Giải pháp để ngành sư phạm hấp dẫn thí sinh giỏi

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay trong đó có nhóm ngành sư phạm được dư luận đặc biệt quan tâm về chỉ tiêu và mức điểm tuyển. Nhiều câu hỏi đặt ra của những người có tâm huyết mong các cấp quản lý Nhà nước sớm tìm hướng đi, giải pháp cho vấn đề nay. Sư phạm là một nghề cao quý nhưng dường như đã bớt phần hấp dẫn đối với thí sinh hiện nay.

Điểm chuẩn đầu vào sư phạm

Điểm chuẩn các ngành sư phạm là vấn đề được bàn luận rất nhiều trong mùa tuyển sinh đại học năm 2017. Lý do bởi trong khi các ngành khác điểm chuẩn có xu hướng tăng thì các ngành sư phạm mức điểm chuẩn chỉ ngang bằng mức điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Đại học Vinh là trường đào tạo sư phạm truyền thống, lâu đời và có uy tín, thương hiệu trong cả nước. Nếu như cách đây hơn một thập kỷ, điểm chuẩn vào sư phạm của Trường Đại học Vinh có thể ngang với các trường đại học hàng đầu của cả nước thì những năm gần đây, điểm chuẩn của nhóm ngành sư phạm liên tục giảm dần. Năm 2015, điểm chuẩn các ngành truyền thống như Sư phạm Toán, Vật Lý, Hóa học, Sinh Học, Văn, Lịch Sử, Địa Lý đều từ 20 đếm 23 điểm.

Bắt đầu từ năm 2016, Đại học Vinh bắt đầu tuyển sinh theo nhóm ngành: Nhóm ngành sư phạm tự nhiên, xã hội điểm chuẩn 17 điểm. Riêng các nhóm ngành sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất điểm chuẩn từ 20-25 điểm (ngoại ngữ và năng khiếu nhân hệ số 2).

Năm nay, 2 nhóm ngành sư phạm tự nhiên và xã hội mức điểm “khiêm tốn” bằng mức điểm sàn là 15, 5 điểm. tuy nhiên, kết thúc tuyển sinh đợt 1 chỉ tuyển được khoảng 40% chỉ tiêu.

Ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, năm nay trường có 6 ngành Sư phạm đó là Sư phạm Mầm non, Sư phạm Tiểu học, Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Tiếng Anh. Kết thúc đợt xét tuyển đợt 1, mặc dù mức xét tuyển đầu vào chỉ 10 điểm với 4 tổ hợp môn Toán – Văn - Anh, Toán - Lý - Anh, Văn - Sử - Địa, Toán - Hóa - Sinh nhưng kết quả tuyển sinh của các ngành Sư phạm Ngữ văn, Toán, Sinh học… vẫn còn rất thưa thớt với vài thí sinh đăng ký dù chỉ tiêu mỗi ngành chỉ từ 10 - 15 thí sinh.

Tình trạng này cũng diễn ra ở những năm trước khi mỗi năm các ngành Sư phạm Toán, Văn… chỉ tuyển được từ 3 - 5 thí sinh và đẩy nhà trường vào tình trạng khó sắp xếp việc làm cho đội ngũ giáo viên. Riêng trong năm 2016, tỷ lệ tuyển sinh chỉ đạt 59,46% (993/1.670 chỉ tiêu).

Trong đó, ngành Sư phạm Địa lý liên tục 3 năm không tuyển được sinh viên. Thực tế này, khác rất nhiều so với 10 - 15 năm về trước. Thời điểm đó, chỉ tiêu cho các ngành sư phạm của trường không nhiều và thường phân chỉ tiêu cho từng địa phương cụ thể. Vì vậy, để trúng tuyển vào hệ cao đẳng, có những năm điểm chuẩn còn cao hơn đại học.

Điểm đầu vào ngành sư phạm quá thấp khiến dư luận đặt dấu hỏi ngành sư phạm không còn thu hút được nhiều người tài? Đồng thời lo ngại về chất lượng đầu vào sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục trong tương lai.

