Giải quyết nợ xấu từ gốc

Vấn đề giải quyết nợ xấu lại được sôi nổi bàn tán, từ ý kiến cho rằng cần đến 25 tỉ đô la Mỹ để dứt điểm nợ xấu đến lời kêu gọi xã hội chung tay xử lý nợ xấu. Những ý kiến này không nhận được sự đồng tình bởi một lẽ rất đơn giản: ai làm người đó chịu, sao lại bắt xã hội phải gánh.

Dự án mở rộng Nhà máy sản xuất gang thép Thái Nguyên phải dừng thi công vì không thu xếp được vốn. Ảnh: nhandan.com.vn

Có lẽ mọi người quên đi một điều cơ bản: tại sao không nhìn vấn đề nợ xấu từ gốc. Dĩ nhiên gây ra nợ xấu có trách nhiệm của cả người đi vay và người cho vay, cả cơ chế giám sát chuyện vay nợ và cả những bên bảo lãnh cho các khoản vay. Nhưng ở đây tạm thời chúng ta chỉ nhìn từ góc độ người đi vay chứ khoan nói đến trách nhiệm của các ngân hàng hay các nơi khác.

Việc cần làm để giải quyết nợ xấu là bắt con nợ phải chịu trách nhiệm cho các món nợ không chịu trả đó. Hành lang luật pháp ở đây đã có sẵn, con nợ không trả được nợ thì phải đưa ra tòa để tuyên bố phá sản, bất kể đó là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước. Từ đó chủ nợ mới có thể thanh lý tài sản con nợ để thu hồi phần nào các khoản cho vay.

Tuy nhiên sự đời không đơn giản. Một tỷ lệ không nhỏ các con nợ đang là thủ phạm gây ra nợ xấu chính là các doanh nghiệp nhà nước từng rơi vào khủng hoảng như Vinashin hay Vinalines. Nhà nước đã phải bỏ tiền ra tái cơ cấu chúng thay vì cho chúng phá sản nên giờ đây lại phải tiếp tục chịu gánh nặng trả nợ thay. Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, trong 10 năm tới, ngân sách nhà nước phải trả thay cho Vinashin (nay mang tên SBIC) đến 63.200 tỉ đồng.

Trong bảy bài liên tiếp đăng trên báo Nhân Dân (loạt bài Những con nợ của nền kinh tế), hàng loạt dự án ngàn tỉ đồng, chục ngàn tỉ đồng bị thất bại đã được điểm danh. Chúng là thủ phạm gây ra nợ xấu chứ còn ai nữa. Thế nhưng chúng vẫn sống lây lất đó, nợ vẫn nằm trên sổ sách của các ngân hàng liên quan. Các tác giả của loạt bài này kêu gọi: “Cách hữu hiệu nhất là cho phá sản” bởi “nếu không quyết tâm “khai tử” các dự án trên, hậu quả càng tai hại, làm khê đọng vốn, ảnh hưởng lớn đến trần nợ công và bội chi ngân sách”.

Đó chính là một phương cách giải quyết nợ xấu chưa thấy các chuyên gia đề cập trước khi kêu gọi xã hội chung tay. Ở đây nghĩa vụ nhà nước có nhiều loại, các khoản vay có bảo lãnh, các khoản vay được chỉ định và các khoản vay thương mại bình thường. Các khoản vay thương mại bình thường thì dứt khoát để các bên tự xử lý bằng con đường giải thể, phá sản, bán doanh nghiệp... Các khoản vay bảo lãnh hay chỉ định thì vẫn có thể thương lượng với hệ thống ngân hàng để đảm nhận trách nhiệm trả nợ với tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với nợ gốc; nợ sẽ được trả dần bằng trái phiếu dài hạn... Đây mới chính là lĩnh vực Nhà nước phải sử dụng nguồn lực thật để giải quyết nợ xấu, kể cả tiền từ ngân sách vì không thể thoái thác những hậu quả do chính sách từ các năm trước để lại.

Với con nợ là doanh nghiệp tư nhân, rõ ràng cơ chế vay mượn trước nay thường đòi hỏi tài sản thế chấp rất chặt chẽ. Giả thử luật lệ được áp dụng nghiêm minh để giải quyết các vướng mắc khi thanh lý tài sản thế chấp, một tỷ lệ không nhỏ nợ xấu cũng sẽ được giải quyết ngay từ gốc.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153925/giai-quyet-no-xau-tu-goc.html/