Giai thoại khó tin về 'Đứa trẻ lạ' Kỳ Đồng

Chỉ là một cậu bé ở cậu tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, ấy thế mà Kỳ Đồng khiến cho người Pháp trên đất Nam ta nhiều phen lao tâm khổ tứ vì ảnh hưởng của mình. Và rồi cực chẳng đã, phải thi hành cả biện pháp bất đắc dĩ với một tội nhân thiếu niên.

Lễ hội Kỳ Đồng tại xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế, Bắc Giang

Dân gian lâu nay quen gọi Kỳ Đồng, mà ít người biết đến tên thật của Kỳ Đồng, là Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929). Cẩm người làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng. Nay nơi ấy, thuộc về xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Tên gọi Kỳ Đồng

Xưa cũng như nay, thiên hạ nhớ đến Kỳ Đồng, là chết cái tên ấy, chứ chẳng mấy ai để ý trong giấy khai sinh cái tên Cẩm kia lắm, trừ nhà chức trách ra. Mà cái tên này, là tên vua đặt, nên không vinh dự sao cho được.

Bởi ngay từ lúc nhỏ, chú bé Cẩm này, theo như Giai thoại làng Nho cho hay, đã tỏ ra là một thần đồng, một nhân vật xuất chúng khác với người thường rồi: “Thiên tư rất đĩnh ngộ. Lúc bé, thân phụ, một nhà nho uyên bác, bắt đầu dạy sách Tam tự kinh như thường lệ. Một hôm người bạn của cha ra cho vế đối lấy ngay chữ liền trong sách ấy:

Tam tài: thiên, địa, nhân.

Ông ứng khẩu liền:

Tứ thi: phong, nhã, tụng.

Câu ra: Tam tài là trời, đất, người. Câu đối: Bốn thơ là thể phong, thể đại nhã, thể tiểu nhã, thể tụng. Câu đối khó là vì: tam là số ba, thiên, địa, nhân là ba thứ, mà đối lại tứ là số bốn thì là thừa một, song phong, nhã, tụng, tuy bốn mà cũng chỉ có ba thể, vì đại nhã, tiểu nhã kể là một. Ông khách phục là bậc thiên tài”.

Cũng sách này cho biết, khi Cẩm lên 10, thì Tứ thư, Ngũ kinh đều thông làu cả. Chỉ trông qua là nhớ. Mỗi ngày học dễ có đến cả trăm trang sách. Cha của Cẩm, như lời khai của Cẩm trong bản khẩu cung sau khi bị bắt, là một thầy giáo tỉnh, tên là Đồ Tỵ.

Trong mắt người Pháp, khi ghi chép về Cẩm, cũng có những lưu ý đặc biệt. Mật báo của Phòng Nhì do Chéon viết đã dẫn ra rằng “từ năm lên 8 tuổi, Kỳ Đồng đã giỏi chữ Nho, đặc biệt xuất sắc về tài làm câu đối.

Nhờ nắm vững vài trăm chữ Nho-có người bảo dăm chục bài thơ, người thì bảo chỉ vài bài thôi-lại nhờ óc mẫn cảm khi ứng đối, Cẩm làm cho những ai nghe tiếng hoặc trông thấy lần đầu tiên đều rất ngạc nhiên”.

Không ngạc nhiên sao được. Đến ngay cả vua còn phải ngạc nhiên cơ mà. Ấy là khi lên 8 tuổi, Cẩm được cha dẫn lên tỉnh dự kỳ khảo khóa để năm sau thi Hương ở trường Nam Định, đạt loại ưu. Sự lạ với đứa trẻ lên 8 đã giỏi như thế, được quan tỉnh thưa với vua Tự Đức. Nhận tin này, như Đại Nam thực lục ghi, vua đã xuống dụ:

“Cấp cho trẻ lạ Hưng Yên Nguyễn Văn Kỳ, tức Cẩm mỗi tháng 3 quan tiền, một phương gạo, áo quần mỗi thứ hai cái, mỗi năm cho một lần”. Và cũng từ đây, cái tên Kỳ Đồng xuất hiện, đi vào lịch sử.