Thầy giáo Lê Xuân Hường – Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 1, huyện Thanh Chương, Nghệ An khẳng định: Chất lượng đào tạo giáo dục phụ thuộc nhiều vào người thầy, càng có những người thầy tâm huyết, càng có nhiều người thầy tài năng thì càng có nhiều học sinh tốt…

Tuy nhiên, với chất lượng đào tạo hiện nay, ngành Giáo dục và phụ huynh có cơ sở để lo lắng. Đặc biệt, toàn ngành đang có những bước cải cách giáo dục mạnh mẽ, từ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Bối cảnh này lại càng cần những người có tâm huyết, có tài năng thực sự .

Giáo dục mầm non, tiểu học hút thí sinh

Trong bức tranh chung còn nhiều ý kiến trái chiều về tuyển sinh và điểm chuẩn đầu vào các ngành sư phạm, chạm mức điểm sàn, thì hai ngành sư phạm Giáo dục Mầm non, sư phạm Giáo dục Tiểu học lại không ngừng tăng sức hút. Tại trường Đại học Vinh mùa tuyển sinh năm 2017, ngành học mầm non được xem là ngành “nóng” nhất hiện nay khi có tỷ lệ “chọi” khá cao và thí sinh cần phải trải qua 2 vòng thi mới trúng tuyển.

Cụ thể, trong số khoảng 4.000 hồ sơ đăng ký vào trường thì có gần 1.000 hồ sơ đăng ký vào ngành Sư phạm Mầm non. Tuy nhiên, chỉ tiêu của ngành chỉ có 110 thí sinh. Ngành Sư phạm Mầm non là một trong ít ngành có điểm chuẩn cao nhất trường với 27 điểm (trong đó môn năng khiếu hệ số 2 và điểm năng khiếu phải đạt tối thiểu là 5,5 điểm). Ngoài ra, ngành Giáo dục Tiểu học điểm chuẩn là 22 điểm, Sư phạm Tiếng Anh 24 điểm.

Theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiền - Trưởng khoa Giáo dục, có nhiều lý do khiến thí sinh đăng ký vào ngành mầm non tăng. Trước tiên là do sự thay đổi cái nhìn của xã hội đối với bậc học này, xem đây là bậc học đầu tiên và cần thiết. Tiếp theo, từ sự chuyển biến này, thí sinh nhận thấy được ảnh hưởng của bậc học Mầm non và tin rằng có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường, giáo viên mầm non tự tin, sống được bằng nghề. Sự thay đổi này khiến chỉ tiêu tuyển sinh ngành mầm non tăng nhanh trong 2 năm gần đây và hiện tăng gấp đôi so với các năm trước.

Ngành Sư phạm mầm non cũng chính là ngành “cứu cánh” của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An trong giai đoạn tuyển sinh khó khăn hiện nay khi 450/660 chỉ tiêu của trường là dành cho ngành “hot” này.

Trước đó, trường cũng đã có gần 500 hồ sơ đăng ký thi năng khiếu và hiện đã có hơn 300 hồ sơ nhập học. Để công tác tuyển sinh thuận lợi, từ khi xét tuyển đợt 2, nhà trường đã mở rộng cơ hội tuyển sinh khi cho phép thí sinh lấy kết quả năng khiếu từ các trường đại học khác để tham gia xét tuyển vào trường.

PGS.TS Lưu Tiến Hưng - Hiệu trưởng nhà trường kỳ vọng: “So với các ngành khác, hiện cơ hội tìm kiếm việc làm của bậc học mầm non khá dễ khi hệ thống trường ngoài công lập và các nhóm trẻ tư thục rất phát triển. Điều này cũng là lý do chính khi thí sinh đăng ký vào bậc học mầm non đông hơn trước”.

Nhìn rộng ra, sức hút của ngành mầm non trong bối cảnh sư phạm không còn được nhiều phụ huynh, học sinh mặn mà đơn giản là do nhu cầu xã hội đối với ngành nghề này. Theo thống kê, ngành giáo dục mầm non tại Nghệ An đang thiếu khoảng 2.900 giáo viên.

Áp lực trẻ vào lớp tăng dần qua các năm và tiếp tục tăng lên, cũng như sự đẩy mạnh đầu tư của các trường mầm non dân lập cho thấy nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non là thực tế. Người học cũng có thể dự đoán được cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp khá rộng mở.

