Giải pháp hạn chế tai nạn giao thông - Xử lý khiếm khuyết hạ tầng

Thời điểm này hầu hết các quận huyện “chạy đua” thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn. Một trong những giải pháp hiệu quả nhất là điều chỉnh lưu thông giữa các làn xe.

Nhận thức sự nguy hiểm đặc biệt của các điểm đen TNGT là do hạ tầng kỹ thuật giao thông còn hạn chế, phương tiện và dân số tăng nhanh, ý thức chấp hành luật của người dân còn kém và trên một số tuyến không có giải phân cách giữa xe hai bánh và ô tô như quốc lộ 1A..., Sở Giao thông vận tải đã phối hợp các quận 12, Thủ Đức, Bình Tân lắp đặt toàn bộ dải phân cách tách xe gắn máy và xe tải lưu thông riêng biệt nhau. Nhiều người lưu thông qua tuyến này nhận xét xe cộ lưu thông trật tự hơn.

“Có dải phân cách, tốc độ lưu thông nhanh hơn vì không phải thắng gấp hay giật mình vì xe máy chen ngang bất thình lình như trước đây” - tài xế Nguyễn Minh Vũ ngụ quận 12 cho biết.

Ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND quận 12 phấn khởi cho biết: Sau khi lắp đặt dải phân cách, chỉ riêng đoạn từ ngã tư An Sương đến cầu Bình Phước, số vụ tai nạn giảm nhiều. Trước đây, 90% nguyên nhân tai nạn trên tuyến này do xe máy lưu thông vào làn xe tải. Việc lắp dải phân cách giảm hẳn các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT như: lưu thông không đúng làn đường, chuyển làn không đúng quy định, không làm chủ tốc độ…

Theo ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở GTVT TPHCM, trong năm 2012, Sở GTVT TPHCM sẽ triển khai lắp đặt dải phân cách trên nhiều tuyến đường có nguy cơ xảy ra tại nạn cao. Cụ thể, là các tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Bình Chánh, quốc lộ 13, đường Cộng Hòa, Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội… với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.

TNGT trên tuyến quốc lộ 1A giảm là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người tham gia lưu thông ý thức chấp hành luật giao thông kém. Nhất là đoạn đi qua quận Bình Tân có rất nhiều công nhân ở các KCN thường không chấp hành luật giao thông, người đi xe máy ngang nhiên chạy vào làn ô tô, xe tải vào giờ tan ca rất dễ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, xe tải thường đậu trên đường (làn dành cho xe gắn máy lưu thông), gây cản trở giao thông.

Thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiến hành lắp đặt các biển báo cấm dừng, đậu những nơi hợp lý và điều chỉnh một số nơi thiếu an toàn. CSGT sẽ tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp phương tiện đi sai làn đường. Trong trường hợp không có sự điều tiết của CSGT mà ô tô cố tình len vào làn xe máy để đi thì xử phạt 1,2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày.

Thời điểm hiện nay hầu hết các quận huyện “chạy đua” thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn. UBND huyện Bình Chánh cho biết, trong tháng vừa qua, huyện kiểm tra những khiếm khuyết trong tổ chức giao thông, kiểm tra cơ sở hạ tầng, kỹ thuật giao thông. Nhất là các công trình trọng điểm thường xảy ra tai nạn như xây dựng tỉnh lộ 10, quốc lộ 50, đường nối từ đường Võ Văn Kiệt vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương… Lực lượng CSGT huyện Bình Chánh tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến đường thường xảy ra TNGT trong thời gian từ 12 giờ đến 18 giờ và từ 18 giờ đến 24 giờ hàng ngày.

Huyện Bình Chánh đang kiến nghị TPHCM và Bộ GTVT khẩn trương mở rộng thêm 30m tại mỗi bên, phân làn, lắp dải phân cách trên quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn huyện như các quận đã làm.

Làm được việc này sẽ hạn chế tối đa tai nạn giao thông và sẽ tạo được tạo ý thức chấp hành luật giao thông cho người tham gia giao thông. Hiện nay đoạn quốc lộ 1A đi qua huyện rất hẹp, xe gắn máy và xe tải đều phải lưu thông cùng làn đường vì không còn đường nào khác. Trong thời gian tới, huyện Bình Chánh tập trung xử phạt người tham gia lưu thông có nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Tập trung kiểm tra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán không đúng nơi quy định. Phối hợp lực lượng tập trung kiểm tra, yêu cầu khắc phục đối với các nơi kinh doanh buôn bán, tụ điểm ăn uống gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Liên tục những ngày qua, Ban Pháp chế HĐND TPHCM đã giám sát nhiều quận huyện, ban ngành về việc triển khai thực hiện Năm trật tự ATGT. Hầu hết các đại biểu cho rằng cần tính toán chỉ tiêu kéo giảm số vụ ùn tắc giao thông, cũng như tính toán các tuyến đường có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm kéo giảm số tuyến đường và số vụ xảy ra ùn tắc giao thông. Sắp xếp lại trật tự lòng lề đường như thế nào cho hợp lý.

Tính toán nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng đua xe trái phép để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ đến toàn thể các doanh nghiệp, người lao động sinh sống trên địa bàn. Phân luồng giao thông đảm bảo không để ùn tắc trên các tuyến đường vào giờ cao điểm…

QUỐC HÙNG - THÁI BÌNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xahoi/2012/2/281135/