Trong thư gửi Phó Toàn quyền Đông Dương ngày 28/2/1897, Cẩm cho biết nguồn gốc tên gọi Kỳ Đồng của mình, ấy là “Năm lên 7 tuổi, nhờ học hành chăm chỉ, tôi giỏi chữ Nho nên được mọi người kính nể, được Hoàng đế Tự Đức ban thưởng và cho danh hiệu “Kỳ Đồng”.

Tranh vẽ Kỳ Đồng trong sách Kỹ thuật của người Annam

Sức hấp dẫn với quần chúng

Dẫu tuổi còn nhỏ, nhưng với khả năng vượt quá tầm tuổi của mình, mà Kỳ Đồng không chỉ gây hiếu kỳ ban đầu cho dân Nam buổi ấy, mà về sau, sức hút của Kỳ Đồng còn mãnh liệt hơn nữa.

Dạo ấy, giữa lúc Kỳ Đồng tuổi còn măng sữa, các cuộc nổi dậy của sĩ phu đất Việt nơi đất Bắc đang ở hồi lỡ vận. Bao anh hùng, hào kiệt như Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Tạ Hiện… người thất thủ, người phải lưu vong.

Kỳ Đồng lúc ấy, do tài năng thiên bẩm của mình, được dân tình một đồn mười, mười đồn trăm cứ thế danh tiếng chú bé thần đồng ngày càng vang xa, dân tình lại truyền tụng Kỳ Đồng còn có tài tiên tri, là “hóa thân của Trạng Trình” để cứu dân thoát nạn tôi đòi.

Theo lời đồn trong dân gian, năm 9 tuổi, Kỳ Đồng đã soạn bài hịch kêu gọi nhân dân chống Pháp, năm 11 tuổi sáng tác bài thơ Xích Bích (một tổng có con sông Tẻ chảy qua ở quê Kỳ Đồng, không phải Xích Bích bên Trung Hoa) phân tích thế mạnh của dân tộc. Tỉ như câu:

Trông ra địa thế hổ rồng,

Rồng đang lợi thế non sông dân tình.

Tình người sông Nhĩ kết sinh,

Sinh ra thánh chủ tự giành chiến công.

Ảnh hưởng của Kỳ Đồng đến dân chúng ngày một lớn, một rộng để rồi, đỉnh điểm là sự kiện rước cờ vào thành Nam Định sau đó, nhằm ngày 27/3/1887, được Kỳ Đồng, tiểu sử và thơ văn thuật lại khá tường tận.

Theo đó, ngày hôm ấy, một đám rước quy tụ khoảng 100 người với khăn áo chỉnh tề, giương lá cờ “Thiên binh thần tướng”, đem theo kiếm gỗ, giáo gỗ, rước Kỳ Đồng từ chùa Vị Xuyên nơi Kỳ Đồng nghỉ lại qua đêm, đi qua các phố rồi tiến về thành Nam Định.

Nhận được tin về cuộc tụ tập, biểu dương lực lượng này, nhà cầm quyền Pháp đứng đầu là Công sứ Nam Định Brìere ngay lập tức huy động lực lượng trấn áp. Sự kiện này, mật thám Chéon còn hồi tưởng lại là “Một hôm Kỳ Đồng ngồi trên cáng (kiệu), theo sau là một đoàn gồm người lớn, trẻ con, đàn bà và thanh niên 18 tuổi, tay cầm gậy, gươm bằng bằng gỗ… Đám rước tiến vào thành.

Tên lính gác ngạc nhiên lên tiếng chặn hỏi. Đám rước vẫn tiến lên, không có tiếng đáp lại. Lính gác nổ súng. Đám người tản ra như chim sẻ… Vài người nấp trong một đống củi, bị phát hiện, khai rằng: chúng không có ý định theo Kỳ Đồng làm điều phạm pháp; chúng tưởng Kỳ Đồng đi thăm bệnh vì Kỳ Đồng rất giỏi nghề thuốc. Hơn thế, cậu bé còn biết rõ tương lai, hậu vận”.