Trong khi đó, giáo viên Tiểu học và THCS đang dôi dư, thừa thiếu cục bộ. Chỉ tiêu biên chế dành cho ngành giáo dục trong nhiều năm nữa của Nghệ An là không có, trong khi toàn tỉnh đang thừa 1.742 giáo viên.

Nhà giáo nhân dân Lê Văn Phớt (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Nghệ An) cho rằng: Năm nay, điểm chuẩn sư phạm càng được sự quan tâm, tranh luận của xã hội bởi nó đặt trong sự so sánh với nhiều ngành tăng đột biến như: công an, quân đội, y dược… với mức điểm chuẩn gần như tuyệt đối từ 29 đến 30 điểm.

Nhưng từ sự so sánh đó cũng chỉ ra rằng, việc chọn nghề, chọn ngành của thí sinh gắn với nhu cầu xã hội, gắn với cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây thuộc khía cạnh tuyển sinh chứ không phải lỗi của kỳ thi THPT Quốc gia hay chỉ là riêng vấn đề của ngành Giáo dục.

Có những thời điểm của hàng chục năm về trước, sư phạm là ngành “hot” vì được miễn học phí, nhu cầu tuyển dụng cao. Nhưng giờ đây, đầu ra khó khăn, chế độ đãi ngộ cho nhà giáo không hấp dẫn, áp lực nghề nghiệp cao… thì tất yếu sức hút của ngành sư phạm giảm xuống.

Vực dậy ngành sư phạm

Việc không còn thu hút được nhiều sinh viên giỏi vào học, điểm đầu vào giảm, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống các trường sư phạm. Làm sao để đảm bảo chất lượng đào tạo với những yêu cầu chưa bao giờ hạ chuẩn mà ngày càng khắt khe hơn cả về năng lực, chuyên môn và phẩm chất đạo đức người thầy?

Trao đổi với Ths. Nguyễn Hồng Soa – Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp (ĐH Vinh) cho biết: Quan điểm của trường đối với các nhóm ngành sư phạm là từng bước cải tiến nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo phù hợp hướng tới đạt chuẩn đầu ra cũng như yêu cầu đổi mới của giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên, phẩm chất đạo đức nghề giáo; tăng cường thời lượng kiến tập thực tập; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường sư phạm với các trường phổ thông để sinh viên được học tập và rèn luyện không những ở trong môi trường hàn lâm mà còn được tăng cường trải nghiệm thực tế…

Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được ban hành. Tới đây, chương trình chi tiết của môn học cũng sẽ được thống nhất và triển khai. Việc trường ĐH Vinh tái cấu trúc lại các ngành đào tạo sư phạm riêng lẻ thành Viện Sư phạm Tự nhiên, Viện Công nghệ Hóa sinh – Môi trường, Khoa Địa lý – Quản lý tài nguyên… chính là đang cụ thể hóa xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ nhà giáo phù hợp với đối tượng, bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, để tăng sức hút của nghề giáo đối với thí sinh cần nhiều giải pháp về mặt chính trị - xã hội khác cần sự vào cuộc của ban ngành, các cấp chính quyền mà trong phạm vi ngành Giáo dục không thể lo liệu được.

Theo đó, cần thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại và tạo ra hệ thống trường sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên có chất lượng với vai trò đầu tàu là các trường đại học sư phạm chủ chốt, các trường sư phạm còn lại (nếu có) trở thành các trường vệ tinh thực hiện công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Đồng thời, dự báo nhu cầu nhân lực nhà giáo, xác định chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên từng cấp học, bậc học từ nay đến năm 2025 của từng địa phương và cả nước.

Từ đó, giúp xác định khoa học và chính xác chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm ở các bậc học, cấp học, phù hợp với nhu cầu của vùng miền, địa phương từ đó giải quyết được tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, khủng hoảng thừa thiếu cục bộ giáo viên các cấp học tại các địa phương. Bên cạnh đó, có chính sách tăng thu nhập, bảo đảm vị thế xã hội cho giáo viên để giáo viên và cả những sinh viên sư phạm yên tâm cống hiến cho nghề.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giai-phap-de-nganh-su-pham-hap-dan-thi-sinh-gioi-3721797-b.html