Giải quyết áp lực từ 'làn sóng' đô thị hóa

Các đô thị đang phải gánh những áp lực từ “sức hút” và "làn sóng" đô thị hóa. Để giải quyết vấn đề này, công tác quy hoạch và quản lý sau quy hoạch đóng vai trò quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh. Ảnh: infonet

Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về tốc độ đô thị hóa. Điều này cũng góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các đô thị lại đang phải gánh những áp lực từ “sức hút” và "làn sóng" đô thị hóa đổ bộ dồn dập.

Tuy nhiên, các đô thị lại đang phải gánh những áp lực từ “sức hút” và "làn sóng" đô thị hóa đổ bộ dồn dập. Để giải quyết vấn đề này, công tác quy hoạch và quản lý sau quy hoạch nhằm hướng tới sự phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng.

Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh.

BNEWS: Các đô thị đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước và công tác quy hoạch đang được xem như một “mắt xích” đặc biệt để tạo nên kết quả đó. Thứ trưởng nhận định ra sao về vấn đề này?

Thứ trưởng: Trong gần 20 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh, đạt được nhiều thành tựu trong kinh tế - xã hội và đã vươn lên thành nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Hệ thống đô thị Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rất tích cực và đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% (năm 1999) lên 35,7% (năm 2015).

Với số lượng 795 đô thị hiện nay, mức tăng trưởng kinh tế trung bình ở khu vực đô thị nước ta đạt từ 10-15% (cao gấp gần 2 lần so cả nước), nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của đô thị ước đạt 70-75% trong cơ cấu GDP cả nước. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước còn rất nặng nề trong khi Việt Nam lại là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới.

Do đó, để bắt kịp với xu hướng hội nhập toàn cầu, đô thị Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính cạnh tranh, giải quyết các bất cập đồng thời xây dựng các chính sách phát triển đô thị bền vững tích hợp giữa tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu cần được xem xét là mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện toàn diện định hướng giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực để giảm phát thải, đóng góp thiết thực vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

BNEWS: Tuy nhiên, càng phát triển nhanh thì các đô thị Việt Nam lại đang phải gồng mình gánh những áp lực do quá tải về hạ tầng. Vậy những khó khăn này cần phải giải quyết ra sao, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng: Bên cạnh những thành tựu về phát triển đô thị, quá trình đô thị hóa của nước ta đang diễn ra với một tốc độ cao, tiềm ẩn những vấn đề và thách thức cần được xem xét một cách cẩn trọng để tránh lặp lại những sai lầm của đô thị hóa tại các quốc gia khác.

Những bất cập dễ nhận thấy là sự xuống cấp về mặt môi trường, tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật không theo kịp so với nhu cầu sử dụng của người dân về giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải; đô thị phát triển theo phong trào, tràn lan, tự phát, không theo quy hoạch và kế hoạch...

Đó cũng là những vấn đề mà hầu hết chính quyền đô thị của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển trên thế giới hiện đang phải nỗ lực giải quyết.

Thực tế này đòi hỏi phải có sự điều chỉnh trong mô hình tăng trưởng của đô thị cũng như xây dựng các định hướng chiến lược, lộ trình thực hiện và giải pháp cụ thể, phù hợp với vai trò vị trí và đặc điểm đặc thù của mỗi đô thị.

Trước mắt, các địa phương cần nghiêm túc rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, đô thị, xác định các khu vực phát triển kèm theo kế hoạch thực hiện. Qua đó lồng ghép các mục tiêu, chỉ số về tăng trưởng xanh, nâng cao khả năng chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu trong các giải pháp quy hoạch, quản trị đô thị và đầu tư phát triển đô thị.

Cùng với việc rà soát, đánh giá tổng thể, hoàn thiện hệ thống các chính sách phát triển đô thị cần đảm bảo sự kết nối từ Trung ương đến địa phương; tạo dựng các không gian đô thị lành mạnh, có khả năng sống tốt nhằm nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của hệ thống đô thị Việt Nam.

Đồng thời, các hợp tác song phương và đa phương cần được đẩy mạnh nhằm xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh tại Việt Nam bắt nhịp với sự phát triển chung trên thế giới.

BNEWS: Cho dù quy hoạch có đi trước một bước, đáp ứng các tiêu chí đặt ra nhưng nếu quản lý sau quy hoạch không tốt, không có kế hoạch, nhất là tại các đô thị lớn thì bao nhiêu công sức cũng đổ xuống sông xuống biển. Vậy trong thời gian tới, Bộ Xây dựng dồn trọng tâm vào nhiệm vụ gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng: Việc đầu tiên cần làm là phải nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Tiếp đó là nâng cao năng lực quản trị và tính hiệu quả của quy phạm pháp luật về phát triển đô thị. Điều này có nghĩa là phải thay đổi tư duy của cả lãnh đạo và cán bộ nhà nước về trách nhiệm giải trình, tư duy phát triển với tầm nhìn mới và sáng tạo.

Thêm một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là phải cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị...; Có giải pháp tiếp cận nguồn tài chính tư nhân và khuyến khích khu vực tư nhân cung cấp các dịch vụ hạ tầng.

Cùng đó là việc chú trọng giảm nghèo và tăng trưởng bao trùm; tăng cường khả năng tiếp cận nhà ở phù hợp với điều kiện thu nhập; tăng cường khả năng tiếp cận tài chính nhà ở. Đặc biệt chú ý đến yếu tố bảo vệ môi trường và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Hướng tới nhiệm vụ này, hệ thống khung pháp lý cần được bổ sung, hoàn thiện về quy hoạch đô thị xanh một cách đồng bộ với đầy đủ bộ chỉ số đánh giá, lồng ghép tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và công trình kiến trúc xanh.

Trong các khung chính sách và chiến lược cấp quốc gia, lĩnh vực quy hoạch đô thị được dành ưu tiên cao nhằm tạo ra những công cụ kiểm soát quản lý phát triển đô thị hiệu quả và bền vững. Đây chính là cái đích mà chúng ta phải hướng tới trong cả hiện tại và tương lai và cần cả một hành trình dài để thực hiện chứ không thể nóng vội đòi hỏi thành công ngay trong một sớm một chiều.

BNEWS: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/giai-quyet-ap-luc-tu-lan-song-do-thi-hoa/43069.html