Giải pháp đấu giá nghệ thuật?

Đấu giá tác phẩm nghệ thuật, không còn là một lĩnh vực xa lạ trên thế giới. Đã có những thương hiệu nhà đấu giá quốc tế như Sotheby’s hoặc Christie’s. Thế nhưng...

Thế nhưng, tại Việt Nam đấu giá nghệ thuật chỉ mới nhen nhóm trong năm 2016 bằng hai cuộc chơi tại Hà Nội và TP.HCM. Dù mặc định vạn sự khởi đầu nan, vẫn phải nghĩ đến một giải pháp lâu dài cho hoạt động có ý nghĩa không chỉ với giới mỹ thuật này.

Trước đây, nước ta chỉ đấu giá các tác phẩm nghệ thuật với mục đích từ thiện. Người bỏ tiền mua vì muốn hỗ trợ những đối tượng nghèo khó hoặc bất hạnh, chứ chưa hẳn vì sở thích và nhu cầu sưu tập. Mặt khác, có những tác phẩm nghệ thuật được mang ra đấu giá chủ yếu dựa vào… nhân thân của tác giả mà thôi. Ví dụ, từng có bức tranh được đấu giá và thu về 4 tỷ đồng, nhưng hoàn toàn lờ mờ trong lòng những người yêu hội họa.

Tháng 5-2016, một cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật được tổ chức tại Hà Nội với kết quả khá tưng bừng. Cặp chóe với giá khởi điểm 1 tỷ đồng, được ông chủ một tập đoàn mua với giá 6,05 tỷ đồng, nhưng sau đó... bỏ cọc không lấy tác phẩm. Tháng 12-2016, một cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật lại được tổ chức tại TP.HCM, không có tác phẩm nào có giá vượt trội, nhưng vẫn có trường hợp bỏ cọc không lấy tác phẩm. Buồn cười hơn, sân chơi tại TP.HCM lấy cái tên khá ấn tượng “Đấu giá vị nghệ thuật”, mà lại chào hàng cả sản phẩm đấu giá là… rượu vang. Ơ hay, rượu vang thì tính nghệ thuật nằm ở đâu nhỉ?

Việc bỏ cọc không lấy tác phẩm, cho thấy khách hàng ở các sàn đấu giá nghệ thuật hầu như chỉ tham gia như một lần dạo chơi hào nhoáng, chứ chưa có kiến thức gì về những tác phẩm mà mình muốn sở hữu. Đồng thời cũng cho thấy những đơn vị tổ chức chưa hề nắm bắt được đối tượng khách hàng hiện hữu cũng như khách hàng tiềm năng của những phiên giao dịch. Đấu giá tác phẩm nghệ thuật, tất nhiên phải nhắm đến những người có tiền, nhưng không thể quẩn quanh vài đại gia chỉ hứng thứ với áo quần, son phấn và nước hoa. Muốn trở thành nhà sưu tập thực sự, ngoài vấn đề tiền bạc, còn phải có năng lực cảm thụ và tình yêu nghệ thuật! Việt Nam đang ngày càng nhiều những đại gia, nhưng vẫn khủng hoảng thiếu những doanh nhân có tầm vóc văn hóa!

Cần thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta chưa có những đơn vị tổ chức đấu giá nghệ thuật một cách chuyên nghiệp. Có những công ty vốn hành nghề đấu giá tàu thuyền hoặc nhà cửa, bỗng dưng cao hứng chuyển sang đấu giá tác phẩm nghệ thuật nên vẫn áp dụng những kỹ năng không phù hợp.

Tác phẩm nghệ thuật là loại hàng hóa đặc biệt. Những phiên đấu giá phải được vận hành khéo léo và hiệu quả mới mong hình thành thị trường nghệ thuật Việt Nam. Cho nên, các cơ quan quản lý văn hóa cần có xây dựng một quy chế chung để các sàn thực hiện, nhằm tránh tình trạng bát nháo và nhiễu loạn giá trị!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/giai-phap-dau-gia-nghe-thuat-post187525.html