Báo cáo của mật thám Pháp về phong trào của Kỳ Đồng-Mạc Đĩnh Phúc tại Bắc Kỳ

Can dự chính trị, án lưu đày

Rõ là hành động trên của Kỳ Đồng cũng những người tham gia 9/10 mang tính bột phát với lòng tin ngu ngơ vào sức mạnh của Kỳ Đồng. Còn phía Pháp thì ngờ rằng, đám rước này, thực chất có thể là “đám rước thần” mà thôi.

Tuy nhiên, người Pháp đã phòng xa cuộc tập hợp đông người này, bởi như báo cáo ngay ngày hôm đó Phó sứ Nam Định đã chỉ rõ: “Kỳ Đồng chỉ là một đứa trẻ và bản thân nó chắc cũng chẳng có gì nguy hiểm. Nhưng phong trào có tính chất tôn giáo do Kỳ Đồng hay những người thúc đẩy Kỳ Đồng gây ra cũng có thể trở thành một phong trào chính trị, dẫn đến những hậu quả tai hại”.

Bởi lo xa như vậy, nên cái đám rước thần, cũng như tin vào sức mạnh thần thánh kia với biểu tượng là Kỳ Đồng lập tức bị dẹp. Còn chú bé 13 tuổi thì bị bắt khi đang cầm trong tay một lá cờ, được rước đi đầu trong đoàn người. Sau này, khi đã trưởng thành, Kỳ Đồng đã xác nhận trong bản khẩu cung:

“Năm 13 tuổi, Kỳ Đồng đã toan làm một cuộc bạo loạn”. Về thực chất theo nghĩa nào đó, thì cuộc rước thần này, cũng chính là hình thức biểu dương lực lượng của dân chúng, và qua việc đưa Kỳ Đồng vào vị trí trung tâm, những người tham dự bấy giờ ngầm tôn xưng một vị thủ lĩnh dù trẻ măng, nhưng có sức hút với dân tình. Chỉ tiếc rằng, hành động tự phát bị dập tắt ngay từ khi chưa tạo được sự lan tỏa.

Còn riêng Kỳ Đồng, sau cuộc diễu hành ấy chú bé thiếu niên bị bắt. Thay vì đưa về cho cha mẹ dạy dỗ, hoặc kết án bỏ tù Kỳ Đồng, thực dân Pháp có bước đi khác. Bức thư của Phó Công sứ Pháp W. François gửi Hiệu trưởng trường trung học Alger đã hé lộ điều này, mà thực chất, đó chính là một chuyến đi đày dành cho anh chàng yêu nước chưa thành niên Kỳ Đồng:

“Để ngăn ngừa những cuộc biểu tình đại loại như vậy, chính phủ cho rằng tốt nhất là gởi anh ta đi học thì đồng bào anh cũng hết mê tín nhảm nhí. Sau nhiều năm cách ly như vậy, ảnh hưởng của anh sẽ hoàn toàn bị xóa sạch, lúc đó anh ta có thể về nước. Được sự dạy dỗ trong trường của ngài, rất có thể anh ta sẽ trở thành một người có ích cho chúng ta”.

Vậy là, thay vì giam Kỳ Đồng vào xà lim lạnh lẽo, người Pháp thực hiện một bản án mềm mà họ cho là hữu hiệu hơn. Đó là lưu đày Kỳ Đồng sang Phi châu xa xôi để tách rời chú bé với phong trào yêu nước Việt Nam. Đồng thời những mong đào tạo Kỳ Đồng từ một kẻ chống đối, có cơ may cho họ nếu sau này Kỳ Đồng phục vụ cho nước Pháp.

Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển ghi: “Kỳ Đồng được Thống sứ Bihourd cấp dưỡng qua Alger ăn học. Thống sứ vì muốn mua chuộc và đinh ninh rằng thế nào Kỳ Đồng cũng theo Pháp và không chống lại ông”. Nhưng cá chép thì mấy khi chịu xuôi dòng thác đâu.../.

Trần Đình Ba

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/vu-an-dua-tre-la-ky-dong-nguyen-van-cam-301405.html