Giải pháp để hết bị động trước thị trường Trung Quốc?

Một yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định đến sự tồn vong của sản phẩm trong nền kinh tế thị trường là việc xây dựng thương hiệu, một khi có thương hiệu hàng hóa sẽ tiếp cận được với nhiều thị trường...

Thanh long, mặt hàng quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc

Kinh tế thị trường không cho phép sự khu biệt trong sản xuất kinh doanh, điều đó đòi hỏi phải có mối dây liên hệ hữu cơ giữa sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Tuy nhiên sự phụ thuộc đến mức bị động trước một vài thị trường nào đó trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa là “điềm xấu” đối với mọi nền kinh tế.

Quy luật kinh tế là vậy, nhưng đối với hàng hóa nông sản Việt Nam không biết từ bao giờ đã quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để rồi một khi thị trường này “hắt hơi” thì kinh tế Việt rơi vào trạng thái đau đầu, sổ mũi.

Thực trạng nông sản Việt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không phải mới xảy ra nhưng vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng.

Những biến động khó lường

Mấy hôm nay, tại Đồng Nai, cá sấu thương phẩm rơi vào trạng thái “lơ lửng” khi thương lái Trung Quốc trở chứng ngừng thu mua. Bằng giờ này năm ngoái giá cá sấu thịt dao động từ 150.000 - 200.000 nghìn đồng/kg nhưng hiện nay rớt xuống mức thấp kỷ lục còn… 70.000 đồng/kg!

Còn nhớ hồi đầu tháng 5/2016 giá các loại thịt lợn bán tại chợ đồng loạt tăng. Thậm chí, có loại tăng lên 10.000 - 20.000 đồng/kg so với thời điểm cách đó 1 tháng. Nguyên nhân được xác định do thương lái Trung Quốc đang tích cực gom mua, đẩy giá lợn hơi lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Như một hệ quả mang tính Domino, người nuôi lợn khắp cả nước rục rịch tăng đàn, gia tăng số lượng nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ 3 tuần sau đó Trung Quốc bất ngờ ngưng thu mua khiến thương lái lao đao vì số lượng tồn kho lên đến cả ngàn con.

Diễn biến của thị trường lợn lần này khiến chúng ta nhớ lại những “cay đắng” mang tên dưa hấu, cũng với cách thức thu mua ào ạt, đẩy giá lên cao rồi bỗng dưng dừng mua đột ngột khiến không ít người trồng dưa ở miền Trung, miền Nam lâm vào cảnh phá sản, cả ngàn tấn dưa đã thu hoạch, từng đoàn xe nối đuôi nhau ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh hồi hộp chờ động tĩnh phía thương lái Trung Quốc; sự việc này, một tờ báo đã giật tít “Hà Nội ngập trong dưa”.

Sản phẩm mủ cao su Việt Nam cũng đã và đang phải nhận quả đắng từ thị trường dễ chơi nhưng đầy may rủi này. Cách đây 10 năm trở về trước cao su được mệnh danh là “vàng trắng” vì được tiêu thụ mạnh từ thị trường Trung Quốc với giá cao.

Có đến 80% sản lượng mủ cao su được tiêu thị tại thị trường Trung Quốc, nhưng hiện nay, với sự phá giá của đồng nhân dân tệ và những mánh lới của thương lái đã khiến ngành cao su Việt lâm vào khó khăn.

Không ít doanh nghiệp cao su lớn đã phải tồn tại bằng cách chặt bỏ thanh lý cây cao su. Nguồn thu nhập chính đang có nguy cơ tiếp tục sụt giảm, nhưng chi phí lại đang vào giai đoạn khó bề cắt giảm, thậm chí một số hạng mục chi phí đã bắt đầu tăng lên. Nhân sự đang trở thành một trong những vấn đề đau đầu của lãnh đạo doanh nghiệp ngành cao su thời điểm này.

Ngoài lợn, dưa hấu, cao su, cá sấu…, người nông dân Việt đã từng nếm trải rất nhiều quả đắng từ thương lái Trung Quốc như thu mua đỉa, lá điều, gốc tiêu, móng trâu, thanh long…; các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tình trạng mua bán kỳ quặc này nhưng tại sao hết lần này đến lần kia chúng ta vẫn tự mình... chui vào tròng?

Cần những giải pháp căn cơ

Nông sản Việt Nam bao giờ hết phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?

Đây là câu hỏi không dễ gì trả lời. Đành phải chấp nhận thực tế rằng không thể “nghỉ chơi” với thị trường này bởi 1,37 tỉ dân là nguồn tiêu thụ rất hấp dẫn cho bất cứ nguồn cung nào và sức “nóng” từ một nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu có chung biên giới buộc chúng ta phải giao thương để tìm cơ hội phát triển nhưng cần có cơ chế pháp lý để tự bảo vệ mình.

Thị trường Trung Quốc là nơi tiêu thụ hầu hết những mặt hàng nông sản của Việt Nam, ưu điểm lớn nhất của thị trường này là hàng rào kỹ thuật không quá khắt khe nên nông sản Việt xuất sang chủ yếu ở dạng thô. Điều này tuy là lợi thế cho phía xuất khẩu nhưng đồng thời phải chịu thiệt về giá cả.

Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải chủ động với từng sản phẩm của mình, muốn làm được điều này thì phải phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Việc chế biến nông sản trong nước một mặt nâng cao giá trị xuất khẩu mặt khác có thể tiếp cận với các thị trường “khó tính” nhưng đảm bảo tính ổn định từ đó giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn “dễ tính” nhưng đầy rủi ro.

Một yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định đến sự tồn vong của sản phẩm trong nền kinh tế thị trường là việc xây dựng thương hiệu, một khi có thương hiệu hàng hóa sẽ tiếp cận được với nhiều thị trường, được tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán tạo cơ chế minh bạch giá cả sẽ là những yếu tố đảm bảo tính bền vững.

Bài học về xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Bình Định xuất khẩu sang Nhật hay vải thiều Hưng Yên, Bắc Giang, thanh long Bình Thuận, bưởi Năm Roi… được tiêu thụ tại thị trường EU là minh chứng.

Vấn nạn buôn lậu tại các vành đai cửa khẩu cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến nông sản Việt thất thế trước cuộc chơi cạnh tranh khốc liệt. Cần tăng cường buôn bán chính ngạch, có ký cam kết thu mua với các đối tác Trung Quốc phòng khi họ “lật kèo”. Đồng thời các cơ quan chức năng cần dẹp nạn buôn lậu hoành hành tại các vùng biên nhằm hạn chế tối đa việc buôn bán theo đường tiểu ngạch đầy rủi ro.

Tất cả phụ thuộc vào một tầm nhìn chiến lược dài hơi.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/giai-phap-de-het-bi-dong-truoc-thi-truong-trung-quoc-post170659.html