Giải pháp nào cho cây hồ tiêu ở Tây Nguyên phát triển bền vững?

Với lợi thế về môi trường sinh thái, cộng với giá hạt tiêu cơ bản ổn định ở mức cao, trong những năm gần đây, cây hồ tiêu phát triển nhanh trên vùng đất Tây Nguyên, mở ra cơ hội làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân. Tuy nhiên, do phát triển 'nóng', diện tích hồ tiêu vùng Tây Nguyên đã vượt xa quy hoạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, vấn đề phát triển bền vững cây hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên cần cần bảo đảm tính quy hoạch, gắn với xây dựng thương hiệu và hiệu quả kinh tế.

Hiệu quả kinh tế và xây dựng thương hiệu

Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho biết: Nếu như năm 1986, chỉ vài chục hộ dân trồng thử nghiệm mấy trăm trụ hồ tiêu, thì đến năm 2014, diện tích hồ tiêu ở Tây Nguyên đạt 50.000ha, và đến năm 2016 là 70.615ha, trong đó có hơn 40.000ha cho thu hoạch, với sản lượng gần 121.000 tấn hạt tiêu. Về hiệu quả kinh tế của cây hồ tiêu, đồng chí Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai) khẳng định: Hồ tiêu ở Gia Lai cho năng suất cao nhất nước, bình quân 4-4,5 tấn/ha. Đặc biệt, có những vườn hồ tiêu ở các huyện Chư Sê và Chư Pưh, năng suất đạt 8-10 tấn/ha. Vì thế, cây hồ tiêu được coi là cây trồng siêu lợi nhuận, cây của nhà giàu. Nhất là mấy năm gần đây, giá hồ tiêu giữ ổn định ở mức cao, có thời điểm như giữa năm 2015, giá đạt đỉnh ở mức 230.000đồng/kg. Ngay cả thời điểm đầu niên vụ 2017 này, giá đã giảm xuống ở mức 90-100 nghìn đồng/kg, thì người trồng hồ tiêu vẫn có thu nhập cao hơn gấp 2-3 lần so với các loại cây trồng khác.

Vườn hồ tiêu năng suất cao của nông dân xã Ea Bhốc, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắc Lắc).

Từ chỗ đạt hiệu quả kinh tế cao, chính quyền, ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên đã quan tâm xây dựng thương hiệu hồ tiêu. Tính đến tháng 5-2017, toàn vùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu hồ tiêu cho các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông (tỉnh Gia Lai), Đắc Song (tỉnh Đắc Nông) và Cư Kuin (tỉnh Đắc Lắc). Các huyện trên cũng đã thành lập Hiệp hội Hồ tiêu của địa phương.

Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, đến năm 2017, thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” đã đăng ký ra 8 nước, gồm: Mỹ, Đức, Hà Lan, Bỉ, Ấn Độ, Xin-ga-po, Trung Quốc và Lúc-xăm-bua. Sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam đã có mặt tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm hơn 50% lượng hồ tiêu giao dịch hằng năm trên toàn cầu. Cụ thể, năm 2016, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu đạt con số kỷ lục từ trước đến nay, với sản lượng 179,23 tấn, tổng kim ngạch hơn 1,439 tỷ USD.

Cần quy hoạch để phát triển bền vững

Không ai phủ nhận hiệu quả kinh tế mà cây hồ tiêu mang lại cho nông dân Tây Nguyên trong vòng 15 năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc phát triển quá “nóng", đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, cùng những thách thức lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nông nghiệp vùng Tây Nguyên. Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2030, diện tích hồ tiêu cả nước là 50.000ha. Nhưng theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến năm 2016, diện tích hồ tiêu cả nước hơn 110.002ha. Riêng vùng Tây Nguyên tính đến tháng 5-2017, diện tích hồ tiêu khoảng 75.000ha, vượt xa so với quy hoạch; trong đó tỉnh Gia Lai vượt hơn 10.000ha, Đắc Lắc vượt hơn 12.000ha, và tỉnh Đắc Nông vượt 18.000 ha(!).

Nông dân xã Ea Bhốc, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắc Lắc) thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2017.

Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên lo ngại: Hồ tiêu là cây trồng khó tính và cần nhiều nước, trong khi đó, diện tích tăng quá nhanh, dẫn tới tình trạng không đủ nước tưới trong mùa khô hạn, khi xảy ra hạn hán, tỷ lệ rủi ro vườn hồ tiêu rất cao. Và khi vườn hồ tiêu bị bệnh, hoặc chết do khô hạn thì rất khó phục hồi, thường phải phá bỏ để trồng mới, với chi phí tốn kém. Theo tính toán, đầu tư trồng 1ha hồ tiêu trong chu kỳ 3 năm kiến thiết cơ bản, nếu sử dụng trụ cây sống khoảng 400 triệu đồng; trụ bê tông 800 triệu đồng; và trụ gỗ hơn 1 tỷ đồng...

Vấn đề đặt ra hiện nay, để cây hồ tiêu ở Tây Nguyên phát triển bền vững, theo Tiến sĩ Trương Hồng, trước hết các tỉnh phải quản lý chặt quy hoạch, định hình các vùng chuyên canh lớn, nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp; chỉ rõ những vùng đất điều kiện sinh thái không thích hợp với cây hồ tiêu, như thiếu nước tưới, dễ xảy ra dịch hại; đồng thời khuyến cáo nông dân chuyển đổi hồ tiêu trên đất không thích hợp, vùng hay xảy ra dịch hại, sang trồng loại cây khác, nhằm đạt hiệu quả kinh tế. Khảo nghiệm và công bố các bộ giống tiêu năng suất cao, kháng bệnh tốt cho nông dân đưa vào sản xuất. Hiện tại, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên bước đầu đánh giá giống tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị) phù hợp với vùng đất Tây Nguyên. Viện đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, đồng thời tiến hành nuôi cấy mô; trong khoảng hai năm tới sẽ cho ra bộ giống sạch bệnh, cung cấp cho nông dân. Cũng nhằm hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu Tây Nguyên, ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho rằng, phải tổ chức liên kết sản xuất giữa các nhóm nông hộ với nhau; giữa hộ, nhóm hộ nông dân với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra; đồng thời ngành hàng hồ tiêu Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung cần đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ chế biến và xúc tiến thương mại cả ở thị trường quốc tế và trong nước.

Bài và ảnh:KIỀU BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-phap-nao-cho-cay-ho-tieu-o-tay-nguyen-phat-trien-ben-vung-507809