'Giải pháp gãi đúng chỗ, không phải ngứa đầu mà gãi dưới chân'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tính gay gắt của doanh nghiệp trong hội nghị lần này đã giảm. Những việc đã làm trong năm qua chưa hoàn thiện song đã gãi đúng chỗ ngứa.

Phát biểu khai mạc hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra lúc 7h30, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết từ hội nghị lần đầu tiên diễn ra năm 2016, chủ trương “doanh nghiệp là động lực cùng phát triển kinh tế đất nước” là tư tưởng xuyên suốt. Hội nghị lần thứ hai này là để xem lại một lượt chúng ta đã làm được gì và chưa làm được gì.

“Muốn Hà Nội đẹp như Paris”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi: “Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Pari” và lời chí sĩ Lương Văn Can: “Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... Ông cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ dẫn lời doanh nhân Bạch Thái Bưởi với mong muốn "Hà Nội đẹp như Paris". Ảnh: Tiến Tuấn.

Do đó, thông điệp được người đứng đầu Chính phủ đưa ra là ông mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Đến Boeing cũng không thể làm máy bay ở Việt Nam!

Các ý kiến liên quan đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam được nhiều đại biểu đưa ra trong “Hội nghị Diên Hồng” lần hai.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết bên cạnh những điểm cải thiện và nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành, địa phương thì vẫn còn một số tồn tại liên quan đến phí.

“Chi phí nộp thuế tại Việt Nam cao nhất khu vực chiếm 39% lợi nhuận làm ra. Mức này cao hơn 2 lần so với Singapore. Trong khi đó, tốc độ tăng lương tối thiểu lại cao hơn so với năng suất lao động”, ông bày tỏ. Ngoài ra, theo cung cấp của tư lệnh ngành này, 665 doanh nghiệp xác nhận phải tra chi phí không chính thức và phần chi phí này là gánh nặng của doanh nghiệp.

Biểu đồ tăng trưởng tín dụng theo báo cáo của Thống đốc Lê Minh Hưng. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Ông cũng cung cấp thông tin rằng đang có quá nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thương mại, xây dựng, bất động sản và quá ít doanh nghiệp chế biến chế tạo (16%) - bộ phận cốt lõi của nền kinh tế.

Còn theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn vấn đề. Ông dùng hình ảnh ẩn dụ “đến Boeing cũng không làm được máy bay tại Việt Nam” để nói về điều này.

“Doanh nghiệp vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách kiểu sớm nắng chiều mưa, ông nói gà, bà nói vịt. Doanh nghiệp than thở vì phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra. 14% doanh nghiệp cho biết bị kiểm tra 4 lần trở lên trong năm 2016. Trên 50% cho rằng nội dung thanh tra trùng lặp”, ông Lộc phát biểu ý kiến.

Theo lãnh đạo VCCI, việc giảm chi phí là yêu cầu cấp thiết. “Chính phủ kiến tạo nói đến hỗ trợ, nhưng cái doanh nghiệp cần nhiều hơn là quản trị, pháp luật kinh doanh minh bạch, không bị can thiệp hành chính”, ông bày tỏ.

“Công, tư bình đẳng, không phải thuận để cho công, khó đẩy cho tư”

Không giống như hội nghị lần đầu tiên, lần này, các doanh nghiệp chia sẻ đã có phần bớt gay gắt hơn. Cao trào gần như không có nhiều. Tuy nhiên, phát ngôn của ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam, trong hội nghị năm nay được đánh giá là “cá tính”.

Ông Đệ thẳng thắn cho biết nếu lấy tiền Nhà nước ra làm, thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn. Ông đề nghị: “Công, tư phải bình đẳng” và cho tư nhân tham gia vào, không phải “thuận để cho công, khó đẩy cho tư”.

Bầu Đệ là một trong những doanh nhân hiếm hoi được đánh giá là có phát ngôn "cá tính" trong hội nghị năm nay khi nói thẳng "công, tư phải bình đẳng" và đừng "thuận để cho công, khó đẩy cho tư". Ảnh: Tiến Tuấn.

Bầu Đệ cũng dẫn ngay ví dụ tại Hải Phòng có chuyện chính quyền động viên doanh nghiệp đầu tư 50 tỷ vào bến xe, sau đó lại “lật kèo”. “VCCI cử tôi làm đại diện nhưng nhắn tin, gọi điện cho lãnh đạo thành phố không được. Tôi nằm ở đó 3 ngày, cuối cùng về người không”, ông nói.

Phần trình bày của ông Đệ là phần hiếm hoi của giới doanh nhân nhận được ủng hộ. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá phát biểu này là thẳng thắn và cho hay việc nâng cao chất lượng cán bộ đang được quyết liệt tăng cường.

