Giải quyết vấn nạn môi trường: Chế tài thôi chưa đủ!

Vấn đề ô nhiễm môi trường lại một lần nữa được các chuyên gia đưa ra những số liệu đáng báo động tại Hội thảo “Công bố kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 22.9 tại Hà Nội.

Ô nhiễm không khí mức báo động

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, trong những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ô nhiễm môi trường không khí đã và đang trở thành nguy cơ, ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững của Việt Nam.

Thành phố ô nhiễm vì mật độ xe lưu thông qua lớn.

Mặc dù, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đã có nhiều nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí, nhưng thực tế cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về quản lý và kiểm soát khí thải, nhất là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương…

Trong đó, Hà Nội và TP.HCM ô nhiễm không khí đang ở mức đáng báo động. Cũng theo Thứ trưởng Nhân, ô nhiễm không khí có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nguồn thải từ công nghiệp, các nhà máy năng lượng, đặc biệt là nhiên liệu nhiệt điện. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí cũng phát sinh từ hoạt động giao thông, sản xuất của người dân từ các làng nghề.

Vấn đề đặt ra, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phấn đấu trong 2 năm 2016 - 2017, các cơ quan chuyên môn phải kiểm kê được khí thải của cơ sở sản xuất nhiệt điện, xi măng, sắt thép, hóa chất và phân bón.

Trong đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 điểm cần quan tâm đầu tiên đến việc kiểm kê, kiểm soát được chất thải và khí thải.

Vấn đề đặt ra, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phấn đấu trong 2 năm 2016 - 2017, các cơ quan chuyên môn phải kiểm kê được khí thải của cơ sở sản xuất nhiệt điện, xi măng, sắt thép, hóa chất và phân bón. Trong đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 điểm cần quan tâm đầu tiên đến việc kiểm kê, kiểm soát được chất thải và khí thải.

Năm 2020: Sản xuất thép, hóa chất phải xử lý khí thải đạt chuẩn

Để kiểm soát chất lượng môi trường một cách tốt nhất, theo lãnh đạo Bộ này, Bộ TN&MT cũng đã tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt ban hành Quyết định số 985a/QĐ – TTg về việc Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Kế hoạch 985a đặt ra mục tiêu kiểm soát tốt các nguồn thải, tập trung vào nguồn thải khí thải công nghiệp, năng lượng lớn…và giao thông đến năm 2020 đảm bảo 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, Nox, CO đạt quy chuẩn môi trường.

905 cơ sở nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục và thông số theo Quy chuẩn môi trường. Kiểm kê khí thải cho 90% cơ sở nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học.

Các bộ, tỉnh, thành vào cuộc triển khai

Kế hoạch cũng sẽ triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5 tại các nguồn thải chính (tập trung và nguồn công nghiệp, năng lượng, giao thông và xây dựng).

Hoàn thành thực hiện Quyết định số 909/ QĐ – Ttg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố, Quyết định số 49/2011/ QĐ – Ttg năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới

Kế hoạch cũng xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5 tại các đô thị đặc biệt và đô thị trực thuộc Trung ương. Đồng thời, tăng cường năng lực quốc gia về kiểm soát khí thải nhà kính góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường công tác giám sát chất lượng không khí xung quanh thông qua việc tăng số lượng trạm quan trắc không khí xung quanh tự động liên tục tại các đô thị so với năm 2015 theo đúng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, giám sát thường xuyên các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thông số VOCs, HC.

Về nội dung này, Thủ tướng giao cho Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Kế hoạch này, xây dựng nghị định quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí trình Chính phủ xem xét và ban hành vào quý II năm 2017.

Bộ TN&MT chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí, bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, xây dựng và ban hành quy định về đăng kiểm, kiểm kê nguồn khí thải công nghiệp, quy định về quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục…

Tham gia góp ý kiến tại hội nghị, các chuyên gia cũng như đại diện các bộ, ngành cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường đã có, các chế tài ban hành cũng nhiều, vấn đề còn lại là hành động của mỗi cơ quan chức năng thế nào mà thôi.

PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/giai-quyet-van-nan-moi-truong-che-tai-thoi-chua-du-42715.html