Giải quyết những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực nông nghiệp

Nhằm khắc phục tình trạng 'nói không đi đôi với làm', 'hứa nhiều làm ít', như Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII đã chỉ rõ, trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm (ATTP) thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, để bảo đảm ATTP, vì sức khỏe con người, môi trường sống và phát triển nông nghiệp bền vững, bên cạnh quyết tâm của toàn ngành nông nghiệp, cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Quán triệt Nghị quyết T.Ư 4, cán bộ, đảng viên ngành NN và PTNT xác định, trước hết phải nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái, nhất là trong thực hiện công tác chuyên môn, chức trách nhiệm vụ được giao. Các tổ chức đảng gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với đổi mới, cải cách lề lối làm việc, gắn bó với cơ sở, giải quyết những vấn đề bức xúc đang đặt ra. Thời gian qua, với sự nỗ lực của toàn ngành, công tác quản lý nhà nước về ATTP từng bước được cải thiện trên tất cả các nhóm ngành hàng. Đến nay, 62 trong số 63 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 691 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản (NLTS) an toàn, trong đó có 324 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát ATTP theo chuỗi. Nhờ đó, điều kiện ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh NLTS được cải thiện hơn, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP đã tăng hơn 5,6% so với năm 2016 và số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng 6,3%.

Tình trạng ô nhiễm vi sinh vật và hóa chất trong một số thực phẩm tươi sống có chiều hướng giảm. Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan chức năng thực hiện trong sáu tháng đầu năm 2017 cho thấy, đã ngăn chặn được hoàn toàn việc sử dụng chất cấm salbutamol trong chăn nuôi, và tình trạng tồn dư thuốc kháng sinh trong thịt, thủy sản cũng đã giảm.

Trong sáu tháng đầu năm, các tổng cục, cục chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN và PTNT đã tổ chức 44 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến ATTP, chất lượng vật tư nông nghiệp (thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống...), qua đó phát hiện hàng trăm cơ sở vi phạm ở các mức độ khác nhau, với số tiền xử phạt hơn 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra chuyên ngành của 53 tỉnh, thành phố trong thời gian qua cũng tổ chức 1.853 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, qua đó xử phạt hành chính hơn 33,3 tỷ đồng đối với các cơ sở vi phạm về ATTP, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, ngành NN và PTNT thấy rằng, ATTP là vấn đề “nóng”, bức xúc trong nhân dân. Mặc dù tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng việc xử lý tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong rau, quả, thịt, thủy sản... còn chậm, chưa dứt điểm, chưa đáp ứng yêu cầu và mong đợi của nhân dân. Nguyên nhân chính là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý về vai trò của ATTP chưa đầy đủ, không có ý thức hết lòng vì sức khỏe cộng đồng; lực lượng thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước còn hạn chế, không làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, thậm chí vi phạm pháp luật. Như sai phạm xảy ra tại hai đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT trong lĩnh vực phân bón, để 11 tổ chức được chỉ định hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón, đã không bảo đảm duy trì năng lực của tổ chức chứng nhận; thực hiện chứng nhận chất lượng các sản phẩm phân bón không tuân thủ các quy định đánh giá sự phù hợp theo quy định, chứng nhận hợp quy cho sản phẩm phân bón khi chưa được phép lưu hành trên thị trường. Hay như vụ việc xảy ra tại Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản (thuộc Tổng cục Thủy sản) khi cấp giấy chứng nhận cho 802 sản phẩm, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản không bảo đảm chất lượng vẫn được đưa vào danh mục được phép lưu hành, trái pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, thời gian tới, Ban Cán sự Đảng, Bộ NN và PTNT tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm Nghị quyết T.Ư 4 gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, người đứng đầu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cá nhân, theo hướng bám cơ sở, tập trung chỉ đạo các vấn đề nảy sinh, bức xúc về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 43/2017/QH14 ngày 19-6-2017 của Quốc hội khóa XIV về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, chuyển mạnh quản lý ATTP sang kiểm soát theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm; tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm; chỉ đạo các địa phương phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn và kiểm soát chặt chẽ ATTP đối với NLTS trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống giám sát, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về ATTP; tăng cường các biện pháp, chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng; tiếp tục thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP, đánh giá tổng kết và mở rộng mô hình khi có kết quả tích cực...

Phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không bảo đảm an toàn, tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm NLTS được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP so với giai đoạn trước. Đồng thời xây dựng lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề yếu kém về dư lượng vượt ngưỡng cho phép của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ, thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao, thức ăn đường phố; ngộ độc thực phẩm cấp tính và mãn tính; kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, hàng nhập lậu và gian lận thương mại; kiểm soát môi trường đất, nước cho sản xuất thực phẩm an toàn.

Trước mắt, Bộ NN và PTNT giao Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản làm đầu mối cùng với các tổng cục, cục, đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP, nhất là chính sách pháp luật về quản lý phân bón, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, chú trọng công tác xây dựng luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia bảo đảm chất lượng, thời gian tiến độ và phù hợp với thực tiễn quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm ATTP trong tình hình hiện nay; có kế hoạch và biện pháp cụ thể, thiết thực để đưa luật, văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia có trình độ cao về các chuyên ngành NN và PTNT để bố trí làm công tác quản lý vật tư nông nghiệp và ATTP nông sản, cả ở bộ và các tỉnh, thành phố, địa phương, cơ sở. Hoàn thiện thể chế bộ máy quản lý và thực thi chính sách pháp luật về quản lý vật tư nông nghiệp, bảo đảm ATTP trong toàn hệ thống từ T.Ư đến địa phương. Trong đó, rà soát chuỗi quản lý vật tư nông nghiệp và ATTP nông sản đối với 19 ngành hàng chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN và PTNT để gắn với trách nhiệm cụ thể cho các tổng cục, cục, các đơn vị chức năng liên quan triển khai thực hiện Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17-2-2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ. Đồng thời phối hợp Bộ Nội vụ, các địa phương để có văn bản hướng dẫn và triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về NN và PTNT tại địa phương, làm cơ sở để bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi pháp luật trong quản lý vật tư nông nghiệp, bảo đảm ATTP nông sản được thống nhất, hiệu quả.

Đổi mới phương thức phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP giữa các cơ quan, đơn vị của bộ, giữa Bộ NN và PTNT với các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần phân công trách nhiệm rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao để rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động. Chú ý đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm huy động và phát huy mạnh mẽ các nguồn lực để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vật tư nông nghiệp, bảo đảm ATTP. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan,... phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật cấm, ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

NGUYỄN XUÂN CƯỜNG

Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33445502-giai-quyet-nhung-van-de-buc-xuc-trong-linh-vuc-nong-nghiep.html