Phản hồi về ý kiến của ông Đệ, lãnh đạo TP. Hải Phòng cho rằng không có chuyện chính quyền bàng quan. “Anh Đệ nói thế nhưng tôi chưa bao giờ nghe được điện thoại, chưa nhận được tin nhắn. Chúng ta không thể can thiệp thô bạo”, đại diện chính quyền Hải Phòng cho biết.

Bà chủ Tập đoàn - Thái Hương - mang đến hội nghị thông điệp về chữ tín và “sự tử tế”. Bà cho biết muốn biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới thì trước hết cần phải làm tử tế ngay trong nước, ban hành tiêu chuẩn sản phẩm để doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

Chủ tịch Tập đoàn TH Thái Hương với thông điệp về "chữ tín". Ảnh: Tiến Tuấn.

Kiến nghị thanh tra 60 dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng

Với lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng thị trường nằm trong chu kỳ tăng trưởng song tồn tại nhiều rủi ro bên trong. Các vấn đề hiện tại là cơn sốt đất nền tại TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang và 60 dự án bị Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra…

5 đề xuất cũng được vị này gửi đến Thủ tướng, trong đó có việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tìm giải pháp hạ nhiệt cơn sốt đất nền vùng ven TP.HCM.

Về hơn 60 dự án bất động sản bị kiến nghị thanh tra, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đề xuất này thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng rà soát các nghị định về chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần, các đơn vị có vấn đề về chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cơn sốt đất nền trải từ TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng... khiến cho ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lcho rằng đó là "rủi ro bên trong" dù thị trường bất động sản tăng trưởng. Ảnh: Tiến Tuấn.

Theo ông Dũng, văn bản báo cáo Chính phủ có 2 nội dung: thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra đối với các dự án có dấu hiệu sai phạm, giá đất không sát giá thị trường, có nguy cơ thất thoát ngân sách và danh sách mang tính chất tham khảo. Thứ hai, các tỉnh được yêu cầu tạm thời đình chỉ dự án nhà cao tầng ở thành phố lớn khi những dự án này chưa thực hiện đúng thẩm quyền, sử dụng đất chưa qua đấu giá.

Chúng ta đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”

Hội nghị kéo dài từ 7h30 đến gần 14h. Kết luận tại hội nghị năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ngay 13h đã có một chỉ thị mang số hiệu 20 được ban hành, để gỡ khó cho doanh nghiệp. Theo người đứng đầu Chính phủ, việc thanh tra sẽ không được để một năm quá một lần và nếu thanh tra đột xuất vi phạm trực tiếp không được mở rộng.

Theo đánh giá của Thủ tướng, so với hội nghị năm trước, các ý kiến gay gắt đã bớt đi rất nhiều chứng tỏ chúng ta đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”.

Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp “năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp”...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cầm trên tay chỉ thị 20 vừa được ký ngay tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, để giải quyết những bức xúc trong việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Ảnh: Tiến Tuấn.

Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải chiếm lĩnh chính địa bàn của mình – thị trường lớn thứ 13 trên thế giới. Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nay hàng Việt Nam phải chinh phục thị trường Việt Nam. Nếu quên thị trường này, chúng ta sẽ thất bại.

Xu hướng tương lai không cho phép tồn tại quan điểm quản trị trì trệ, không đáp ứng được nhu cầu mới.

Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp,.. và nhấn mạnh trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch địa phương, Bộ trưởng trưởng ngành phải thực hiện những nhiệm vụ này.

"Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, tôi nhấn mạnh mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng. Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp 'năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp'', người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: "Doanh nghiệp không cần chung chung, Chính phủ không cần chung chung. Tiếp đó là phải rất thiết thực để làm sao chi phí không chính thức giảm, không lỡ cơ hội kinh doanh.

Chúng ta phải rất khẩn trương, không đủng đỉnh. Thuế đã có bước tiến nhưng vẫn đứng thứ 67 thế giới, nếu đứng thứ tư ASEAN cần 60. Về tiếp cận điện năng, chúng ta đứng thứ 32. Sau 4 năm nỗ lực nhưng vẫn đứng thứ 96. Vì thế, phải khẩn trương".

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ cần loại bỏ tình trạng nhũng nhiễu, nặng phong bì, chi phí ngoài luồng, thực hiện tốt vai trò Chính phủ liêm chính, ngăn chặn, chống biểu hiện tiêu cực, quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau.

Ông cũng đề nghị doanh nghiệp có tầm nhìn xa, làm ăn có bài bản, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật mới có thể phát triển được. Vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường, sân chơi bình đẳng, vai trò của Chính phủ là kiến tạo.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thu ngân sách thành phố đạt cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Năm 2016, Hà Nội cũng thu hút 588 dự án FDI với 3,11 tỷ đôla Mỹ, tăng gần 3 lần so với năm 2015.

Zing.vn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thu-tuong-nhac-bach-thai-buoi-de-noi-ve-tinh-than-doanh-nhan-post746880.html