Giải quyết ly hôn khi chồng không lên Tòa án

Tôi muốn đơn phương ly hôn, tôi đã nộp đơn lên Tòa án nhưng khi được mời chồng tôi không lên. Tôi xin hỏi về việc ly hôn khi chồng không lên Tòa?

Độc giả Mai Thị Hương: Hiện tại tôi đang muốn đơn phương ly hôn, tôi và chồng đã ly thân một năm nay, cả hai đều ở chung 1 thành phố. Tôi đã nộp đơn lên Tòa án nhân dân thành phố, tuy nhiên khi được mời, chồng tôi không lên Tòa. Có cách nào giải quyết khi chồng tôi không lên tòa không?

Giải quyết ly hôn khi chồng không lên Tòa án. Ảnh minh họa

Giải quyết ly hôn khi chồng không lên Tòa án. Ảnh minh họa

Luật sư trả lời:

Trường hợp của bạn hoàn toàn có thể yêu cầu đơn phương ly hôn và xét xử vắng mặt chồng. Bạn có thể kiểm tra lại hồ sơ của mình xem đã đầy đủ chưa, đã nộp lệ phí theo quy định pháp luật khi có yêu cầu hay chưa.

Hồ sơ ly hôn hợp lệ bao gồm những giấy tờ sau:

1. Đơn xin ly hôn (mẫu đơn ly hôn của Tòa án);

2. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

3. Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);

4.Chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng (bản sao có chứng thực);

5. Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực);

6. Giấy tờ xác nhận mức lương, giấy tờ chứng minh tài sản và các giấy tờ khác liên quan chứng minh quyền nuôi con nếu giành quyền nuôi con và giải quyết tranh chấp về tài sản nếu có.

Lúc nộp đơn không cần sự có mặt của chồng bạn. Việc chồng bạn không tham dự phiên tòa, Tòa án sẽ xử vắng mặt.

Trước hết, về việc chồng bạn không tham dự phiên hòa giải của Tòa án:

Khi Tòa án đã thông báo hợp lệ về phiên hòa giải trong vụ án ly hôn của vợ chồng bạn, mà chồng bạn – với tư cách là bị đơn, không tham gia phiên hòa giải thì Tòa án vẫn mở phiên hòa giải như đã thông báo. Việc bị đơn không tham gia phiên hòa giải rơi vào trường hợp quy định tại khoản 1 – Điều 207 – Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được, đó là: “Bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”. Vì vậy, Tòa án sẽ có biên bản không hòa giải được và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Thứ hai, về việc chồng bạn không tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm:

Điều 227 – Bộ luật tố tụng dân sự quy định về sự có mặt của đương sự như sau:

“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.”

Theo quy định của điều luật trên, chúng ra có các trường hợp sau:

- Trường hợp 1: Tòa án gửi giấy triệu tập hợp lệ lần thứ nhất – chồng bạn vắng mặt. Lúc này, bị đơn không cần lý do, Tòa án vẫn phải hoãn phiên tòa.

Thời hạn tối đa hoãn phiên tòa là 30 ngày

- Trường hợp 2: Tòa án gửi giấy triệu tập hợp lệ lần thứ hai. Có 2 giả thiết như sau:

+ Một là, nếu chồng bạn vắng mặt có lý do chính đáng thì Tòa án hoãn phiên tòa lần 2. Thời hạn hoãn phiên tòa không quá 30 ngày.

+ Hai là, nếu chồng bạn vắng mặt không có lý do chính đáng, không có đơn xin xét xử vắng mặt hay không có người đại diện theo ủy quyền tham gia phiên tòa thì Tòa án xét xử vắng mặt. Trường hợp chồng bạn có người đại diện theo ủy quyền tham gia phiên tòa thì người được ủy quyền có các quyền và nghĩa vụ của người ủy quyền.

Như vậy, việc chồng bạn vắng mặt – không tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn tiến hành các trình tự, thủ tục giải quyết vụ án đơn phương ly hôn của bạn mà không phụ thuộc vào việc có hay không có sự có mặt của bị đơn.

Luật sư Đặng Văn Cường

Trưởng văn phòng luật Chính Pháp

Lan Ninh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/giai-quyet-ly-hon-khi-chong-khong-len-toa-an-d107399.html