Giải pháp nào để không làm oan, không bỏ lọt tội phạm ấu dâm?

Pháp luật Plus có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Văn Điệp, PGĐ Học viện Tòa án để phân tích, mổ xe những vụ việc gây bức xúc trong dư luận.

PV: Thưa TS Nguyễn Văn Điệp, nghi án cháu bé lớp 1 bị xâm hại ngay tại trường học (ở TP HCM) hiện đang là vấn đề bức xúc và nổi cộm. Tuy nhiên, sự việc đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Có ý kiến cho rằng, cơ quan điều tra thận trọng trong việc cáo buộc đối với người phạm tội, cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng vi phạm tố tụng. TS có nhận định gì về ý kiến nêu trên?

TS Nguyễn Văn Điệp: Vấn đề bạn hỏi rất rộng, tôi chỉ nêu ra những ý chính như sau; Việc cơ quan điều tra thận trọng trong việc đưa ra kết luận một người có hay không hành vi phạm tội, đó là điều cần thiết. Việc này đúng với quy định của Hiến pháp và pháp luật, đạo đức của người điều tra viên.

Để xử lý một vụ án hình sự đòi hỏi nhiều nguồn chứng cứ khác nhau.

Cụm từ ấu dâm để miêu tả hành vi dâm ô và hiếp dâm trẻ em. Đối với hành vi dâm ô trẻ em, dấu vết để lại không nhiều.

Thế nhưng, hành vi hiếp dâm trẻ em, bao giờ cũng để lại dấu vết trên cơ thể nạn nhân, như tinh dịch, máu, các vết trầy xước.

Trên đồ vật như quần áo, dép… Do đó, cần xem xét, giám định, phân tích thận trọng.

Mặt khác, luật pháp quy định hình phạt đối với hành vi hiếp dâm trẻ em là rất nặng; có thể chung thân, thậm chí tử hình. Chính vì những yếu tố này, cơ quan chức năng cần có thời gian xem xét, điều tra, thu thập chứng cứ trước khi hạ bút ký khởi tố bị can.

PV: Thưa TS, trong thời gian qua không chỉ vụ cháu bé lớp 1, ở TP HCM mà nhiều vụ án dâm ô, hiếp dâm trẻ em xảy ra trên địa bàn cả nước, đều trong tình trạng xử lý chậm trễ. Thậm chí đã có cuộc hợp báo giữa cơ quan điều tra để trả lời báo chí có hay không hành vi phạm tội. Tuy nhiên, đến nay cơ quan điều tra chưa có thông báo chính thức về việc này. Vì sao thưa TS?

TS Nguyễn Văn Điệp: Như tôi đã nêu ở phần trên, cần thận trọng để tránh làm oan người vô tội và tránh để lọt tội phạm.

Để có kết luận khách quan, chặt chẽ về mặt pháp lý. Trước tiên, căn cứ vào lời tố cáo của gia đình nạn nhân, của chính nạn nhân. Sau đó, cơ quan tiến hành tố tụng cần triển khai mau lẹ, kịp thời, kết hợp giữa cơ quan y tế, pháp y và cơ quan điều tra.

Bản thân tôi không chứng kiến, không tiến hành điều tra vụ việc nêu trên, do đó tôi không thể đưa ra nhận định chính xác về sự việc. Tuy nhiên, tôi sẽ đưa ra quan điểm để áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể.

Khi phát hiện có nghi vấn con trẻ bị xâm hại, việc đầu tiên cần phải làm là kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan y tế và cơ quan điều tra.

Tiến hành đồng thời khẩn trương kiểm tra các dấu vết trên cơ thể của trẻ, cần phải phân tích bằng việc giám định, các hình ảnh phải được ghi lại tỉ mỉ.

Nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội cần khỏi tố vụ án ngay, theo quy định của pháp luật hình sự, tại Điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự.

Trong trường hợp chưa khỏi tố vụ án có nhiều lý do; do vụ án phức tạp cần có thời gian để thu thập chứng cứ, xác minh, cần lảm rõ nhiều tình tiết….Hoặc có thể không có dấu hiệu phạm tội.

Nếu các chứng cứ không khách quan, chưa đủ để cáo buộc thì cơ quan điều tra cần làm thêm các xét nghiệm y học (nếu đó là hành vi hiếp dâm).

Khi đó có đủ căn cứ để xác định một người là tội phạm hoặc nghi phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng phải khởi tố bị can.

TS Nguyễn Văn Điệp, Phó Giám đốc Học viện Tòa án (Ảnh Lương Liễu).

PV Thưa TS, theo Điều 100 của bộ luật hình sự chỉ cần có 1 trong năm yếu tố là có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, sự việc cháu bé lớp 1 xảy ra ỏ TP HCM, hay cháu bé 8 tuổi ở Hà Nội có đơn trình báo nhưng cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án, hoặc chậm khởi tố. Tại sao lại như vậy, thưa TS?

TS Nguyễn Văn Điệp: Nếu có đủ căn cứ quy định tại Điều 100 bộ luật tố tụng hình sự mà cơ quan chức năng không khỏi tố vụ án, đó là vị phạm tố tụng.

Có thể chưa khởi tố bị can, vì chưa xác định được nghi phạm (người phạm tội) nhưng có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố vụ án ngay, kịp thời, để khoanh vùng truy tìm hung thủ, người phạm tội.

Khởi tố vụ án và khởi tố bị can là hai thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, có trường hợp cơ quan chức năng đồng thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong trường hợp phạm tội bị bắt quả tang.

PV: TS có thể đưa ra ý kiến gì để giúp người dân trong tình huống cụ thể nêu trên?

Nếu có dấu hiệu phạm tội, đã báo cơ quan chức năng nhưng cơ quan điều tra không khỏi tố vụ án, người dân có quyền gửi đơn lên VKS để kiến nghị vào cuộc điều tra.

Vì khi phát hiện vị phạm tố tụng, chức năng của VKS có quyền điều tra độc lập về lĩnh vực này.

PV: Xin cảm ơn TS.

Điều 100: Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:

1. Tố giác của công dân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;

3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;

4. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;

5. Người phạm tội tự thú

Lương Liễu

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/giai-phap-nao-de-khong-lam-oan-khong-bo-lot-toi-pham-au-dam-d38742.html