-khai-su-that-phia-sau-giai-thoai-van-chuong-n20170621070526360.htm