Giải pháp sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế

Thời gian qua, ngành y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH) đã có các giải pháp đột phá để các dịch vụ y tế được sử dụng hiệu quả hơn cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Các giải pháp không chỉ giúp giám sát, quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT hiệu quả mà qua đó còn tạo niềm tin để người dân chủ động tham gia BHYT.

Chăm sóc, điều trị người bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu.

Theo thống kê, đến nay, cả nước có hơn 82,01% người dân tham gia BHYT, trong khi đó, chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2017 là 82,2%. Theo đánh giá của Bộ Y tế, sự gia tăng nhanh số người tham gia BHYT thời gian qua thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị, ý thức chủ động tham gia BHYT của người dân nâng lên, quy định về BHYT thật sự đi vào cuộc sống và những giải pháp thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân khả thi. Đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhóm đối tượng khó phát triển thời gian qua nhưng hiện nay cũng đã có 24,2 triệu hộ gia đình tham gia BHYT. Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2017/TT-BYT về giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT, hướng đến sự bình đẳng, cùng phải trả một mức giá dịch vụ y tế giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT sẽ là thông điệp để huy động nhiều hơn nữa số người tham gia BHYT trong thời gian tới.

Một bước chuyển lớn trong thực hiện chính sách BHYT thời gian qua cũng cần được nhắc đến, đó là BHXH Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám định, thanh toán chi phí BHYT. Đến nay, đã có hơn 97% số cơ sở y tế kết nối dữ liệu khám, chữa bệnh với BHXH Việt Nam. Việc liên thông dữ liệu cho phép đánh giá tình hình sử dụng dịch vụ y tế trên toàn quốc và kiểm soát việc cung ứng dịch vụ y tế cho người bệnh, bảo đảm quỹ của người tham gia BHYT được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết, từ đầu năm đến nay, hệ thống đã phát hiện và từ chối hơn 10% số hồ sơ đề nghị thanh toán với số tiền gần 3.000 tỷ đồng do sai thông tin về thẻ BHYT, sai mức hưởng, đề nghị thanh toán trùng lặp hoặc chỉ định thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật ngoài phạm vi hưởng BHYT, dữ liệu mã hóa không đúng danh mục dùng chung. Hệ thống phát hiện các bất thường về tần suất khám chữa bệnh, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; sự gia tăng chi phí đột biến ở các tỉnh, các cơ sở khám chữa bệnh, qua đó kịp thời giám định, xử lý các trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Bước đầu, hệ thống đã phát hiện nhiều trường hợp kéo dài ngày nằm viện, đề nghị thanh toán không đúng quy định, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, không đúng quy trình kỹ thuật, áp sai giá dịch vụ, tách dịch vụ để thanh toán. Tình trạng trục lợi trong khám chữa bệnh cũng được hệ thống phát hiện. Đây lần đầu ngành BHXH có một dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với toàn bộ hệ thống y tế đồng bộ để bảo đảm quyền lợi cho người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Việc kiểm soát được chi phí, tần suất khám chữa bệnh trên toàn quốc bảo đảm quyền lợi BHYT được chi trả đúng đối tượng, tạo yên tâm, tin tưởng cho người tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, sự tiện lợi, hiệu quả trong khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT có cơ hội được nâng lên một bước khi Bộ Y tế vừa quyết định sẽ áp dụng liên thông xét nghiệm giữa các bệnh viện. Trước ngày 1-1-2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1; đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng tỉnh, thành phố và đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Khi liên thông, độ chính xác, tin cậy của xét nghiệm được nâng cao, tăng hiệu quả chẩn đoán và điều trị người bệnh do các phòng xét nghiệm được đánh giá chất lượng, tiến hành nội kiểm, ngoại kiểm, hiệu chuẩn thiết bị và triển khai thực hiện các giải pháp cải tiến quản lý chất lượng xét nghiệm. Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho rằng, việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ là thay đổi quan trọng nhưng cũng là thách thức để sử dụng hiệu quả dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT, tránh lãng phí quỹ BHYT và bảo đảm yêu cầu chuyên môn.

Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ BHYT hiện nay vẫn còn một số bất cập. Bộ Y tế cần xem xét xây dựng lại giá một số dịch vụ kỹ thuật để điều chỉnh tăng hoặc giảm, trên cơ sở các chi phí thực tế. Hiện nay, giá nội soi, công khám, cách tính ngày điều trị nội trú chưa sát thực tế, gây lãng phí quỹ BHYT. Chỉ tính riêng cách tính ngày điều trị nội trú hiện nay có thể gây lãng phí quỹ BHYT hơn một nghìn tỷ đồng/năm. Ngoài ra, BHXH Việt Nam sẽ áp dụng giải pháp giao dự toán kinh phí khám, chữa bệnh dựa trên số thực thu BHYT cho từng địa phương nhằm tăng quyền chủ động của cơ sở khám, chữa bệnh, sở y tế, chính quyền địa phương trong sử dụng quỹ và chịu trách nhiệm cân đối quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

THANH QUÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33310302-giai-phap-su-dung-hieu-qua-quy-bao-hiem-y-te.html