Giải quyết lãi suất chậm thi hành án: Luật chưa rõ ràng

Luật Thi hành án dân sự 2008 và sửa đổi bổ sung năm 2014 không quy định về lãi suất chậm thi hành án. Song đây là nghĩa vụ được quy định tại Điều 305, Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 357, Bộ luật Dân sự mới. Thực tế, việc xác định lãi suất và thời hạn tính lãi suất áp dụng vào từng vụ án vẫn đề cao sự tôn trọng thỏa thuận của các bên.

Trên thực tế, việc xử lý lãi suất chậm thi hành án vẫn dựa theo thỏa thuận của các bên

Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Tổng công ty 36 và ngân hàng do bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm, hai bên đạt được thỏa thuận tự nguyện.

Theo hợp đồng tín dụng trung và dài hạn ký kết ngày 24/4/2009, Tổng công ty 36 có trách nhiệm thanh toán cho ngân hàng số tiền nợ gốc là 87,6 tỷ đồng; nợ lãi 48,2 tỷ đồng. Ngoài trách nhiệm trả số tiền 136 tỷ đồng, Công ty không còn bất cứ nghĩa vụ nào đối với ngân hàng theo hợp đồng đã ký. Tổng công ty 36 phải thanh toán toàn bộ số tiền trên chậm nhất đến ngày 6/10/2016.

Trường hợp thanh toán không đầy đủ theo thời hạn thỏa thuận, ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện thi hành án theo pháp luật. Thời điểm phát sinh lãi được xác định kể từ ngày 7/10/2016. Tổng công ty 36 phải chịu khoản tiền lãi của tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất thỏa thuận của hợp đồng ký ngày 24/4/2009.

Trong một vụ án tranh chấp tín dụng khác, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội phiên phúc thẩm đã xác định cấp sơ thẩm tính lãi suất chậm thi hành án không chính xác. Cụ thể, năm 2013-2014, bà Lương Thị Hậu (trú tại quận Long Biên) ký hợp đồng vay vốn ngân hàng số tiền 2,6 tỷ đồng với mục đích tiêu dùng và đầu tư bất động sản. Tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất địa chỉ tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Do khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng khởi kiện ra tòa án đòi nợ và yêu cầu phát mại tài sản đảm bảo.

Năm 2015, Tòa án nhân dân Quận Long Biên đã tuyên buộc bà Lương Thị Hậu phải thanh toán nợ gốc và lãi là hơn 3,3 tỷ đồng. Đồng thời, bà Hậu phải tiếp tục chịu lãi suất kể từ sau phiên tòa sơ thẩm đối với khoản nợ gốc theo mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định, việc tính lãi suất phải được áp dụng theo Điều 305, Bộ luật Dân sự 2005. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản được quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

Hiện nay, cơ quan tố tụng vẫn thường áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố và xác định thời điểm tính lãi kể từ ngày bản án có hiệu lực. Khi tính lãi suất, chỉ tính lãi của số tiền chưa phải thi hành án, mà không tính lãi của số tiền chưa trả trong quá trình thi hành án.

Trong khi đó, Điều 357, Bộ luật Dân sự mới (có hiệu lực từ ngày 1/7/2017) quy định, lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên, nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại Khoản 1, Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 468 của Bộ luật này.

Căn cứ vào Điều 468, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất, thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại Khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Đánh giá mức lãi suất mới, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Dân sự mới chưa có sự rõ ràng và thống nhất khoản vay giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Do đó, cách tính lãi suất chậm thi hành án theo luật mới có thể gây ra nhiều băn khoăn.

Hà Linh

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/giai-quyet-lai-suat-cham-thi-hanh-an-luat-chua-ro-rang-167019.html