Giải pháp 'nuôi lớn' doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm 97% trong tổng số 610.000 doanh nghiệp của Việt Nam, hầu hết đều đang “khát” vốn để trưởng thành.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng nay (22/11), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến nội dung về hỗ trợ vốn và các cơ chế thông thoáng giúp doanh nghiệp sống khỏe trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang "khát" vốn (Ảnh minh họa: KT)

Đừng ngần ngại tạo cơ chế cho DNNVV

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh: Không phải nhà nước đưa tiền cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để sản xuất kinh doanh mà nhà nước tạo cơ sở và cơ chế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia.

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa không cần vốn là không đúng, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất cần vốn”, ông Thân nói.

Do đó, theo đại biểu Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nếu Quốc hội chủ động làm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt vào vốn thì tránh được thế bị động.

Giai đoạn 2008-2009, phải giảm và giãn nợ cho DNNVV 34.000 tỷ đồng, giảm và giãn cho thu nhập doanh nghiệp 21.630 tỷ đồng. Nghĩa là khi doanh nghiệp nhỏ và vừa vấp phải hoàn cảnh khó khăn, bị lỗ không trả được thuế thì mới xử lý tình thế đó để giảm và giãn… Nếu chấp nhận, nên giảm trước, ưu tiên trước, như vậy sẽ hay hơn và chủ động hơn, ông Thân nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân

Đại biểu Phùng Thị Thường (đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá, DNNVV đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và xóa đói, giảm nghèo…

Theo bà Thường, vấn đề là làm sao để khu vực này trở thành một động lực thực sự là nền kinh tế, nhất là đạt mục tiêu đến năm 2020 là 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đại biểu này cho rằng, cần phải có khung pháp lý, các chính sách hỗ trợ để thực hiện tốt mục tiêu này, cần ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vì sao DNNVV chưa chịu “lớn”?

Số lượng 520.000 DNNVV hiện nay là quá lớn so với nguồn lực từ ngân sách vốn đã rất hạn hẹp, bà Thường nêu thực tế. Vì thế, bà Thường khuyến nghị, không nên đưa ra các chính sách kiểu hỗ trợ cào bằng, rải đều một cách chung chung mà phải xem xét, lựa chọn nhóm, ngành, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, có nền tảng và cơ bản có khả năng tham gia hoặc sẽ tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, phù hợp với kế hoạch dịch chuyển cơ cấu các cấp và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đặc biệt thích ứng với xu hướng phát triển của nền công nghiệp lần thứ 4.

Đại biểu đoàn Vĩnh Phúc lưu ý: Cần xem xét lại tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, không chỉ căn cứ số lao động bình quân.

Bà Thường đặt câu hỏi: Đơn vị nào thẩm định doanh nghiệp đã lớn mạnh để ngưng không nhận các khoản hỗ trợ nữa? “Tôi nghĩ đây cũng là một nội dung cần xem xét bổ sung chế định nhằm tránh các trường hợp doanh nghiệp cố gắng duy trì ở mức nhỏ và vừa bền vững để luôn nhận sự hỗ trợ”, nữ đại biểu băn khoăn.

Về tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) tán thành sử dụng tiêu chí tổng nguồn vốn và số lao động để phân loại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, tiêu chí về số lao động cần được quy định rõ, gắn với tiêu chí tham gia bảo hiểm xã hội, làm cơ sở để kiểm soát và đối xử công bằng. Đồng thời cũng là biện pháp tích cực để thúc đẩy, mở rộng diện bao phủ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Đại biểu Trần Thị Hiền

Bà Hiền đề cao mục tiêu phát triển một số doanh nghiệp mạnh mang thương hiệu quốc gia và đề nghị đặt DNNVV vào vị trí trung tâm để thiết kế quy phạm về chính sách hỗ trợ.

Đại biểu Hiền dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng dư nợ trong vay doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn 2011-2015 chưa bao giờ vượt mức 30%, càng ngày càng giảm sâu. “Năm 2015 chỉ đạt 22,6%, là dẫn chứng thực tế đòi hỏi cần tư duy lại để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, khơi thông cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Hiền nêu rõ.

Đồng quan điểm này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nhấn mạnh: “Việc hỗ trợ không phải là hoạt động từ thiện, hảo tâm nên để các nhà đầu tư bỏ tiền ra thì họ phải nhìn thấy, kỳ vọng thấy lợi ích sẽ thu về…”

Đại biểu Hoàng Quang Hàm

Ông Hàm phân tích: Việc hỗ trợ gián tiếp từ ngân sách chưa nhìn thấy điểm sáng, huy động các nguồn lực trong xã hội phải tuân theo tiếng gọi của thị trường, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, nhưng chưa có hướng đi cụ thể. Vì thế, về lâu dài, theo đại biểu này, không nên trông chờ vào hỗ trợ từ ngân sách mà phải theo quan điểm nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ bằng thể chế, cơ chế chính sách.

Đại biểu đoàn Phú Thọ gợi ý, cần kết nối các DNNVV với các doanh nghiệp lớn trong các chuỗi quốc gia phân phối sản phẩm để tạo công việc và tạo điều kiện phát triển cho các DNNVV. Các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phải có trách nhiệm thực hiện kết nối với các DNNVV./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/giai-phap-nuoi-lon-doanh-nghiep-nho-va-vua-571565.vov