Giải pháp khắc phục tình trạng 'loạn' bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo

Trước thông tin Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 người trong biên chế thì có đến 44 người được bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý với chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên làm cho dư luận không khỏi bức xúc trước tình trạng bổ nhiệm cán bộ hiện nay

Ảnh minh họa (internet)

Nhiều vụ việc phát hiện bổ nhiệm cán bộ bất thường trong các cơ quan nhà nước nhưng khi tiến hành kiểm tra, thanh tra đều có chung kết luận là “đúng quy trình” nên chưa thể có hướng xử lý triệt để vấn đề. Không chỉ “loạn” việc bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý, mà còn tình trạng bổ nhiệm người thân, người nhà, bổ nhiệm ồ ạt khi thủ trưởng chuẩn bị về hưu, làm cho dư luận đặt vấn đề liệu có công khai, minh bạch, dân chủ hay tiêu cực trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay hay không?

Thực trạng trên cho thấy, vấn đề bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước hiện nay đang có một lỗ hổng pháp lý, cần phải có biện pháp hoàn thiện, khắc phục, nếu không sẽ mất lòng tin của cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân đối với công tác quản lý và sử dụng cán bộ, công chức hiện nay.

Để giải quyết vấn đề “loạn” bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tôi cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý như khống chế số lượng lãnh đạo trên tổng thể cán bộ, công chức của một cơ quan, đơn vị.

Hiện nay, pháp luật mới quy định số lượng cấp phó (người đứng đầu ngành, địa phương) theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Tuy nhiên, đối với lãnh đạo, quản lý là cấp phó tại các phòng, ban trực thuộc cơ quan, đơn vị cụ thể thì chưa quy định số lượng cụ thể. Cho nên một số cơ quan, đơn vị, phòng chỉ có 03 cán bộ thì 01 người là trưởng phòng, 02 người còn lại là phó phòng, không có nhân viên. Do đó, cần phải quy định cụ thể số lượng cấp phó đối với các phòng, ban trực thuộc cơ quan, đơn vị. Ví dụ: Phòng có 10 cán bộ thì 01 người là trưởng phòng và 01 người là phó phòng, không phát sinh thêm cấp phó và phải đảm bảo áp dụng thống nhất.

Thứ hai, thời gian qua, tình trạng bổ nhiệm người thân, người nhà trong các cơ quan nhà nước diễn ra phổ biến mà không giải pháp khắc phục, nhiều vụ việc phát hiện bổ nhiệm người nhà như cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ… đã được dư luận, báo chí thông tin, nhưng lại “chìm xuồng” vì bổ nhiệm đúng “quy trình”, không vi phạm pháp luật. Cho nên, để khắc phục cần phải có quy định cấm theo hướng, “không cho phép tuyển dụng người nhà vào làm việc trong cùng cơ quan”.

Thứ ba, hiện nay việc phân cấp quản lý cán bộ theo hướng giao cho các Sở, ngành, địa phương phải tự chủ động vấn đề nhân sự dựa theo tình hình thực tế để đảm bảo hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Do đó, khi được trao quyền trong công tác bổ nhiệm cán bộ, nhất là bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các phòng, đơn vị trực thuộc, thủ trưởng các cơ quan toàn quyền quyết định mà chưa có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dẫn lạm quyền, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn.

Nhiều thủ trưởng sắp về hưu ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo, quản lý không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào thời điểm này vì không còn sợ trách nhiệm. Vì vậy, cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấm thủ trưởng cơ quan, đơn vị không được bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo quản lý trước khi nghỉ hưu.

Thứ tư, cần ban hành quy định về các điều kiện, tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo, quản lý cụ thể; dựa vào điều kiện, tiêu chuẩn đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, tuyệt đối không cho phép “nợ” điều kiện, tiêu chuẩn như cho “nợ” bằng cấp, chứng chỉ; “nợ” số năm công tác... Muốn vậy, trước khi bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý phải rà soát đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn; nếu phát hiện thiếu điều kiện, tiêu chuẩn thì không bổ nhiệm hoặc đã bổ nhiệm nhưng phát hiện không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì phải hủy bỏ quyết định bổ nhiệm. Bên cạnh đó, cần phải bám sát quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị, nếu không phù hợp với quy hoạch thì không được phép bổ nhiệm.

Ngoài các nội dung trên, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải có một quy trình chặt chẽ từ khâu lấy phiếu tín nhiệm, công khai, minh bạch, phát huy dân chủ, cạnh tranh, rà soát tiêu chuẩn nhiều mặt… thì mới có thể bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách khách quan, đúng điều kiện, tiêu chuẩn, phát huy tính dân chủ, công bằng…mới có thể sẽ hạn chế tình trạng “loạn” bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước hiện nay.

Minh Anh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-loan-bo-nhiem-can-bo-lanh-dao-603931.bld